Phương pháp trái cà chua – cân bằng giữa học và “chơi” mùa thi cử

Cách học nhồi nhét vào mùa thi chưa bao giờ là phương pháp có hiệu quả lâu dài. Thay vào đó, hãy cùng khám phá phương pháp Pomodoro (trái cà chua).

Không nói thì ai cũng biết, đại đa số sinh viên – đặc biệt là các “tân binh” mới gia nhập môi trường đại học – vẫn còn quen cách học hồi phổ thông là học dồn, học nhồi nhét mỗi khi tới mùa thi hay “chạy deadline”.. Học kiểu này dễ khiến sinh viên mau “đuối” và hiệu suất kém.hương pháp Pomodoro hay còn được gọi là phương pháp trái cà chua có thể giúp bạn cân bằng hiệu quả giữa học tập và thư giãn.

Pomodoro-Quan ly thoi gian tap trung

1. PHƯƠNG PHÁP POMODORO LÀ GÌ?

Pomodoro, do một người Ý tên Francesco Cirillo phát minh vào thập niên 80 (thế kỷ XX), là phương pháp giúp bạn làm việc tập trung, cân bằng thời gian học tập/ làm việc và nghỉ ngơi. Pomodoro tiếng Ý nghĩa là trái cà chua – giống hình dáng chiếc đồng hồ trái cà chua mà Cirillo sử dụng, nên phương pháp này còn có tên gọi là phương pháp “trái cà chua”. Giải pháp trái cà chua là nghỉ ngắn giữa các phiên học tập hay làm việc thay vì ngồi làm liên tục trong một thời gian dài.

Bạn cần tập trung trong 25 phút đầu, sau đó nghỉ ngắn 5 phút và lại bắt đầu một phiên làm việc 25 phút mới.

2. PHƯƠNG PHÁP NÀY PHÙ HỢP VỚI AI?

Phương pháp Pomodoro có thể áp dụng cho gần như mọi đối tượng, mọi hoạt động cần sự tập trung. Từ sinh viên, giảng viên đến kỹ sư, kiến trúc sư, biên tập viên, nhà báo, bác sĩ, từ học bài, làm việc, nghiên cứu, đến biên tập, lập trình, viết báo, v.v. Biết quản lý và sử dụng hiệu quả thời gian trong ngày sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng.

3. CÁC BƯỚC ĐỂ THỰC HIỆN PHƯƠNG PHÁP POMODORO

Bước 1: Chọn công việc mình sẽ làm

Bước 2: Đặt thời gian, thông thường là 25 phút

Bước 3: Làm việc cho đến khi hết 25 phút

Bước 4: Nghỉ giải lao 5 phút

Bước 5: Sau 4 lần nghỉ giải lao trên thì nghỉ dài hơn với 10 phút (hoặc 15-30 phút tùy tính chất công việc và sức của mỗi người).

4. NHỮNG LƯU Ý KHI ÁP DỤNG POMODORO

  • Quãng nghỉ rất quan trọng: Nhiều người khi mới áp dụng phương pháp này cho rằng việc cố gắng tập trung trong 25 phút là quan trọng nhất. Nhưng thật ra, việc phải nghỉ đúng 5 phút lại quan trọng hơn, vì điều này cho thấy bạn đã chấp hành nghiêm túc trong 25 phút trước đó. Nếu thời gian tập trung bị kéo dài thì việc nghỉ ngơi của bạn cũng sẽ kéo dài ra, như vậy thì vi phạm phương pháp trái cà chua rồi.
  • Tận dụng 5 phút thư giãn không đúng cách: Rất nhiều sinh viên nghĩ lướt facebook, xem youtube hoặc chơi game là những cách giúp mình thư giãn. Nhưng thực chất, bạn sẽ dễ bị cuốn hút và “mệt” não hơn cho những việc này. Thay vào đó, bạn hãy chọn ra danh sách các bản nhạc nhẹ dài năm phút để nghe luân phiên hoặc ngồi thiền, dọn dẹp bàn làm việc, uống nước, mát-xa đầu, vận động nhẹ. Đừng vừa nghe nhạc vừa đọc facebook nhé.
  • Chia nhỏ việc có thể hoàn thành trong 25 phút: Trước khi áp dụng các phương pháp quản lý thời gian, điều quan trọng nhất là bạn phải có kế hoạch làm việc ít nhất trong ngày, tuần hoặc tháng nhé. Khi ngồi vào bàn học, bạn sẽ biết được mình có bao nhiêu công việc, bài tập, báo cáo cần hoàn tất trong ngày. Sau đó, chia các công việc này ra trong khoảng 25 phút. Điều này sẽ giúp bạn nắm rõ số phiên Pomodoro sẽ thực hiện trong ngày hôm đó.

5. NHỮNG LỢI ÍCH KHI ÁP DỤNG POMODORO

Với Pomodoro, bạn có thể xác định thời gian và kế hoạch cụ thể để bắt đầu cũng như hoàn thành công việc đã đặt ra. Động lực làm việc tăng cao giúp cho quá trình hoàn thành công việc nhanh chóng hơn, từ đó cân bằng hợp lý việc học tập/ làm việc với nghỉ ngơi, giảm bớt căng thẳng, duy trì sức khỏe. Ngoài ra, với phương pháp “trái cà chua” giúp bạn rèn luyện sự tập trung làm một việc duy nhất với 100% thời gian đã định.

6. MỘT SỐ ỨNG DỤNG HỖ TRỢ KHI ÁP DỤNG POMODORO

Có khá nhiều ứng dụng hỗ trợ theo dõi thói quen Pomodoro giúp tối ưu hóa công việc như Tomato Timer, Marinara Timer, Tomighty, Pomodorable, Simple Pomodoro, Focus Time. Bạn có thể tham khảo qua một lượt và trải nghiệm xem mình phù hợp với ứng dụng nào nhất nhé.

LINH LÊ tổng hợp – Hình: Pinterest.

Bài trước

Bài tiếp