Nói thẳng về cơ chế tài chính cho nghiên cứu khoa học

“Với chế tài chính như hiện tại, Việt Nam sẽ không bao giờ có trường đại học lọt vào các bảng xếp hạng uy tín của thế giới như kỳ vọng của một số nhà quản lý” – GS. TS. Phan Thanh Sơn Nam, trưởng Khoa Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách Khoa TP.HCM nhận định.

“Với chế tài chính như hiện tại, Việt Nam sẽ không bao giờ có trường đại học lọt vào các bảng xếp hạng uy tín của thế giới như kỳ vọng của một số nhà quản lý” – GS. TS. Phan Thanh Sơn Nam, trưởng Khoa Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách Khoa TP.HCM nhận định.

Phan Thanh Son Nam GS tre nhut VN 05 d1c13

Theo GS. TS. Phan Thanh Sơn Nam, cơ chế tài chính và đánh giả hiệu quả nghiên cứu khoa học tại Việt Nam cần phải được điều chỉnh lại cho hợp lý.

Đó là một trong những nỗi niềm trăn trở được GS. Sơn Nam bày tỏ thẳng thắn trong khuôn khổ bài phát biểu về “Chính sách hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong các trường đại học” tại Hội nghị Lấy ý kiến cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên góp ý Dự thảo Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII diễn ra vào ngày 21/10/2015 tại Hà Nội.

Đến dự và chủ trị hội nghị có ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (nguyên phó chủ nhiệm Bộ môn Quản lý Công nghiệp – ĐH Bách Khoa TP.HCM). Các ý kiến được trình bày tại hội nghị là cơ hội để phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, chiến lược của Đảng, Nhà nước.

Là một trong những trí thức trẻ sớm dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bài phát biểu của GS. Sơn Nam phản ánh toàn diện các vấn đề liên quan đến nghiên cứu khoa học (NCKH) tại Việt Nam từ góc nhìn của người trong cuộc.

OISP đăng lại toàn văn bài phát biểu của GS. Sơn Nam tại hội nghị.

“Khoa học công nghệ của Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên phải trung thực rằng so với thế giới, hoạt động NCKH của các trường đại học và viện nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay còn yếu cả về lượng và chất, nghiên cứu cơ bản vẫn còn yếu, nghiên cứu ứng dụng cũng vẫn còn yếu.

Để giải quyết vấn đề này, chắc chắn không phải là chuyện một sớm một chiều, mà cần phải có sự nỗ lực rất lớn từ cả hai phía, là phía những nhà quản lý cũng như những nhà làm chính sách, và phía những nhà khoa học. Từ kinh nghiệm của bản thân mình, tôi thấy rằng để thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong các trường đại học và viện nghiên cứu, nhà nước cần phải lưu ý một số vấn đề như sau:

1. Đổi mới cơ chế tài chính cho cho hoạt động KHCN. Cơ chế tài chính hiện tại có quá nhiều điều không hợp lý. Ví dụ, khi viết đề cương xin kinh phí, phải khai báo chi tiết danh sách các hóa chất dự định mua trong 2 năm sắp tới, mỗi hóa chất phải khai chi tiết khối lượng bao nhiêu gam! Điều này chỉ phù hợp cho những “đề tài” đơn giản đã biết trước kết quả rồi, chứ hoàn toàn không phù hợp với nghiên cứu khoa học có tính mới theo chuẩn mực quốc tế nữa.

Hiện tại, các nhà khoa học đang mất quá nhiều thời gian để giải quyết những thủ tục tài chính, từ khâu dự trù kinh phí đến khâu thanh quyết toán, tất cả đều quá lỗi thời, cần phải đổi mới. Cho phép tôi được nói thẳng, với cơ chế tài chính như hiện tại, Việt Nam sẽ không bao giờ có trường đại học lọt vào các bảng xếp hạng uy tín của thế giới như kỳ vọng của một số nhà quản lý.

2. Đổi mới cách đánh giá kết quả hoạt động NCKH. Việc đánh giá kết quả NCKH như hiện tại không còn phù hợp nữa, nên đổi mới hướng đến các chuẩn mực quốc tế. Ngoại trừ các đề tài cấp cơ sở mang tính thăm dò thử nghiệm tập làm NCKH và một số đề tài có tính chất đặc biệt, các đề tài nghiên cứu cơ bản thì sản phẩm phải là các bài báo quốc tế ISI, đối với các đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng thì sản phẩm phải là các patent quốc tế. Không cần những cuốn báo cáo dài lê thê, không cần những buổi họp nghiệm thu mất thời gian như hiện tại.

Bài báo ISI và patent quốc tế là chuẩn mực được quốc tế sử dụng để đánh giá kết quả NCKH, và để hội nhập với thế giới, dù muốn dù không thì chúng ta cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi này. Hiện tại, Quỹ Nafosted đang làm tốt vấn đề này, tôi hy vọng mô hình Quỹ Nafosted được nhân rộng ra cho các đơn vị khác trên khắp cả nước.

3. Đổi mới cách thức đầu tư cho dự án hay phòng thí nghiệm (PTN). Cần phải rà soát lại hiệu quả hoạt động của các dự án, các PTN đã và đang được đầu tư, để xem PTN nào hoạt động hiệu quả, PTN nào hoạt động không hiệu quả.

Một điều hết sức lưu ý khi rà soát đánh giá các PTN là cũng phải dựa theo các chuẩn mực quốc tế về KHCN, tức là phải dựa vào số lượng và chất lượng công bố ISI cho những nhóm nghiên cứu cơ bản và patent quốc tế cho những nhóm nghiên cứu ứng dụng, những nhà quản lý không nên tự đưa ra những tiêu chí đánh giá khác với chuẩn mực quốc tế.

PTN nào hoạt động không hiệu quả thì không được đầu tư tiếp, PTN nào hoạt động hiệu quả thì cần phải được tiếp tục đầu tư cho xứng đáng để phát huy hết năng lực. Chỉ có như vậy Việt Nam mới xây dựng được những PTN có tiếng nói trong giới khoa học quốc tế, và mới mong các trường đại học ở Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng uy tín của thế giới như kỳ vọng của một số nhà quản lý.

4. Phải coi trọng nguồn nhân lực KHCN, đặc biệt là nhân lực trẻ. Hiện tại các nhà khoa học trẻ chưa được tạo điều kiện tốt nhất để cống hiến. Bản thân tôi là một trường hợp đặc biệt khi được Trường Đại học Bách Khoa và ĐHQG TP.HCM tạo điều kiện tốt để yên tâm làm khoa học.

Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng được may mắn như tôi, mà thực tế còn nhiều nhà khoa học trẻ trên khắp cả nước sau khi đi du học trở về phải giã từ con đường NCKH trong tiếc nuối của nhiều người. Có rất nhiều lý do, có thể là chính sách đãi ngộ còn thấp, có thể là điều kiện cơ sở vật chất chưa đủ để thực hiện nghiên cứu, có thể không xin được kinh phí để nghiên cứu, và dĩ nhiên có cả nguyên nhân thiếu nỗ lực của chính bản thân những bạn trẻ này. Đây là một câu chuyện dài mà phía những nhà quản lý và phía những nhà khoa học đều phải cùng nhau giải quyết.

Sau cùng, tôi muốn nói nguồn nhân lực trẻ tại các trường đại học và viện nghiên cứu là cái vốn quý giá của quốc gia, nhà nước phải tin tưởng và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học trẻ nói riêng và cho những người trẻ nói chung được làm việc và cống hiến một cách hiệu quả nhất.

Thật ra những người đang được gọi là trẻ ở Việt Nam thì đã không còn là trẻ so với thế giới nữa. Có thể khi đến một độ tuổi nào đó, những người hiện tại đang được xem là trẻ sẽ mệt mỏi và nhiệt huyết cống hiến sẽ giảm đi, và ở một độ tuổi nào đó người ta sẽ chỉ muốn bình yên làm việc qua ngày chứ không muốn tạo ra thay đổi hay đột phá gì đáng kể cả. Để điều đó xảy ra thì thật đáng buồn. Tôi mong muốn những người có trách nhiệm hãy có những chính sách thích hợp để có thể kết nối kinh nghiệm quý giá của những thế hệ đi trước với nhiệt huyết và sức trẻ của những thế hệ đi sau, để cùng nhau chung tay chung sức đưa nền KHCN của Việt Nam lên một tầm cao mới.”

THÔNG TIN CẦN BIẾT:

► Điều kiện xét tuyển chương trình Chất lượng cao, Tiên tiến, Liên kết Quốc tế

Liên hệ tư vấn và nộp hồ sơ tại

Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM – Văn phòng Đào tạo Quốc tế

Địa chỉ: 306, Nhà A4, 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: (08) 7300.4183 | 016.9798.9798

Website: www.oisp.hcmut.edu.vn

E-mail: tuvan@oisp.edu.vn

 

THI CA (tổng hợp) – Ảnh: THI CA

Bài trước

Bài tiếp