THIẾT KẾ VI MẠCH – Ngành học tạo ra con chip triệu đô

Bạn có biết “phép màu” nào ẩn sau chiếc smartphone bạn đang cầm, máy tính bảng bạn dùng để “cày view”, hay thậm chí là những robot thông minh đang dần xuất hiện quanh ta không? Đó chính là những VI MẠCH BÁN DẪN – những “bộ não” tí hon nhưng sở hữu sức mạnh khổng lồ!

Tại Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM, ngành Thiết kế vi mạch sẽ không chỉ dạy bạn cách một con chip vận hành, mà còn trang bị cho bạn khả năng để tự tay tạo ra chúng. Hãy tưởng tượng một con chip giống như một cơ thể sống, và ngành học này sẽ giúp bạn làm chủ 3 phần quan trọng nhất của cơ thể ấy.

ĐIỆN TỬ & KỸ THUẬT VI MẠCH – “trái tim” và “mạch máu” của con chip

Giống như trái tim bơm máu đi nuôi cơ thể, kiến thức về điện, điện tử sẽ giúp bạn hiểu dòng điện – “nguồn sống” của chip – chảy như thế nào, cung cấp năng lượng cho từng “tế bào” vi mạch. Bạn sẽ học cách thiết kế các “mạch máu” (mạch điện tử) tinh vi, từ mạch Analog (giúp xử lý tín hiệu âm thanh mượt mà trong tai nghe của bạn) đến mạch Digital (giúp máy tính thực hiện hàng tỷ phép tính trong nháy mắt).

Bạn sẽ có thể tự tay thiết kế một con chip có “trái tim” khỏe mạnh, giúp thiết bị của bạn hoạt động ổn định, không “giật lag”, xử lý tín hiệu siêu nhanh – như chip trong các thiết bị thu phát sóng 5G, Wi-Fi tốc độ cao hay trong các hệ thống điều khiển chính xác.

KHOA HỌC MÁY TÍNH & KỸ THUẬT HỆ THỐNG – “bộ não” thông minh của con chip

Nếu điện tử là trái tim, thì Khoa học máy tính chính là “bộ não”, nơi chứa đựng sự thông minh và khả năng “ra quyết định” của con chip. Bạn sẽ học cách “dạy” cho con chip suy nghĩ thông qua lập trình, thiết kế kiến trúc máy tính thu nhỏ (cách sắp xếp các “nơ-ron thần kinh” trong chip), và tạo ra các hệ thống trên chip (SoC) – tức là tích hợp cả “bộ não” và các “giác quan” vào một con chip duy nhất! Phát triển phần mềm (firmware) cho một con chip trong smartwatch để nó có thể theo dõi nhịp tim và đưa ra cảnh báo, hay “huấn luyện” một con chip AI trên camera an ninh để nó có thể tự động nhận diện người lạ và gửi thông báo cho bạn, bạn chính là người thổi “trí tuệ” vào những mạch điện vô tri!

CÔNG NGHỆ VẬT LIỆU & KHOA HỌC BÁN DẪN – “cơ thể” của con chip

Một cơ thể khỏe mạnh cần những “tế bào” tốt và “dinh dưỡng” chất lượng. Với vi mạch, đó chính là kiến thức về vật liệu bán dẫn. Bạn sẽ khám phá bí mật của Silicon (thứ vật liệu làm từ cát biển) và nhiều vật liệu tiên tiến khác, tìm hiểu cách chúng dẫn điện, cách “chạm khắc” lên chúng để tạo ra hàng tỷ bóng bán dẫn (transistor) siêu nhỏ – những “viên gạch” xây nên con chip. Tại phòng thí nghiệm Bách khoa, bạn sẽ được tự tay kiểm tra các loại vật liệu mới, tìm cách tạo ra những con chip không chỉ mạnh mẽ mà còn siêu tiết kiệm năng lượng, hoặc thậm chí có thể uốn dẻo để tích hợp vào các thiết bị y tế cấy ghép trong cơ thể, hay quần áo thông minh.

Bạn sẽ là một “bác sĩ” của vật liệu, đảm bảo từng “tế bào” của con chip đều khỏe mạnh, giúp nó hoạt động bền bỉ và hiệu quả trong mọi điều kiện, từ điện thoại di động đến vệ tinh ngoài không gian.

Nắm vững 3 “trụ cột” này, bạn sẽ không chỉ hiểu về vi mạch, mà còn có khả năng “bắt mạch” tương lai, đón đầu làn sóng công nghiệp bán dẫn đang bùng nổ tại Việt Nam và toàn cầu, sở hữu “tấm vé vàng” đến các tập đoàn công nghệ hàng đầu – nơi bạn được thỏa sức sáng tạo và nhận mức lương hấp dẫn.

🌐 Ngành Thiết kế Vi mạch, chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh

🔷 Mã ngành: 258, mã trường: QSB

Bài trước