Sao không chịu đổi mới cách thức xét tuyển?

Những thay đổi về cách thức xét tuyển mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra khó tránh khỏi thảm cảnh như năm 2015.

Những thay đổi về cách thức xét tuyển mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra khó tránh khỏi thảm cảnh như năm 2015.

 

THỜI GIAN XÉT TUYỂN QUÁ DÀI

Điểm cần sửa trước tiên là thời gian xét hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) từ ngày 1-8 đến 20-10 (đối với ĐH) và đến 15-11 (đối với CĐ) vẫn còn quá dài. Tại sao hệ thống giáo dục Việt Nam vẫn cho phép học sinh, sinh viên vào học trễ như thế? Tại sao thời gian xét tuyển được kéo dài như thế? Ba tháng xét tuyển bằng 33% thời gian học trong trường (đã trừ 2 tháng hè). Vậy, làm sao đổi mới giáo dục và đào tạo?

Sao khong cho doi NV 02

Thí sinh căng thẳng chờ rút hồ sơ xét tuyển năm 2015. – Ảnh: TẤN THẠNH

Tại sao hệ thống giáo dục cứ mãi lo thi tuyển, xét tuyển bằng cách cho kéo dài thời gian xét tuyển 3 tháng cộng với thời gian chuẩn bị thi, thời gian thi, thời gian chấm thi là gần 2 tháng nữa – tổng cộng lại gần 5 tháng? Những sinh viên vào học trễ phải chịu mất nhiều bài vở mà học sinh trúng tuyển đợt trước đã học 2-3 tháng rồi. Nếu bộ quy định thời gian xét tuyển vừa phải (2 tuần lễ) thì cả thí sinh và nhà trường đều phải khẩn trương hoàn thành công tác này.

Một lý do khiến Bộ GD&ĐT không rút ngắn thời gian xét tuyển là vì không chịu đổi mới cách xét tuyển. Duy trì cách xét tuyển cũ, nghĩa là đợi có kết quả xét tuyển đợt 1 công bố rồi mới lo rút đơn đi nộp trường khác để xét tuyển đợt 2, rồi đợi kết quả đợt 2 rồi cho rút đơn xét tuyển đợt 3…

NÊN CHO THÍ SINH NỘP CÙNG LÚC VÀO NHIỀU TRƯỜNG

Cần đổi mới xét tuyển bằng cách cho thí sinh nộp đơn ĐKXT cùng một lúc vào nhiều trường. Mỗi trường, thí sinh chỉ được đăng ký tối đa 2 ngành học.

Tất cả trường xét tuyển đúng theo tiêu chuẩn về điểm không thấp hơn điểm sàn Bộ GD&ĐT quy định, sẽ có một danh sách thí sinh đạt điểm chuẩn của mỗi ngành học nhiều hơn chỉ tiêu được tuyển. Đến đúng ngày bộ quy định công bố kết quả, trường sẽ công bố danh sách trúng tuyển đợt 1 và quy định thời gian 3 ngày cho thí sinh trúng tuyển phải đến làm thủ tục nhập học. Đến ngày đó, thí sinh trúng tuyển nào không đến làm thủ tục thì kể như đã đến làm thủ tục tại trường khác.

Trong khi đó, nếu thí sinh nào không trúng tuyển được vào tất cả trường mình đã nộp đơn thì có thể đến các trường đó xin rút hồ sơ để nộp vào trường khác cho đợt xét tuyển 2. Qua đợt 2, trường nào chưa tuyển được đủ chỉ tiêu thì sẽ lấy tiếp trong danh sách đạt điểm chuẩn và danh sách mới nộp đơn ĐKXT đợt 2 đạt điểm chuẩn của trường mà công bố danh sách trúng tuyển đợt 2; lặp lại lần thứ 3 nếu vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

Sau đợt tuyển lần 1 và lần 2, các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu, phải công bố trên trang web của mình số chỉ tiêu cần tuyển tiếp cho các ngành học. Nên chấm dứt mùa tuyển sinh sau đợt 3 này.

Sao khong cho doi NV 02

Thảm cảnh hỗn loạn đã diễn ra vào cuối đợt xét tuyển NV1 năm 2015: thí sinh và phụ huynh ào ào đến nộp/ rút hồ sơ, bất kể có phải là ngành học yêu thích hay không, miễn là được đậu ĐH. – Ảnh: internet

Theo cách tuyển sinh đổi mới này, Bộ GD&ĐT cần quy định chính xác các mốc thời gian sau đây:

  • Khoảng thời gian các hội đồng thi THPT quốc gia công bố kết quả thi THPT quốc gia (trước ngày 30-7).
  • Khoảng thời gian thí sinh nộp đơn ĐKXT từ 5-8 vào trường ĐH-CĐ (3 ngày). Các trường ĐH công bố kết quả tuyển sinh đợt 1: đồng nhất 1 ngày.
  • Khoảng thời gian thí sinh trúng tuyển đến trường ĐH mình ưng ý nhất làm thủ tục đăng ký nhập học, đồng thời thí sinh nào không trúng tuyển được vào trường gì cả sẽ đến rút hồ sơ đến đăng ký tiếp tại các trường khác theo thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của họ (3 ngày).
  • Ngày các trường công bố kết quả tuyển sinh đợt 2: khoảng thời gian thí sinh trúng tuyển đến trường ĐH mình ưng ý nhất làm thủ tục đăng ký nhập học, đồng thời thí sinh nào không trúng tuyển được vào trường nào cả sẽ đến rút hồ sơ đến đăng ký tiếp tại các trường khác theo thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của họ (3 ngày).
  • Ngày các trường công bố kết quả tuyển sinh đợt 3: khoảng thời gian thí sinh trúng tuyển đợt 3 đến trường ĐH mình ưng ý nhất làm thủ tục đăng ký nhập học.

Làm được như trên, hệ thống giáo dục của Việt Nam mới bước đầu thật sự đi vào toàn cầu hóa.

GS. VÕ TÒNG XUÂN (Nguồn: Người Lao Động)

Bài trước

Bài tiếp