Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Nguyễn Vũ Hồng Phúc: Muốn du học, hãy chuẩn bị “ăn hành”

Từ nước Úc, anh bạn sinh viên K2014 chương trình Liên kết Quốc tế ngành Cơ Điện tử (Đại học Bách Khoa) trải lòng về đời sống không như là mơ của du học sinh.

Từ nước Úc, anh bạn sinh viên K2014 chương trình Liên kết Quốc tế ngành Cơ Điện tử (Đại học Bách Khoa) trải lòng về đời sống không như là mơ của du học sinh.

Nguyen Vu Hong Phuc du hoc an hanh 02

Nhân vật này là người trầm lặng, ít nói. Không dễ thuyết phục Phúc chịu chia sẻ về việc học tập và sinh hoạt của mình tại University of Technology Sydney (UTS). “May mắn” thay, người viết từng là trợ giảng Lớp Soft Skills mà Phúc theo học trong chương trình Pre-University nên anh chàng không nỡ từ chối sau nhiều lần kỳ nèo :))).

Phúc cũng là lứa sinh viên đầu tiên chuyển tiếp sang UTS theo lộ trình đào tạo của chương trình Liên kết Quốc tế ngành Cơ Điện tử.

Giai đoạn hai năm đầu tại Bách Khoa, Hồng Phúc có kết quả học tập đáng nể: GPA 8,61; IELTS 6.0; thành thạo SolidWorks (phần mềm chuyên dụng thiết kế 3D). Đặc biệt, cả gia đình Phúc có “truyền thống Bách Khoa”, cha và anh trai từ “lò” Bách Khoa – Phú Thọ mà ra. Hiện Phúc đang học chương trình năm thứ Ba tại Úc.

Học cừ là vậy, nhưng anh bạn cựu học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai) vẫn không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn khi lần đầu du học xa nhà. Từ xứ sở chuột túi, Nguyễn Vũ Hồng Phúc kể cho BK-OISP những trải nghiệm đáng nhớ nơi đây.

* “Truyền thống Bách Khoa” có phải là lý do khiến em lựa chọn chương trình Liên kết Quốc tế Đại học Bách Khoa?

– Lý do ban đầu em chọn Bách Khoa là vì muốn học những ngành kỹ thuật. Cơ Điện tử là một ngành kỹ thuật có lượng kiến thức rộng và liên ngành. Hồi cấp III em đã thích học theo hướng kiến thức rộng và liên kết với nhau về mảng khoa học.

* Sau một học kỳ chuyển tiếp sang UTS, em thấy việc học bên đó thế nào?

– Giảng viên bên này lên lớp là dạy vừa đủ, mình hỏi thêm và quan tâm thì biết nhiều hơn và được quan tâm hơn. Dịch vụ hỗ trợ ở đây rất tốt (vậy mới đáng đóng phí dịch vụ sinh viên mỗi học kỳ :)))). Đời sống sinh viên thì em nghĩ mỗi người một khác. Nếu nói về bản thân em thì là “ăn hành” toàn tập.

* Cụ thể “ăn hành” thế nào?

– Chạy bài vở sấp mặt. Do chưa quen nên học kỳ đầu tiên bên đây hơi bết :(((.

Nguyen Vu Hong Phuc du hoc an hanh 03

Hồng Phúc (trái) đi lễ nhà thờ. Ảnh chụp kỷ niệm với cha xứ chuẩn bị chuyển qua bang khác.

* Còn sinh hoạt bên Úc?

– Rất đắt. Những khoản chi có thể tiết kiệm là chỗ ở và ăn uống. Để có được chỗ ở rẻ thì sẽ phải bù vào những thứ khác: thường những chỗ thuê nhà giá rẻ thì xa nơi học hoặc phải ở chung với nhiều người. Còn rau thì đắt hơn cả thịt, mua ăn trong một tuần thì không kinh tế lắm.

Đối với sinh viên chân ướt chân ráo mới qua Úc thì hai cái đó ảnh hưởng tới việc học khá lớn. Học kỳ vừa rồi, em qua là “ăn hành” sml, chạy bài không kịp nữa nên cũng chẳng có thời gian mà đi làm thêm.

* Căng nhỉ! Còn giải trí sau giờ học, các hoạt động ngoại khóa?

– Ngồi nhà chơi game là chính thôi chị ơi. Thời gian đầu qua Úc thì ở chỗ quá xa trường, có muốn tham gia hoạt động ngoại khóa nhiều cũng không được. Còn nửa kỳ sau thì bài vở triền miên nên dẹp hết vụ hoạt động ngoại khóa.

Nguyen Vu Hong Phuc du hoc an hanh 04

Làm project, tạo animation từ hình.

* Học tập ở môi trường quốc tế, em thấy đâu là sự khác biệt lớn nhất giữa sinh viên Việt Nam và Úc?

– Cái này em cũng không rõ, vì qua đây ít gặp sinh viên Việt Nam. Có vẻ như thế mạnh của sinh viên Việt Nam là khả năng… nước tới chân mới nhảy và “cày cuốc” trâu bò mấy đợt giữa kỳ và cuối kỳ :))).

* Còn Tết năm nay, em đón ở Úc luôn?

– Dạ. Nhưng ở bên này không có không khí Tết gì cả. Mà dạo này chuẩn bị vào học kỳ mới, cả đống thứ phải lo như chỗ ở, chi phí, và quyết tâm không để học kỳ này bết bát nữa học kỳ đầu nữa… nên có khi cũng không còn đầu óc nghĩ tới Tết.

Nguyen Vu Hong Phuc du hoc an hanh 05 Nguyen Vu Hong Phuc du hoc an hanh 06

(Từ trái qua) Bữa tối gặm xương gà; bữa trưa với mì giá rẻ sành điệu; một bữa rau ngập miệng hiếm hoi.

* Kế hoạch sắp tới của em là gì?

– Học xong cái đã rồi tính sau. Chắc phải ở lại “cày cuốc” ít lâu để… rút bớt tiền Úc, không lại phí phạm công sức và thời gian “ăn hành” bên này :))).

* Lời khuyên của em dành cho đàn em sắp chuyển tiếp du học?

– Ăn chơi cho đã đi các bạn, cứ vui thật vui (nhưng đừng vui quá), vì qua đây sẽ ăn no hành :))). Đừng quên trang bị thêm kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên ngành (như SolidWorks) không có trong trường đại học.

University of Technology Sydney (uts.edu.au) được thành lập năm 1964, tiền thân là Viện Công nghệ New South Wales. Trường tọa lạc tại Khu Thương mại Trung tâm thành phố Sydney, bờ biển phía Đông nước Úc, thủ phủ tiểu bang New South Wales.

Tuy tuổi đời khá trẻ nhưng UTS đã sớm xây dựng được danh tiếng quốc tế vì sự vượt trội trong hoạt động giảng dạy, định hướng nghề nghiệp và nghiên cứu thực tiễn.

UTS dẫn đầu nước Úc và xếp thứ 20 thế giới trong Bảng xếp hạng các trường đại học dưới 50 tuổi tốt nhất 2016 (QS Top 50 under 50 2016); ngành Cơ Điện tử liên kết đào tạo với Đại học Bách Khoa trong chương trình Liên kết Quốc tế thuộc Top 150 ngành có chất lượng đào tạo tốt nhất 2016 (QS World University Subject Rankings 2016)

Chương trình đào tạo kỹ sư của UTS được Hiệp hội Kỹ sư Úc kiểm định và công nhận, Sinh viên tốt nghiệp UTS sẽ được gia nhập hiệp hội này. Hiện có hơn 44.000 sinh viên đang theo học, trong đó có 14.000 SV quốc tế đến từ 115 nước.

 

THI CA thực hiện – Ảnh: HỒNG PHÚC

Bài trước

Bài tiếp