Phương án thi THPTQG và tuyển sinh ĐH 2018

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo phương án kỳ thi THPTQG và xét tuyển ĐH-CĐ 2018.

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo phương án kỳ thi THPTQG và xét tuyển ĐH-CĐ 2018.

Du thao tuyen sinh 2018

Phương án thi THPTQG năm 2018 và 2 năm tiếp theo sẽ theo phương án năm 2017. – Ảnh: ANH TUẤN

Theo đó, kỳ thi THPTQG các năm 2018, 2019, 2020 sẽ giữ ổn định như 2017, với hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ.

Các thí sinh sẽ làm 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (KHTN) và Khoa học Xã hội (KHXH).

Trong đó, bài thi KHTN là tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; còn bài thi KHXH là tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân đối với hệ Giáo dục Phổ thông, và tổ hợp môn Lịch sử và Địa lý đối với hệ Giáo dục Thường xuyên.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT có thể chọn thi bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và/hoặc bài thi KHTN hoặc KHXH phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH-CĐ.

Tuy nhiên, đối với 2 bài thi tổ hợp, Bộ GD&ĐT đang đưa ra 2 phương án để các trường cho ý kiến.

Phương án một là giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần giống như năm 2017.

Phương án hai là mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành 1 bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với 1 đầu điểm thống nhất của toàn bài thi, không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017.

Nếu theo phương án hai, các trường có thể chọn 2 hoặc 3 bài thi trong số các bài thi của kỳ thi THPTQG để xét tuyển trong đó bắt buộc phải có 1 bài thi Ngữ văn hoặc Toán; hoặc 1 bài thi Ngữ văn hoặc Toán và 1 hoặc 2 đầu điểm thi năng khiếu, điểm đánh giá năng lực do trường tổ chức hoặc điểm khác do trường lựa chọn quy định trong đề án tuyển sinh.

Theo Bộ GD&ĐT, việc đưa ra phương án mới đối với bài thi tổ hợp sẽ giúp việc tổ chức thi và chấm thi đơn giản, dần phát triển thành bài thi tích hợp đánh giá năng lực của thí sinh.

Trước đó, dư luận đã có nhiều ý kiến khác nhau về phương án tổ chức 2 bài thi tổ hợp với 3 môn thi thành phần được tách riêng tại kỳ thi THPTQG 2017.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 khi nhận xét kỳ thi THPTQG và xét tuyển ĐH 2017 cũng đề nghị Bộ GD&ĐT cùng các trường “xem lại” về phương án tổ chức 2 bài thi tổ hợp.

Theo ông Đam, việc tổ chức thành 3 môn thi tách biệt thực chất là giúp các trường ĐH-CĐ thuận lợi trong xét tuyển nhưng lại khiến công tác ra đề, tổ chức thi cho tới chấm thi trở nên phức tạp trong khi thí sinh lại mệt mỏi vì phải thi 3 môn thi liên tiếp trong cùng một khoảng thời gian.

Cũng trong dự thảo, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ GD&ĐT cũng khẳng định sẽ rà soát lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội.

Từ năm 2021 trở đi trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.

LÊ VĂN (Vietnamnet)

Bài trước

Bài tiếp