Tư vấn tuyển sinh: (028) 7300.4183/ 7301.4183 – 03.9798.9798 tuvan@oisp.edu.vn
Select Page

Mai Tôn Khiêm – chủ nhân học bổng ĐH Queensland (Úc)

Tiếp nối truyền thống thành công của các sinh viên BK-OISP đi trước, Mai Tôn Khiêm – sinh viên K12 chương trình Tiên tiến ngành Điện – Điện tử Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, đã đạt được học bổng chuyển tiếp sang University of Queensland (Úc). Cùng BK-OISP làm quen cậu bạn vừa học giỏi, siêu tiếng Anh lại vừa vui tính và năng động này nhé!

Tiếp nối truyền thống thành công của các sinh viên BK-OISP đi trước, Mai Tôn Khiêm – sinh viên K12 chương trình Tiên tiến ngành Điện – Điện tử Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, đã đạt được học bổng chuyển tiếp sang University of Queensland (Úc). Cùng BK-OISP làm quen cậu bạn vừa học giỏi, siêu tiếng Anh, lại vừa vui tính và năng động này nhé!

Không chỉ đạt thành tích học tập đáng nể (GPA 8.6/10.0; liên tiếp 5 học kỳ nhận học bổng của OISP) và trình độ tiếng Anh cực “chất” (IELTS 8.0/9.0), Mai Tôn Khiêm còn tích cực tham gia cộng tác trong mọi hoạt động của Văn phòng Đào tạo Quốc tế và Đoàn Khối BK-OISP.

Ngay khi nắm được thông tin Mai Tôn Khiêm đoạt học bổng, OISP đã lập tức tiến hành “điều tra” nhằm đưa anh chàng này “ra ánh sáng”. Càng “lần theo dấu vết” của Mai Tôn Khiêm, “trinh sát” OISP càng đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác…

Mời bạn đọc OISP xem qua bản tường trình cuộc “thẩm tra” Mai Tôn Khiêm để xem bí quyết học tập siêu đỉnh của bạn ấy là gì nhé! 😉

* Chào Khiêm! Xin chúc mừng bạn đã nhận được học bổng từ ĐH Queensland (Úc) và chuyển tiếp thành công. Bạn có thể giới thiệu đôi chút về quá trình ứng tuyển học bổng này được không? 

– Thật ra thì cũng không có gì ly kỳ lắm đâu. Sau khi quyết định sẽ nộp đơn xin chuyển tiếp sang University of Queensland (UQ) thay vì các trường khác thì mình tiếp tục tìm hiểu và tham khảo ý kiến của đại diện đến từ UQ cũng như các anh chị có kinh nghiệm tại ĐH Bách Khoa TP.HCM. Qua đó mà mình đã tìm được học bổng có vẻ vừa sức. Công đoạn cuối cùng chỉ là thi IELTS, nộp bảng điểm từ ĐH Bách Khoa TP.HCM kèm với một bài viết về bản thân cho UQ. Suốt giai đoạn này mình được các anh chị thuộc bộ phận chuyển tiếp du học của OISP giúp đỡ rất tận tình nên mọi việc cũng dễ dàng hơn nhiều.

Mai Ton Khiem chu nhan hoc bong toan phan DH Queensland 01

Mai Tôn Khiêm – sinh viên K12 chương trình Tiên tiến ngành Điện – Điện tử  (ĐH Bách Khoa TP.HCM), chủ nhân học bổng chuyển tiếp sang ĐH Queensland (Úc).

* Các sinh viên chương trình Tiên tiến thường chọn hoàn tất chương trình và tốt nghiệp tại ĐH Bách Khoa TP.HCM. Động lực nào khiến bạn quyết định tìm kiếm và giành lấy học bổng để chuyển tiếp sang Úc?

– Du học đã là ước mơ của mình từ thời còn ngồi ghế THPT rồi, nhưng đáng tiếc là không đủ nỗ lực để thành công. Thế nên sau khi nhận được tin báo đỗ vào ĐH Bách Khoa TP.HCM và có nghe nói về chương trình đào tạo quốc tế của Trường, mình đã xin ba mẹ để được chuyển từ ngành Cơ Điện tử chương trình tiếng Việt đại trà (ngành trúng tuyển ban đầu của Khiêm – NV) sang ngành Điện – Điện tử chương trình Tiên tiến, vừa tiết kiệm chi phí so với các ngành khác, phù hợp sở thích, vừa là chương trình học bằng tiếng Anh, có cơ hội được chuyển tiếp sang Úc hoặc Mỹ.

Còn về lý do tại sao lại thích đi du học thì chính là vì mình muốn được chứng tỏ bản thân trong môi trường quốc tế một cách toàn diện, chứ không phải chỉ là anh sinh viên Điện – Điện tử “đẹp trai”, học giỏi ở Việt Nam.

* Được biết Khiêm đã đến Úc sớm để làm quen với môi trường ở đây cũng như ổn định trước khi chính thức nhập học?

LÝ LỊCH TRÍCH… XÉO

(phần trong ngoặc là không nghiêm túc nhé :3)

– Ngành: Điện – Điện tử

– Khóa: 2012

– GPA: 8.6/10

– Tiếng Anh: IELTS 8.0/9.0

– Sở thích, tài lẻ: (cái gì vui cũng thích; hồi trước thích vẽ mà bị ném đá dữ quá bỏ luôn rồi :3)

– Hoạt động ngoại khóa: cộng tác viên BK-OISP (cũng kha khá các hoạt động, nhưng mà không thấy cái nào thành công lắm); cộng tác viên Đoàn khối BK-OISP

– Thành tích: học bổng 5 trên 6 học kỳ ở Việt Nam (bị hụt 1 học kỳ vì… rớt môn Giáo dục Thể chất, hu hu hu…)

– Mình bay đến đây 1 tháng trước ngày nhập học chính thức. Thời gian này mình dành để ổn định chỗ ăn ở, làm quen với bạn bè, anh chị có kinh nghiệm tại Úc và tìm hiểu đủ thứ thông tin trên trời dưới đất cho quá trình mình học tập, sinh hoạt tại Brisbane sắp tới.

Dù là thành phố ven biển và có khí hậu thuộc hàng ôn hòa trong bảng xếp hạng các thành phố của Úc, mình vẫn chưa thể làm quen với thời tiết mùa Đông ở đây. Khác với khi ở TP.HCM, “tuyệt vời ông mặt trời” không chỉ hợp vần mà còn đúng về nghĩa đen ở Brisbane; phòng tắm là nơi mình nhảy Harlem Shake một mình để không đóng băng và đêm nào cũng há miệng ra thở trông hệt như cá vàng vì chất lỏng trong đầu đã đông đặc lại.

Khó khăn lớn thứ nhì đối với mình là khi giao tiếp với người bản xứ. Trong trường hợp này thì mình công nhận thực hành hầu như khác hoàn toàn với lý thuyết. Mỗi lần họ hứng chí lên, “bắn” một đoạn hội thoại với tốc độ âm thanh không xác định được vào tai là y như rằng mình phải vận dụng tối đa óc quan sát, phân tích nét mặt của đối phương để mà trả lời “Yes” hay “No” tùy trường hợp, bởi vì nếu nhờ người ta nhắc lại đến lần thứ 4 thì cũng hơi kỳ.

Đó là 2 khó khăn lớn nhất mà mình cũng như nhiều du học sinh Úc thường gặp phải. Tuy nhiên, bên cạnh đó là vô số những trải nghiệm mới toanh mà mình rất thích tại Úc, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng từ trong nhà ra đến ngoài phố, từ siêu thị đến trường học đều tuyệt vời; cộng đồng dân cư ở đây thì đa số thân thiện, tốt bụng hết chỗ chê; và cơ hội nghề nghiệp, phát triển bản thân cho sinh viên ngành kỹ thuật là rất nhiều.

Sau 3 năm gắn bó, ắt hẳn Khiêm đã có rất nhiều trải nghiệm khác nhau khi học tập và hoạt động phong trào tại BK-OISP. Bạn có thể chia sẻ về thời gian của mình tại đây được không? 

– Ấn tượng đầu tiên về BK-OISP mà mình nhận thấy qua những ngày đầu đến ĐH Bách Khoa TP.HCM là đội ngũ staff (nhân viên) rất chuyên nghiệp và mặt ai trông cũng “ngầu như trái bầu”. Về sau mình mới biết rằng “biệt đội” này đa số gồm toàn các anh, chị chỉ lớn tuổi hơn mình chút xíu, và nếu không bận rộn thì các anh, chị cởi mở, dễ gần hệt như sinh viên tụi mình.

Về cơ sở vật chất thì mình có thể khẳng định dựa trên trải nghiệm thực tế là BK-OISP dù chưa nổi trội nhất nhưng vẫn tốt hơn hẳn so với mặt bằng chung bậc ĐH tại Việt Nam. Theo trí nhớ của mình thì có đến 98% phòng học mình từng đến được trang bị máy điều hòa, cứu cánh cho sinh viên vào những ngày trời nắng nóng quá đáng :”>; máy chiếu để giảng viên/ sinh viên có thể dùng truyền đạt ý tưởng hiệu quả hơn; riêng micro/ thiết bị âm thanh thì phòng nào cũng có nhưng không phải phòng nào micro cũng hoạt động bình thường =,=.

Các giảng viên tại BK-OISP cũng đều là các thầy cô kỳ cựu, nhiều kinh nghiệm sư phạm hoặc có học vấn đáng nể. Mình đã từng được học qua các môn học do thầy cô trưởng/ phó bộ môn, trưởng/ phó khoa, thậm chí cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đứng lớp. Bên cạnh đó, còn có những thầy, cô mỗi lần đứng lớp là mình cảm nhận được rõ ràng họ đang tập trung dồn hết nhiệt huyết để truyền đạt kiến thức cho sinh viên. Bản thân mình đến giờ vẫn thán phục các thầy, cô đó và hy vọng cũng sẽ làm được như vậy nếu sau này đảm nhận vai trò tương tự.

Mai Ton Khiem chu nhan hoc bong toan phan DH Queensland 02

Mai Tôn Khiêm (giữa) và bạn bè trong học kỳ quân sự tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng (ĐH Quốc gia TP.HCM). 

Điều cuối mình muốn chia sẻ về khoảng thời gian học tập ở BK-OISP là mình “may mắn” được học trong một lớp toàn các bạn nam tuy không đẹp trai nhưng được cái vui tính. Kỷ niệm thì nhiều không đếm xuể, nhưng đáng nhớ nhất thì phải kể tới chuyến phiêu lưu đi học quân sự, hay còn gọi là Giáo dục Quốc phòng, chủ yếu vì đợt ấy gần như góp mặt đủ tất cả thành viên trong lớp và kéo dài suốt cả một tháng.

Nhớ khi ấy tất cả thanh niên trai tráng Tiên tiến K12 hò nhau ra Thủ Đức mặc áo lính, được xếp chung một đại đội với các em sinh viên Dệt may K13 mới vào trường, toàn là nữ. Sau này kể lại, các em ấy được một phen hoảng hồn vì tưởng học quân sự khó đến nỗi “cả một lớp khóa trên phải đi học lại” (sinh viên chương trình chính quy Tiên tiến, Chất lượng cao học Giáo dục Quốc phòng vào năm thứ hai – khác với sinh viên chương trình tiếng Việt đại trà cùng khóa học vào năm thứ nhất – NV).

Vậy, với kinh nghiệm hiện có, và một cơ hội mới tại UQ, định hướng của Khiêm cho tương lai là gì?

– Dự định cho tương lai thì nhiều lắm, nhưng mình không thích “nói trước rồi bước không qua”. Chỉ có một điều chắc chắn không thể không làm là mình sẽ cố gắng hết sức để có một tấm bằng tốt nghiệp hoành tráng tại UQ.

Ngoài lề một chút nhé! Tuy học rất giỏi, nhưng từ “mọt sách” không đúng với Khiêm tí nào. Nghe nói bạn bè nhận xét Khiêm rất rất… “bựa”.

– Chắc có gì đó nhầm lẫn ở đây rồi, bạn bè vẫn thường nhận xét về Khiêm đại loại như “Ăn gì mà đẹp trai quá vậy?” hoặc “Dễ thương quá à, cho nựng cái nha”.

Có những bạn học giỏi hơn mình rất nhiều, và cả những bạn có thế mạnh rất riêng. Thế nên “học rất giỏi” là đánh giá mình quá cao, đồng thời mình không cho rằng chỉ cần học giỏi là thành công, mình đã và luôn sẵn sàng học hỏi thêm nhiều thứ từ những người khác.

Mai Ton Khiem chu nhan hoc bong toan phan DH Queensland 03

Mai Tôn Khiêm (bìa trái) cùng hội bạn thân thiết “chuyên săn học bổng” tại OISP như Trần Hồng Ân (thứ hai từ trái qua), Nguyễn Hoàng Việt (thứ hai từ phải qua)… 

Thế những lúc không học, bạn thường dành thời gian làm gì?

– Mình tham gia mọi hoạt động ngoại khóa tại BK-OISP mà mình cảm thấy hứng thú hoặc bổ ích, nhưng thú thật là vẫn chưa có hoạt động nào thật sự khiến mình thấy mãn nguyện. Nguyên nhân chắc chắn là do mình còn thiếu kỹ năng, hay đôi khi là do không nắm bắt cơ hội và một vài lý do khách quan khác.

Có người không tin khi mình thừa nhận mình chơi game rất nhiều. Việc chơi game của mình thường kéo dài đến vài giờ đồng hồ mỗi ngày, thậm chí nhiều hơn vào ngày nghỉ khi không có gì làm và thường chỉ chấm dứt trước deadline bài tập, thi cử hoặc hoạt động gì đó quan trọng. Mình thích tính thách thức và tự do trong các trò chơi, cảm giác thỏa mãn mỗi khi chiến thắng, hay đơn giản là niềm vui khi được phối hợp cùng bạn bè.

Nếu bạn cũng đang nghiện game, mình có một chia sẻ nhỏ rằng hãy xem những khó khăn trong cuộc sống của bạn như thách thức trong trò chơi, và tìm cách vượt qua nó. Dần dà bạn sẽ nhận ra cuộc sống chính là vòng chơi lớn nhất mà bạn không được phép bỏ cuộc. Dĩ nhiên chiến thắng trong cuộc sống sẽ cho bạn cảm giác thỏa mãn và tự hào không gì sánh bằng. 

Cảm ơn Khiêm vì những chia sẻ rất thú vị và đầy cảm hứng. Mến chúc bạn luôn giữ được sự vui vẻ, trẻ trung và gặt hái được nhiều thành công cuộc sống!

TÙNG HUY thực hiện – Ảnh: nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp