Nhiều trường THPT đã cho làm kiểm tra trên máy tính

Động thái này của các trường THPT trên địa bàn TP.HCM nhằm chuẩn bị cho lộ trình từ sau 2020, Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm triển khai thi THPT Quốc gia trên máy tính.

Động thái này của các trường THPT trên địa bàn TP.HCM nhằm chuẩn bị cho lộ trình từ sau 2020, Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm triển khai thi THPT Quốc gia trên máy tính. 

Thi giua ky tren dien thoai 2019

Học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5, TP.HCM) làm bài kiểm tra trên điện thoại. – Hình: BÍCH THANH

BIẾT KẾT QUẢ NGAY SAU KHI NỘP BÀI

Vào giữa tháng 10/2019, gần 1.000 học sinh (HS) từ lớp 10 đến lớp 12 của Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5) lần lượt thực hiện các bài kiểm tra giữa kỳ (trừ môn Thể dục, Ngữ văn, Giáo dục Quốc phòng) theo hình thức trực tuyến. Trên cơ sở giải pháp trường học thông minh, mỗi HS được cấp tài khoản cá nhân và có thể làm bài kiểm tra của mình bằng điện thoại thông minh, máy tính để bàn, máy tính bảng, máy tính cá nhân…

Tương tự, HS Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) cũng thực hiện bài kiểm tra giữa kỳ tại phòng máy thay cho hình thức làm bài kiểm tra trên giấy như những năm trước. Đến giờ kiểm tra từng môn, nhà trường sẽ chuyển đề bài vào tài khoản cá nhân của từng HS, các em sẽ tính toán trên giấy nháp và điền kết quả vào bài làm trên máy.

Với hình thức kiểm tra mới này, Nguyễn Trần Gia An, HS lớp 10 Trường THPT Nguyễn Du, cho biết: “Sau khi bấm nút nộp bài, bài kiểm tra được chấm ngay lập tức trên hệ thống và tụi em biết kết quả bài làm sớm hơn rất nhiều so với cách kiểm tra truyền thống. Và nếu như năm 2021, Bộ bắt đầu tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia trên máy tính thì việc trải nghiệm hình thức kiểm tra này khá thú vị và là cơ hội để tụi em làm quen dần.”

Ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang, cho biết: “Để chính thức quyết định thay đổi hình thức kiểm tra từ giấy sang trực tuyến, nhà trường đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, đường truyền internet và tập huấn cho giáo viên về cách biên soạn đề, sau đó cho HS làm bài kiểm tra thử trên máy để tập dượt. Cả giáo viên và HS đều tỏ ra hứng thú với hình thức kiểm tra này nên nhà trường mạnh dạn triển khai.”

HẠN CHẾ GIAN LẬN

Việc thay đổi hình thức kiểm tra truyền thống sang áp dụng công nghệ, theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), đó không chỉ là xu thế mà còn là sự chuẩn bị theo lộ trình đổi mới hình thức thi THPT Quốc gia, tuyển sinh ĐH trong thời gian tới.

Để vận hành phương thức kiểm tra này, nhà trường không chỉ cần chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất mà giáo viên cần bổ sung kỹ năng về tin học. Nếu không có kỹ năng môn học này thì rất vất vả khi làm đề đặc biệt với những môn tự nhiên, đòi hỏi sử dụng nhiều công thức…

Ông Võ Thiện Cang cũng nói, với khả năng sử dụng tin học nhất định, mỗi giáo viên bộ môn sẽ biên soạn đề kiểm tra theo ma trận đề, nộp cho tổ trưởng chuyên môn và ban giám hiệu duyệt đề kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra, mỗi đề thi tự động đảo thành 8 mã đề và phần mềm ứng dụng sẽ tự động chấm bài, gửi kết quả cho HS.

Giáo viên Thiều Quang Thịnh, Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè), nhận xét: “Hiệu quả nhận thấy trước mắt là mỗi HS có một mã đề và các em chỉ tập trung vào bài làm của mình trên hệ thống mà không có thời gian quan sát, trao đổi, hạn chế gian lận trong khi làm bài. Thứ hai là, HS sẽ biết điểm của mình ngay lập tức và điểm số này hoàn toàn chính xác nhờ vào việc đã lập trình, không có chuyện chấm sai sót, thiếu điểm. Còn về phía giáo viên thì giảm được khâu chấm điểm và nhập điểm lên hệ thống sẽ dành thời gian chăm chút, cẩn trọng trong việc ra đề kiểm tra cho chuẩn xác”.

Ngoài ra, giáo viên Thiều Quang Thịnh cũng chỉ ra lợi thế khi để HS làm kiểm tra trên điện thoại vì HS tại TP.HCM sở hữu điện thoại thông minh khá nhiều và cũng đã hình thành thói quen sử dụng các giải pháp công nghệ và các tiện ích phục vụ cho bản thân mình. Vì vậy bên cạnh việc sử dụng máy tính bàn, laptop hay máy tính bảng thì việc biến điện thoại trở thành công cụ phục vụ học tập, kiểm tra cũng sẽ khiến HS thích thú, dễ dàng tiếp cận và tích cực, đạt hiệu quả trong việc đánh giá năng lực học tập.

Còn thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, Tổ trưởng Tổ Toán Trường THPT Nguyễn Du, cho rằng qua những bài kiểm tra của HS được lưu giữ trên hệ thống sẽ giúp giáo viên bao quát được quá trình học tập của các em. Từ đó, sẽ có sự bổ sung bài tập về lượng và chất để giúp HS tiến bộ. Ngoài ra, khi áp dụng hình thức kiểm tra này thì giáo viên cũng phải chủ động cập nhật nhiều dạng bài tập, câu hỏi kiến thức để bổ sung nguồn đề dự trữ.

Theo lộ trình đã công bố thì lứa HS lớp 10 và lớp 11 năm học này sẽ là những thí sinh đầu tiên tham dự kỳ thi THPT Quốc gia bằng hình thức trên máy. Vì vậy, để cơ hội cọ xát và giúp HS có sự chuẩn bị tốt nhất, thầy Nguyễn Tác Tuấn Ngọc, Tổ trưởng Tổ Toán Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận), còn cho rằng nếu có thể thì các tổ bộ môn của các trường phối hợp với nhau để tạo ngân hàng đề kiểm tra. Việc làm này giúp nguồn đề bài phong phú, đa dạng và HS có nhiều cơ hội để trải nghiệm.

BÍCH THANH

Bài trước

Bài tiếp