Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

7 mẹo giản đơn giúp bạn tự tin giao tiếp

Càng tự tin trong giao tiếp bao nhiêu thì khả năng thành công càng đến với bạn nhiều bấy nhiêu, nhất là khi bạn sắp thuyết trình hoặc tham gia phỏng vấn.

Tất cả chúng ta có thể trở nên tự tin hơn nếu rèn luyện đúng cách. Một người giao tiếp khéo léo sẽ tạo ra bầu không khí thân thiện, cởi mở cũng như lan tỏa nguồn năng lượng tích cực tới những người xung quanh. Cùng OISP học cách nói chuyện tự tin với bảy mẹo nhỏ sau nhé!

1. CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG

Luôn nắm vững những điều bạn sắp trình bày trước khi tham gia bất cứ cuộc họp, hội thảo hoặc buổi thuyết trình bằng cách chuẩn bị kỹ lưỡng. Điều này sẽ giúp bạn diễn đạt một cách tự nhiên, trôi chảy, ngắn gọn cũng như giảm thiểu những đoạn ngập ngừng, lúng túng.

Bên cạnh đó, việc luyện nói thường xuyên cũng là một cách chuẩn bị để giúp bạn bình tĩnh, chủ động dẫn dắt câu chuyện, tránh sự bối rối – nhất là khi người nghe đặt thêm câu hỏi ngoài kịch bản chuẩn bị của mình.

2. SUY NGHĨ TÍCH CỰC

Chìm đắm trong hàng tá suy nghĩ tiêu cực là một trong những vấn đề không của riêng ai. Để giao tiếp khéo léo, tự tin, chúng ta cần cố gắng khắc phục nhược điểm này. Ngay khi cảm thấy bất an, tự ti, yếu thế trong cuộc trò chuyện, hãy củng cố niềm tin vào bản thân, tự nhủ rằng “Mình hoàn toàn có thể làm được” và tập trung vào câu chuyện bạn định chia sẻ.

3. NÓI CHUYỆN CHẬM RÃI, KHÚC CHIẾT

Khi nói quá nhanh, chúng ta dễ nói ngọng, nói lắp, nói sai vì chưa có đủ thời gian để suy nghĩ kỹ lưỡng và lựa chọn ngôn từ cẩn thận. Do đó, cách nói này thường khiến người nói “mất điểm” trước người nghe.

Thay vì hồi đáp vội vàng, hãy nói chuyện chậm rãi, ngắt nghỉ đúng lúc. Khi đó, lời nói của bạn sẽ rõ ràng và có trọng lượng hơn. Mặt khác, người đối diện cũng dễ dàng nắm bắt thông tin và hình dung câu chuyện.

4. SỬ DỤNG TỪ NGỮ HÀI HƯỚC

Những câu chuyện vốn tẻ nhạt, nhàm chán sẽ trở nên vô cùng hấp dẫn khi được diễn đạt bằng lối nói hóm hỉnh cùng ngôn từ sáng tạo. Tùy thuộc vào mức độ thân thiết với người nghe, bạn có thể thay đổi không khí cuộc hội thoại bằng cách ứng dụng hiện tượng đồng âm (“vui là chín, chiến thắng là mười”, “văn nghệ văn gừng”…) hoặc dùng những từ ngữ giàu tính gợi hình, gợi cảm phù hợp với từng ngữ cảnh cụ thể.

Những câu chuyện vốn tẻ nhạt, nhàm chán sẽ trở nên vô cùng hấp dẫn khi được diễn đạt bằng lối nói hóm hỉnh cùng ngôn từ sáng tạo.

5. GIAO TIẾP VỚI GIỌNG TRẦM HƠN

Bạn có để ý rằng, đa số diễn giả, chính trị gia, phát thanh viên, người dẫn chương trình… đều sở hữu chất giọng trầm ấm? Có một thực tế là những người có giọng nói ấm áp thường dễ tạo thiện cảm và gây dựng lòng tin với người đối diện hơn nhiều so với những người có giọng nói tông cao, the thé. 

Đây chính là lý do vì sao bạn nên kiểm soát tông giọng khi nói chuyện. Thế nhưng, đừng quá cứng nhắc, khiên cưỡng. Nếu không, giọng nói của bạn sẽ trở nên mất tự nhiên đấy.

6. ĐIỀU CHỈNH DÁNG ĐIỆU CƠ THỂ

Ngôn ngữ cơ thể là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công của một cuộc hội thoại. Thở đều, đứng thẳng lưng, thả lỏng vai, ngẩng cao đầu, hướng mắt về phía trước là vài mẹo nhỏ giúp bạn luôn trong trạng thái tươi tỉnh và sẵn sàng. Khi đi đến bất cứ nơi đâu, hãy tự tin sải bước với nụ cười rạng rỡ trên môi. 

Là “vũ khí” lợi hại trong giao tiếp hình thể, đôi bàn tay giúp chúng ta thể hiện cảm xúc và thái độ trước người đối diện. Vì vậy, những cử chỉ bàn tay thích hợp sẽ hỗ trợ bạn truyền tải ý tưởng một cách thuyết phục hơn.

7. MẶC TRANG PHỤC PHÙ HỢP

Khi cảm thấy thoải mái, chúng ta có xu hướng cởi mở và tự tin hơn. Do đó, bạn hãy lựa chọn những bộ quần áo vừa thoải mái vừa lịch sự (ưu tiên những bộ cánh yêu thích) mọi lúc mọi nơi nhé!

Ngoài ra, nói chuyện tự tin, thu hút chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy nhiên, bằng cách luyện tập mỗi ngày và lắng nghe góp ý từ bạn bè, người thân, sẽ sớm thôi – mức độ tự tin trong giao tiếp của bạn sẽ được cải thiện đó.

XUÂN MAI

Bài trước

Bài tiếp