SV Bách khoa TP.HCM đoạt giải Nhất The Green Challenge 2015

Đội UT Salvator gồm các sinh viên đến từ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã xuất sắc giành giải vô địch The Green Challenge 2015 – cuộc thi thiết kế và triển khai dự án công nghệ xanh thân thiện với môi trường vào đời sống do tập đoàn Bosch (Đức) tổ chức.

Đội UT Salvator gồm các sinh viên đến từ Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM đã xuất sắc giành giải vô địch The Green Challenge 2015 – cuộc thi thiết kế và triển khai dự án công nghệ xanh vào đời sống do tập đoàn Bosch (Đức) tổ chức.

 

BK Green Challenge 2015 01

Ông Martin Hayes – chủ tịch Bosch khu vực Đông Nam Á trao bằng khen cho các thành viên đội vô địch cuộc thi The Green Challenge 2015 – UT Salvator (ĐH Bách Khoa TP.HCM).

PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG XE GẮN MÁY ĐIỆN CÔNG CỘNG

Nhiệm vụ chính của các đội tham dự cuộc thi là phải xây dựng hệ thống xác nhận và thanh toán tiền sử dụng xe gắn máy điện; trạm sạc sử dụng năng lượng tái tạo và thiết bị theo dõi xe gắn máy điện.

Các xe gắn máy điện sẽ do đối tác của Bosch cung cấp. Sẽ có hàng loạt xe gắn điện dành cho người dân thuê trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng Bosch chưa xác định con số cụ thể.

Kết quả ngẫu nhiên đặc biệt của cuộc thi là ba đội giành vị trí cao nhất thuộc ba trường đại học ở ba tỉnh khác nhau. Giải nhất thuộc về đội UT Salvator thuộc Trường ĐH Bách Khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM; hai đội đồng hạng nhì là RTG đến từ Trường ĐH Bách Khoa – ĐH Đà Nẵng và đội VGU của Trường ĐH Việt Đức (Bình Dương).

BK Green Challenge 2015 02

Các lãnh đạo của Bosch cùng đội vô địch cuộc thi The Green Challenge 2015 – UT Salvator (ĐH Bách Khoa TP.HCM).

Sở dĩ gọi là ngẫu nhiên đặc biệt vì theo chia sẻ của ông Võ Quang Huệ, tổng giám đốc Bosch Việt Nam, dự án sẽ có cơ hội triển khai tại ba địa phương khác nhau, qua đó có thể sẽ rút ra được nhiều bài học khác nhau.

Ba đội, ba ý tưởng khác nhau, tuy vậy tất cả sẽ được tập trung lại nghiên cứu dưới sự tham gia hướng dẫn của các chuyên gia của Bosch để xây dựng thành một phương án hiệu quả nhất, khả thi nhất trước khi triển khai.

Phần thưởng cho đội đoạt giải Nhất UT Salvator (ĐH Bách Khoa TP.HCM) là một chuyến tham quan thực tế kết hợp huấn luyện kỹ năng tại Nhà máy Bosch và Trung tâm R&D toàn cầu của Bosch tại Renningen, Đức. Hai đội đồng hạng Nhì được tham gia khóa đào tạo kỹ năng mềm tại TP.HCM.

Tuy nhiên, thành công nêu trên chỉ mới là bước đầu giai đoạn lập dự án…

ĐỂ GIẤC MƠ CÔNG NGHỆ XANH TRỞ THÀNH HIỆN THỰC

Giai đoạn 2 triển khai thực tế mới là bước quan trọng chứng minh tính khả thi của dự án đoạt giải.

Theo Ban Tổ chức cuộc thi, trong giai đoạn tiếp theo (được triển khai từ giờ và dự kiến hoàn tất vào quý II/2016), mỗi đội thắng cuộc sẽ nhận khoản tài trợ 900 triệu đồng cũng như được các chuyên gia Bosch tư vấn chuyên môn để triển khai dự án vào thực tế. Tổng kinh phí tài trợ của Bosch cho cuộc thi này lên tới 4 tỉ đồng (gần 182.000 USD).

Liệu The Green Challenge sẽ trở thành một cuộc thi thường niên dành cho sinh viên cả nước?

Trả lời câu hỏi này, ông Võ Quang Huệ, tổng giám đốc Bosch Việt Nam, cho biết The Green Challenge 2015 là một dự án thử nghiệm của Bosch nhằm thúc đầy nhiều hơn nữa sự hợp tác và phối hợp giữa doanh nghiệp với các trường ĐH ở Việt Nam, đặc biệt là trong nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Qua đó, giúp nâng cao năng lực của các kỹ sư tương lai trong việc giải các bài toán liên quan đến môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam.

“Khi dự án kết thúc, Bosch căn cứ vào tính hiệu quả của chương trình để quyết định tiếp tục thực hiện hay chọn một cách thực hiện khác tốt hơn” – ông Huệ chia sẻ.

Các lãnh đạo của Bosch cùng đội RTG (ĐH Bách Khoa Đà Nẵng).

Hệ thống do các đội xây dựng phải thân thiện môi trường và đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật do Bosch quy định. “Nếu cuộc thi mang lại hiệu quả cao, chúng tôi sẽ triển khai rộng ra nhiều địa phương khác ở Việt Nam để công nghệ xanh đi vào cuộc sống”, ông Huệ giải thích.

Cũng theo Ban Tổ chức, trong giai đoạn thử nghiệm thực tế tại ba địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng, người dân sẽ có cơ hội vi vu trên xe gắn máy điện và trải nghiệm các thành tựu công nghệ xanh – vừa hiện đại vừa thân thiện với môi trường – do chính sinh viên Việt Nam sáng chế.

RÈN LUYỆN KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT… XUNG ĐỘT

Nguyễn Nhật Nam, đội trường đội UT Salvator (ĐH Bách Khoa TP.HCM), cho biết: “Hôm nay nhận giải, tụi em rất bất ngờ bởi đây là cuộc thi kín, giữa các đội không biết nhau và không biết có bao nhiêu đội thi, nên không đánh giá được thực lực các đội.”

Còn Phạm Khánh Trung, thành viên đội RTG (ĐH Bách Khoa Đà Nẵng), cho hay nhóm đang háo hức chờ triển khai giai đoạn 2 để được làm việc cùng các chuyên gia Bosch, đây là cơ hội rất tốt để nhóm học hỏi cả về kiến thức chuyên môn lẫn tiếng Anh chuyên ngành.

Các lãnh đạo của Bosch cùng đội VUG (ĐH Việt Đức).

Vốn là sinh viên Khoa Điện – Điện tử nên các thành viên đội UT Salvator (ĐH Bách Khoa TP.HCM) đã phải vượt qua nhiều khó khăn về kỹ năng điều tra xã hội học, dự toán chi phí…

Phạm Ngọc Hải, đội trường đội RTG (ĐH Bách Khoa Đà Nẵng) chia sẻ thêm: “Do lịch học khác nhau dẫn đến xung đột lợi ích nên thông qua cuộc thi, đội mình đã rèn luyện được kỹ năng giải quyết mâu thuẫn.”

Trong khi đó, Võ Hà Trung, đội trưởng đội VUG (ĐH Việt Đức), thẳng thắn: “Phải suy nghĩ và lập giải pháp cho những cái mình chưa từng làm, chưa từng học, là khó khăn lớn của nhóm. Những thông tin nhóm có được chủ yếu cho tham khảo, thu thập từ các tài liệu nghiên cứu nước ngoài chứ chưa có ở Việt Nam – đây cũng là thách thức lớn của nhóm khi triển khai dự án vào thực tế.”

Tuy nhiên, Hà Trung cũng tỏ rõ quyết tâm ở giai đoạn 2 cuộc thi: “Đội nào thi cũng muốn đạt kết quả tốt nhất. Đội mình còn thiếu kinh nghiệm nên giai đoạn 1 giải pháp đưa ra chưa tốt bằng đội khác. Giai đoạn 2 mới nhiều cơ hội để các đội thể hiện và đội VUG sẽ cố đạt kết quả tốt nhất!”

THI CA (tổng hợp từ Thanh Niên, Saigon Times) – Ảnh: Bosch Việt Nam

Hiện nay, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM đang triển khai chương trình chính quy Tiên tiến áp dụng cho ngành Điện – Điện tử. Đây là dự án quốc gia của Bộ Giáo dục & Đào tạo nhằm xây dựng 10 ngành đào tạo chất lượng cao theo chương trình của các trường ĐH danh tiếng trên thế giới, áp dụng cho các trường ĐH trọng điểm tại Việt Nam.

Chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, do các giảng viên giỏi của ĐH Bách Khoa TP.HCM và University of Illinois at Urbana-Champaign (Mỹ) trực tiếp đứng lớp. Sinh viên được chọn 1 trong 3 chuyên ngành vào cuối năm thứ III bao gồm: Hệ thống năng lượng, Hệ thống thông tin, Điều khiển tự động hóa.

Sau khi hoàn tất chương trình học 4 năm tại ĐH Bách Khoa TP.HCM, sinh viên được Trường cấp bằng chính quy Kỹ sư Điện – Điện tử chương trình Tiên tiến.

Đặc biệt, sau 2 năm học đầu tiên tại ĐH Bách Khoa TP.HCM, sinh viên nếu có nguyện vọng và đạt yêu cầu về học lực, trình độ tiếng Anh, điều kiện tài chính… có thể chuyển tiếp sang một trong các trường ĐH đối tác uy tín sau để học tập và nhận bằng kỹ sư do các trường này cấp: University of Illinois at Urbana-Champaign (Mỹ), The Catholic University of America (Mỹ), Rutgers University (Mỹ), The University of Queensland (Úc), Macquarie University (Úc).

Bài trước

Bài tiếp