NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO – Ngành học bảo vệ “ngôi nhà chung”

Bạn có từng nghe ba mẹ than tiền điện tháng này sao tăng cao quá hay lướt TikTok và thấy tin thời tiết nóng nực bất thường, lũ lụt, cháy rừng liên tục? Đằng sau những hiện tượng tưởng chừng đã trở nên bình thường những năm gần đây là cả một câu chuyện toàn cầu về môi trường, về những nỗ lực con người đang thực hiện để sống bền vững hơn với Trái đất.

Hãy cùng khám phá 3 giai đoạn của quá trình chuyển dịch năng lượng và lý do vì sao liên ngành học NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO sẽ trở thành “ngôi sao mới” trong khối kỹ thuật tại Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TP.HCM nhé!

GIAI ĐOẠN 1

Hãy tưởng tượng bạn đang dùng một chiếc xe máy cũ, tốn xăng và gây ô nhiễm. Thay vì bỏ đi ngay, bạn chọn thay nhớt sạch hơn, sửa chữa máy móc để xe chạy êm và ít khói hơn. Hệ thống điện của thế giới cũng tương tự!

Ở giai đoạn này, ngành năng lượng tập trung vào việc giảm thiểu phát thải, tối đa hóa hiệu suất hạ tầng năng lượng hiện tại và sử dụng khí LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) làm “bước đệm” trước khi chuyển hẳn sang các nguồn năng lượng sạch hơn như điện mặt trời hay điện gió.

Sinh viên ngành Năng lượng tái tạo sẽ học cách tính toán và đánh giá hiệu suất của các hệ thống năng lượng hiện có, phát hiện điểm thất thoát và đề xuất giải pháp cải tiến để hệ thống hoạt động hiệu quả hơn.

GIAI ĐOẠN 2

Khi hạ tầng đã “sạch” hơn, đây là lúc chúng ta bắt đầu dùng năng lượng tái tạo nhiều hơn. Những tấm pin mặt trời trên mái nhà, những cánh quạt gió khổng lồ ngoài khơi – đó chính là hình ảnh dễ thấy nhất của giai đoạn này.

Tuy nhiên, điện từ mặt trời và gió lại…thất thường (ban đêm hay trời lặng gió thì lấy đâu ra điện?). Vậy nên, sinh viên sẽ được học thêm về kỹ thuật tích trữ năng lượng, quản lý mạng lưới điện thông minh và sử dụng các công cụ số hiện đại để giúp mạng lưới điện hoạt động trơn tru và ổn định.

Bạn có thể tưởng tượng mình là người thiết kế ra một “cục pin khổng lồ” cho cả khu phố dùng chung khi mất điện. Nghe quá ngầu đúng không?

GIAI ĐOẠN 3

Không chỉ dừng lại ở điện mặt trời và điện gió, tương lai năng lượng sạch sẽ còn mở rộng sang các công nghệ cao như Hydro xanh, Ammonia, hay nhiên liệu tổng hợp. Đây là các loại nhiên liệu không gây ô nhiễm, có thể dùng cho tàu thủy, xe tải, thậm chí là máy bay!

Sau khi hoàn thành ngành học, bạn sẽ có khả năng làm ở nhiều vị trí trong các dự án giải pháp năng lượng từ quản trị – vận hành nhà máy, thương mại hóa nhiên liệu xanh đến tư vấn chiến lược phát triển bền vững cho doanh nghiệp và chính phủ.

🌐 Ngành Năng lượng tái tạo (Chuyên ngành của ngành Kỹ thuật điện), chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh

🔷 Mã ngành: 257, mã trường: QSB

Bài trước