Phải đảm bảo quyền lợi trúng tuyển của thí sinh

Cần hiểu rằng, chống ảo không phải là mục đích chính của tuyển sinh, mà là cần đảm bảo quyền lợi trúng tuyển của thí sinh.

Chính từ quy chế hiện hành đã tạo ra hiện tượng trúng tuyển ảo. Tuy nhiên, chống ảo không phải là mục đích chính của tuyển sinh mà vấn đề là cần đảm bảo quyền lợi trúng tuyển của thí sinh.

QUYỀN ĐƯỢC TRÚNG TUYỂN NHIỀU TRƯỜNG

Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2016 cho phép thí sinh (TS) trong đợt xét tuyển đầu tiên được đăng ký vào tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành và nếu chưa trúng tuyển trong đợt 1 thì có thể đăng ký xét tuyển trong các đợt bổ sung tiếp theo, mỗi đợt tối đa 3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành.

Như vậy, ngay từ quy định này của quy chế đã tạo ra hiện tượng trúng tuyển ảo vì trong mỗi đợt như vậy nếu đủ điểm chuẩn trúng tuyển trường nào thì TS sẽ nhận được thông báo gọi nhập học của trường đó. Nghĩa là nếu trúng tuyển cả 2 trường thì TS sẽ phải nhận được cùng lúc 2 thông báo trúng tuyển trước ngày 15/8/2016.

Xuất phát từ điều này, nhiều trường lo lắng hiện tượng trúng tuyển ảo sẽ tác động nhiều đến kế hoạch tuyển sinh và nhập học của nhà trường nên đã bàn đến giải pháp “chống ảo”.

Tuy nhiên, việc chống trúng tuyển ảo không phải là mục đích chính của kỳ thi, thậm chí ở góc độ tích cực, việc “được” trúng tuyển vào nhiều trường là quyền lợi của TS, nhất là các TS giỏi có điểm thi cao hơn. Việc này không lạ đối với tuyển sinh vào các trường ĐH ở nước ngoài, và cũng đã có nhiều học sinh VN xuất sắc trúng tuyển cùng lúc vào nhiều trường ĐH danh tiếng ở Mỹ, Anh…

Trong những kỳ thi tuyển sinh theo phương thức “ba chung” từ năm 2014 trở về trước, TS được đăng ký và dự thi 3 đợt, như vậy việc mức độ trúng tuyển ảo trong những kỳ thi theo phương thức “3 chung” vốn cũng đã rất cao. Nếu đặt chống trúng tuyển ảo là một mục tiêu của việc xét tuyển thì chính ra phương thức xét tuyển của năm 2015 đạt yêu cầu cao hơn, khi mà trong một đợt TS chỉ được đăng ký xét tuyển vào 1 trường.

Tuy nhiên, cách xét tuyển này đưa đến tình trạng mất trật tự cục bộ ở những ngày cuối đợt do cho phép TS thay đổi nguyện vọng chọn trường. Nhưng sâu xa là do nhiều TS điểm cao có nguy cơ không trúng tuyển vào trường nào hoặc trúng tuyển vào trường không mong muốn ở đợt 1 đã liên tục rút hồ sơ ra ở trường này và nộp vào trường khác. Thật ra số lượng này không lớn, và chính kẽ hở không lường trước của quy chế đã dẫn đến tình trạng mất trật tự cục bộ đó.

Sau ngày cuối của đợt xét tuyển đầu tiên năm 2015, có khoảng 30% hồ sơ vẫn không rút ra dù biết chắc chắn không trúng tuyển, điều này càng khẳng định đa phần TS chấp nhận sự chọn lựa của mình theo đúng quy định, dù sự chọn lựa đó là thất bại (không trúng tuyển).

Xet tuyen dam bao quyen loi thi sinh

Thí sinh chờ nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH năm 2015 – ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

LỰA CHỌN TRƯỜNG HỌC LÀ QUYỀN CỦA THÍ SINH

Phương thức tuyển sinh ở năm 2016 đã cải tiến, cho phép TS được đồng thời đăng ký xét tuyển tối đa 2 trường trong đợt 1. Nếu quy chế năm 2015 đã “dồn” TS đến việc chọn trường thì quy định xét tuyển năm nay định hướng TS chọn ngành hơn. Rõ ràng phải thấy trước là những TS giỏi, đặc biệt là những TS có tổng điểm tổ hợp 3 môn xét tuyển từ 25 điểm trở lên dự đoán có nhiều khả năng trúng tuyển vào cả 2 trường.

Quyền lựa chọn trường nào để học đã được quy chế xét tuyển trao cho TS, không thể vì lý do chống ảo để buộc TS từ trúng tuyển 2 trường chỉ còn trúng tuyển 1 trường.

Chắc chắn tình trạng trúng tuyển ảo sẽ xảy ra ngay cả ở những trường lớn, và do vậy các trường phải chấp nhận việc này, vì dẫu sao cũng còn nhiều đợt xét tuyển bổ sung tiếp theo. Ngược lại, cũng có thể có một số không lớn trường hợp TS có điểm thi cao nhưng không trúng tuyển trường nào ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên, vốn là đợt xét tuyển mặc định dành cho các trường lớn, các ngành thu hút TS.

Một giải pháp chống ảo mà chúng tôi cho là cũng khá hiệu quả, nhưng vẫn tôn trọng quyền lựa chọn của TS, đó là theo quy định, sau khi có thông báo trúng tuyển ở đợt 1, các TS phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi (bản chính) cho trường mà TS sẽ nhập học trước 17 giờ ngày 17/8/2016. Như vậy TS có khoảng 2 – 5 ngày để quyết định sự lựa chọn (kết quả xét tuyển được công bố trước 15/8), các trường có 2 ngày để quyết định kết thúc xét tuyển hay phải thông báo xét tuyển đợt bổ sung tiếp theo (từ ngày 20/8).

Tóm lại, một là, quy chế chỉ vừa được ban hành chưa đến 3 tháng không nên sửa đi sửa lại; hai – đây cũng là quyền lợi của TS, cần có giải pháp khác để thuận lợi cho các trường trong công tác xét tuyển hơn là tìm cách hạn chế cơ hội trúng tuyển của TS. Về lâu dài, việc tự chủ trong tuyển sinh cần được thực hiện đầy đủ, quy chế tuyển sinh không nên đi vào quá chi tiết đến mức ấn định ngày, giờ xét tuyển của từng đợt khiến cho việc tuyển sinh của từng trường bị ràng buộc chung với nhau một cách không cần thiết.

TS. NGUYỄN ĐỨC NGHĨA – phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM

Bài trước

Bài tiếp