Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Tuyển sinh ĐH 2016: đột ngột xét tuyển chung!

Việc Bộ GD&ĐT bất ngờ đưa ra kế hoạch dùng phần mềm xét tuyển chung cho tất cả các trường ĐH trong kỳ tuyển sinh 2016 đã gây bất ngờ cho nhà trường lẫn thí sinh.

Việc Bộ GD&ĐT bất ngờ đưa ra kế hoạch dùng phần mềm xét tuyển chung cho tất cả các trường ĐH trong kỳ tuyển sinh 2016 đã gây bất ngờ cho nhà trường lẫn thí sinh.

Bat ngo xet tuyen chung 2016

Thí sinh đăng ký xét tuyển tại ĐH Bách Khoa TP.HCM. – Ảnh: Google Image

 

THAY ĐỔI GÂY HOANG MANG

Nhiều trường ĐH đang rất lo ngại về thay đổi bất ngờ này của Bộ GD&ĐT, khi kỳ thi THPT Quốc gia chỉ còn vài tuần nữa. Không chỉ cập rập về mặt thời gian, yếu tố kỹ thuật (phần mềm, hạ tầng công nghệ thông tin…) cũng đang là mối lo của các trường.

Ông Nguyễn Phong Điền – trưởng Phòng Đào tạo ĐH Bách Khoa Hà Nội, cho rằng thay đổi này đòi hỏi Bộ sẽ phải sửa quy chế tuyển sinh 2016 vừa ban hành thì mới đủ căn cứ để thực hiện.

Một số cán Bộ quản lý của các trường ĐH phía Bắc chia sẻ đã rất bất ngờ với phương án này của Bộ.

“Chúng tôi không được hỏi ý kiến, trao đổi gì về chủ trương này. Nay nếu Bộ ra quy định bắt buộc các trường dùng kết quả thi THPT Quốc gia phải tham gia là không đúng với quy chế tuyển sinh Bộ vừa mới chỉnh sửa, vừa vi phạm quyền tự chủ của các trường” – các cán bộ này nói.

Theo ông Nguyễn Quang Kim – hiệu trưởng ĐH Thủy lợi, việc xét tuyển chung cũng cần tính kỹ cả quy định có bắt buộc các trường xét tuyển bằng kết quả thi THPT Quốc gia phải tham gia hay không.

CÓ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC VẤN ĐỀ THÍ SINH ẢO KHÔNG?

Nếu vẫn để thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng và phương thức xét tuyển như trong quy chế đã ban hành thì tình trạng thí sinh ảo vẫn vậy, không khắc phục được.

Muốn có hiệu quả giảm ảo khi xét tuyển chung, sẽ phải cho thí sinh được sắp xếp 4 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên, trúng tuyển nguyện vọng này thì không được xét tiếp, chứ không thể xét đồng thời và tùy chọn trường vào học trong số các nguyện vọng trúng tuyển như quy chế hiện hành được – ông Nguyễn Phong Điền lý giải.

Ông Phạm Thành Công – phó Phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp Hà Nội, nhận định: “Xét tuyển chung chỉ có tác dụng giảm ảo chứ không giải quyết được vấn đề ảo. Tỉ lệ ảo sẽ dồn xuống các trường tốp dưới. Nếu muốn đối phó với ảo, chúng tôi sẽ phải gọi ngay từ đầu vượt quá chỉ tiêu, có ngành cần gọi đến 200-300% mới tuyển được đủ chỉ tiêu, nhưng phần mềm xét tuyển chung của Bộ có cho phép thực hiện như vậy không?”.

Do hiện nay chưa có thông tin chính thức từ Bộ GD&ĐT về việc này, nên các trường đều chưa biết phương thức xét tuyển này sẽ được thực hiện cụ thể ra sao.

Hầu hết các chuyên gia đều nghĩ rằng với phương thức này, thay vì các trường chủ động việc xét tuyển như trước đây, thì nay trường chỉ làm mỗi thao tác là nhập dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh để Bộ xét tuyển chung.

Theo PGS. TS. Huỳnh Thanh Hùng – phó Hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM, với phương thức xét tuyển chung, Bộ GD&ĐT muốn thí sinh xét tuyển online để chuyển dữ liệu về Bộ, từ đó Bộ xét tuyển rồi chuyển dữ liệu về các trường.

“Với dữ liệu của tất cả thí sinh tập trung về thì server mạng máy tính của Bộ có chịu đựng được hay không, đặc biệt là những ngày cuối của đợt xét tuyển. Với cách xét tuyển chung này tôi cho rằng không thể giảm thí sinh ảo được” – ông Hùng nhận định.

 

BỘ KHÔNG ĐỘC QUYỀN KHAI THÁC DỮ LIỆU?!

Bat ngo xet tuyen chung 2016 02

Nhiều trường ĐH, CĐ bày tỏ lo lắng trước những thay đổi đột ngột về phương thức xét tuyển khi mà kỳ thi THPT Quốc gia 2016 đang gần kề. – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong khi đó, nhiều trường đã bày tỏ lo lắng nếu không tham gia liệu có gặp khó khăn khi tiếp cận với dữ liệu điểm thi THPT quốc gia? Đồng thời, một lo ngại chung của nhiều trường là phần mềm của Bộ có đảm bảo việc thực hiện xét tuyển đồng thời cho cả trăm trường.

Ông Mai Văn Trinh – cục trưởng Cục Khảo thí & kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, cho rằng việc Bộ hỗ trợ các trường thực hiện xét tuyển chung sẽ hiệu quả hơn việc các trường hay nhóm trường xét tuyển riêng rẽ.

“Đây chỉ là giải pháp kỹ thuật chứ không phải Bộ ôm việc làm thay các trường hay độc quyền khai thác dữ liệu” – ông Trinh nhấn mạnh.

“Sau khi có kết quả đăng ký xét tuyển năm 2015, tổ kỹ thuật đã chạy thử với số liệu thực tế. Kết quả cho thấy việc xét tuyển chung là hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật” – ông Trinh bổ sung.

Cũng theo vị cục trưởng, việc dùng phần mềm xét tuyển chung không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Ngược lại, xét tuyển chung còn bảo đảm hơn cho thí sinh có thể trúng tuyển vào ngành theo nguyện vọng phù hợp nhất với kết quả của mình.

Theo nguồn tin của Báo Tuổi Trẻ, hôm 11/5 Bộ GD&ĐT có buổi làm việc với hai nhà cung cấp dịch vụ là Viettel và FPT – hai đơn vị cạnh tranh trong việc cung cấp phần mềm xét tuyển chung.

Sau đó Cục Khảo thí & kiểm định chất lượng giáo dục sẽ quyết định chọn sử dụng phần mềm của nhà cung cấp nào để thực hiện việc xét tuyển chung cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2016.

CẦN PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ CỤ THỂ

TS. Nguyễn Quốc Chính – trưởng Ban Đại học & sau đại học ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng nếu thực hiện xét tuyển chung mà có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì đây là cách làm tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề:

  • Thứ nhất là quyền tự chủ của các trường ĐH. Với cách xét tuyển chung, nếu được thực hiện thì Bộ GD&ĐT xây dựng một hệ thống và các trường sẽ tham gia, không phải bắt buộc. Bộ phải làm sao để các trường thấy rằng đây là cách làm tốt, nếu tham gia thì tốt. Như vậy mới đảm bảo được tính tự chủ và tuân thủ đúng Luật Giáo dục ĐH.
  • Thứ hai, là phải có sự chuẩn bị rất kỹ về mọi mặt rồi mới triển khai.
  • Thứ ba, đối với những trường giả sử không muốn tham gia hệ thống đó, vẫn được chia sẻ những dữ liệu điểm thi của thí sinh.

THI CA (tổng hợp từ Người Lao Động, Tuổi Trẻ)

Bài trước

Bài tiếp