”Chiến thuật” học và thi trắc nghiệm

Nắm rõ các tips sau, các 99-er sẽ vượt qua kỳ thi THPT Quốc gia 2017 một cách thuận lợi và đạt hiệu quả cao.

Nắm rõ các tips sau, các 99-er sẽ vượt qua kỳ thi THPT Quốc gia 2017 một cách thuận lợi và đạt hiệu quả cao.

Chien thuat hoc thi trac nghiem

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) học toán theo hình thức để thi trắc nghiệm – Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH

ĐỌC KỸ LỜI DẪN NGAY TRONG LẦN ĐẦU TIÊN

So với đề tự luận, hình thức thi trắc nghiệm có số lượng câu hỏi nhiều hơn nhưng thời gian làm bài ngắn hơn. Do vậy, điều quan trọng nhất để làm tốt bài thi trắc nghiệm là phân bố thời gian hợp lý.

Theo TS. Sái Công Hồng, giám đốc Trung tâm Khảo thí & kiểm định chất lượng – ĐH Quốc gia Hà Nội, trong kỹ thuật viết câu hỏi trắc nghiệm, lời dẫn bao giờ cũng nêu đầy đủ thông tin, ý nghĩa của vấn đề. Vì vậy, thí sinh phải đọc rất kỹ lời dẫn ngay lần đầu tiên để không mất thêm thời gian đọc lại lần hai, thay vào đó dành khoảng thời gian này cho việc tư duy tính toán đáp án. Tùy môn thi và nội dung câu hỏi, thí sinh đọc trước lời dẫn hoặc câu hỏi. Chẳng hạn với bài đọc hiểu tiếng Anh, việc đọc trước câu hỏi để xác định nội dung cần tìm trong bài đọc sẽ giúp xác định nhanh hơn câu trả lời.

Theo TS. Trịnh Thanh Đèo, trưởng Phòng Khảo thí & đảm bảo chất lượng – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), không nhất thiết phải thực hiện bài thi tuần tự từ trên xuống dưới. Thay vào đó, thí sinh dành thời gian “lấy điểm” triệt để ở những câu dễ. Do vậy, khi bắt tay giải một đề trắc nghiệm, thí sinh phải đọc nhanh và giải quyết trước những câu hỏi dạng nhận biết. Kế tiếp, ở lượt đọc thứ hai, thí sinh trả lời các câu hỏi dạng thông hiểu rồi đến nâng cao. Ở dạng câu hỏi dễ, thời gian làm bài mỗi câu không quá 30 giây và không quá 5 phút cho mỗi câu khó. “TS cần chú ý những chi tiết, dù nhỏ nhất, để tiết kiệm thời gian. Chẳng hạn, sau khi hoàn thành từng câu, thí sinh cần đánh dấu ngay vào đề thi để không mất thời gian đọc lại ở lần tiếp theo”, TS. Đèo chia sẻ.

ThS. Nguyễn Kim Tường Vy, tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM), thì cho rằng cần có cách làm bài khác nhau cho từng trình độ thí sinh để đạt điểm tối ưu. Với môn lịch sử, theo đề thi minh họa thì có 10 câu ở mức độ nhận biết có thể làm trong 5 phút, 10 câu mức độ hiểu trong 10 phút và dành khoảng 20-25 phút cho 20 câu vận dụng còn lại. Tuy nhiên, đây là cách làm dành cho thí sinh giỏi. Với thí sinh trung bình và khá nên tập trung thời gian nhiều hơn cho các câu hiểu biết, tránh mất thời gian cho câu vận dụng cao. Thí sinh trung bình và yếu nên tập trung thời gian cho các câu nhận biết. “Trong 5 phút cuối giờ vẫn chưa hoàn tất bài làm, thí sinh vẫn nên chọn vào đáp án còn nghi ngờ dù chưa chắc chắn để có cơ hội đạt điểm cao hơn là bỏ trống”, ThS. Vy khuyên.

HẠN CHẾ TỐI ĐA DÙNG “MẸO”

Theo TS. Nguyễn Thái Sơn, giảng viên Toán Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hiện nay có nhiều lời quảng cáo về việc dùng “mẹo” hoặc chỉ cần bấm máy tính có thể giải Toán nhanh mà không cần kiến thức căn bản. Thực tế việc sử dụng máy tính có thể hỗ trợ để chọn đúng đáp án trong quá trình làm bài, nhưng nếu sử dụng cách này mà không có kiến thức căn bản, không có nội lực thì điểm không cao và kết quả rất tai hại, vì ảnh hưởng tới tư duy toán học lâu dài. “Thí sinh chỉ nên sử dụng máy tính để làm bài chứ không nên lệ thuộc hoàn toàn vào máy tính“, ông Sơn khuyên.

TS. Sái Công Hồng cũng cho rằng thí sinh hạn chế tối đa việc dùng “mẹo” hoặc bấm máy tính khi làm bài hoặc sử dụng đáp án ngược để tìm ra kết quả. Thay vào đó, nên làm bài theo trình tự của tư duy xuôi. “Nếu không có kiến thức mà sử dụng “mẹo” thì khả năng trật rất cao”, ông Hùng nhấn mạnh. Lý giải điều này, TS. Hồng cho biết một câu hỏi chuẩn được đưa vào đề thi đã trải qua các giai đoạn thử nghiệm thực tế trên nhiều thí sinh trước đó. Nếu đáp án nhiễu (tức đáp án sai) không đạt 6% người trả lời thì sẽ được xếp vào dạng đáp án “lộ” và được điều chỉnh ngay. Vì vậy, thí sinh không nên quá kỳ vọng vào việc sử dụng “mẹo” trong việc đánh đáp án.

CHỌN HỌC CỤ PHÙ HỢP ĐỂ TIẾT KIỆM THỜI GIAN LÀM BÀI

Theo ThS. Nguyễn Kim Tường Vy, việc chuẩn bị tốt học cụ cũng giúp tiết kiệm đáng kể thời gian khi làm bài thi trắc nghiệm. Nhiều thí sinh quen dùng bút chì lõi kim nhỏ nét nhưng loại này rất bất tiện do phải thực hiện động tác tô nhiều lần. Tốt nhất nên sử dụng bút chì 2B vỏ gỗ, lõi chì to sẽ giúp tô nhanh hơn.

Thí sinh cũng không nên sử dụng gôm (tẩy) gắn ở đuôi bút chì vì sẽ mất thêm nhiều giây để thực hiện động tác quay đầu bút hơn việc sử dụng độc lập bút và gôm. Hơn nữa, đầu gôm trên bút chì nhỏ, khi bôi dễ bị lem bẩn và không sạch.

Thí sinh nên chuẩn bị 2 bút chì và 2 gôm kèm theo gọt bút chì để dùng cho mỗi buổi thi. Tránh gọt bút chì quá nhọn sẽ khó tô và gọt sẵn mỗi cây bút 2 đầu.

HÀ ÁNH (Thanh Niên)

Bài trước

Bài tiếp