Thiết bị giao tiếp dành cho người khiếm thính – Speak your mind (SYM)

Nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo để sáng chế ra Speak Your Mind, một thiết bị cực kỳ hữu ích cho người khiếm thính.

TỪ VẤN ĐỀ ĐẾN Ý TƯỞNG

Hiện nay, hàng triệu người khiếm thính ở Việt Nam đang phải giao tiếp bằng thủ ngữ. Trên thực tế, hệ thống này vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế như:

  • Người tương tác phải biết thủ ngữ
  • Mất nhiều thời gian khi giao tiếp
  • Dễ bị hiểu lầm
  • Nước ta hiếm có trung tâm dạy thủ ngữ, ngành thông dịch viên thủ ngữ cũng ít được giảng dạy một cách bài bản

Nhận thấy điều này, nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã tìm cách rút ngắn thời gian giao tiếp và nâng cao hiệu quả của quá trình trao đổi thông tin giữa người khiếm thính với cộng đồng. Các bạn trẻ đã chế tạo thành công một thiết bị thông minh giúp chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu sang văn bản và giọng nói dành riêng cho người khiếm thính với tên gọi Speak Your Mind (SYM).

Với sự cố vấn nhiệt tình của các thầy cô, nhóm đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để chuyển đổi thủ ngữ của người khiếm thính sang dạng văn bản và giọng nói trên các thiết bị di động. Hai công dụng chính của sản phẩm là:

  • Hỗ trợ người khiếm thính giao tiếp với cộng đồng hiệu quả hơn
  • Giúp người khiếm thính học thủ ngữ nhanh chóng, dễ dàng hơn
Chi tiết màn hình giao diện trên ứng dụng Android – Hình: Nhóm nghiên cứu

KHÁC BIỆT LÀ YẾU TỐ QUAN TRỌNG HÀNG ĐẦU

Thiết bị SYM được đánh giá là độc đáo, sáng tạo, mới lạ và có tính cạnh tranh cao vì:

  • Mang lại giá trị lớn cho cộng đồng
  • Chưa từng xuất hiện ở thị trường Việt Nam
  • Phù hợp với mọi lứa tuổi
  • Có toàn bộ mã nguồn do nhóm tự xây dựng, thiết kế và làm chủ
  • Được mã hóa bằng tiếng Việt, thân thiện với người dùng
  • Hỗ trợ đa ngôn ngữ
  • Chất lượng tốt, giá cả hợp lý (giá thành dự kiến vào khoảng 800.000-1.000.000 đồng/sản phẩm)
  • Thiết kế nhỏ gọn, tiện lợi, dễ lắp đặt, dễ mang theo khi di chuyển
  • Được sản xuất từ nhựa sinh học Polylactic Acid (loại vật liệu không độc hại, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và có khả năng phân hủy dễ dàng)
  • Đa năng, vừa giúp dịch thủ ngữ sang dạng văn bản và lời nói, vừa hỗ trợ người khiếm thính học thủ ngữ hiệu quả
Cấu trúc tổng quan của thiết bị – Hình: Nhóm nghiên cứu

ỨNG DỤNG KIẾN THỨC ĐÃ HỌC VÀO THỰC TIỄN

Nhóm nghiên cứu đã ứng dụng những kiến thức đã học về trí tuệ nhân tạo trên lớp vào thiết bị SYM nhằm chuyển đổi thủ ngữ thành văn bản và giọng nói, từ đó nâng cao hiệu quả giao tiếp giữa người khiếm thính với cộng đồng.

Theo đó, chuỗi hình ảnh thủ ngữ của người dùng do camera ghi lại sẽ đi qua bộ nhận diện các điểm chốt của bàn tay MediaPipe trên Facebook và được trích xuất thành nhiều đặc trưng. Ngoài ra, sau khi được huấn luyện bằng mạng học sâu, mô hình trí tuệ nhân tạo sẽ dự đoán từ ngữ tương ứng. Cuối cùng, kết quả được xuất ra dưới dạng văn bản và giọng nói thông qua Text2Speech API của Google (như sơ đồ dưới đây).

Luồng xử lý ứng dụng – Hình ảnh: Nhóm nghiên cứu

Để phát triển sản phẩm này, nhóm sinh viên đã vận dụng kiến thức đã học về:

  • Việc phát triển một ứng dụng internet vạn vật từ môn học Đồ án Đa ngành
  • Trí tuệ nhân tạo (từ khái niệm học máy đến mạng học sâu phức tạp, từ đó huấn luyện các mô hình học máy hiểu được thủ ngữ từ tay người)
  • Thiết kế hệ thống nhằm tạo ra ứng dụng phù hợp với những thiết bị nhỏ gọn, tiện dụng và tiết kiệm chi phí

Các thành viên chia sẻ, định hướng của nhóm trong thời gian tới là:

  • Thử nghiệm thiết bị tại một trung tâm giảng dạy thủ ngữ dành cho người kiếm thính để hoàn thiện sản phẩm
  • Tìm kiếm các đối tác, nhà tài trợ cho dự án
  • Phát triển dự án thành đề tài NCKH, thực hiện bài áo quốc tế, tranh tài ở Giải thưởng Euréka cũng như tham gia những cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo dành cho sinh viên
  • Phát triển một số tính năng mới theo nhu cầu của người sử dụng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước

Hiện tại, dự án đang tham gia cuộc thi Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.

Cập nhật 11/7/2022: Sản phẩm đạt giải Khuyến khích tại cuộc thi Thiết kế, sáng tạo sản phẩm công nghệ dành cho người khuyết tật năm 2022 do Thành Đoàn TP. HCM tổ chức
Cập nhật 27/9/2022: Sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký sở hữu trí tuệ

ĐÌNH NGHĨA thực hiện

Bài trước

Bài tiếp