Bách khoa Quốc tế – nơi cho Vy hành trang du học vững vàng

Mái trường Bách khoa đã trang bị cho Nguyễn Hoàng Uyên Vy (sinh viên K2017 chương trình Chuyển tiếp Quốc tế ngành Kỹ thuật Hóa học) đầy đủ hành trang để tự tin hòa mình vào môi trường học thuật uy tín tại Đại học Adelaide.

* Xin chào Uyên Vy! Tiếp tục chủ đề du học trong bài viết trước, theo Vy, du học sinh Việt Nam cần trau dồi những kỹ năng/ phẩm chất nào để thích nghi tốt với môi trường học tập ở Úc?

Để nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới ở xứ sở chuột túi, các bạn cần có:

Tính chủ động

Điều đầu tiên và quan trọng nhất khi trải nghiệm môi trường học thuật nước Úc chính là tính chủ động. Bên này, các thầy cô không dạy học theo kiểu đọc – chép truyền thống như ở Việt Nam. Thầy cô chỉ giảng bài trên lớp và cũng không đến tận nơi để hỏi xem liệu bạn có hiểu bài không. Do đó, muốn nắm vững kiến thức, bạn cần coi bài từ trước, nhờ thầy cô giải đáp thắc mắc trong tiết bài tập (tutorial) hoặc trực tiếp email hỏi bài thầy cô.

Kỹ năng làm việc nhóm

Theo mình, kỹ năng quan trọng thứ hai là kỹ năng làm việc nhóm. Trong những năm đầu học tập ở Bách khoa, mình từng sinh hoạt ở CLB HOPE và tham gia cuộc thi Presentation Contest, Bách khoa Innovation. Thông qua những trải nghiệm thực tế từ quá trình làm việc nhóm và tổ chức sự kiện, mình đã tích lũy thêm nhiều vốn sống, từ đó tự tin hòa nhập vào môi trường mới.

Tại Đại học Adelaide, đa số môn học quan trọng và bài tập lớn đều đòi hỏi sinh viên làm việc nhóm vì về cơ bản, bạn không thể thực hiện những công việc của một engineer thực thụ một mình mà không nhờ đến sự giúp đỡ của các thành viên khác. Kể cả sau này, khi đã tốt nghiệp và đi làm, bạn vẫn cần phải làm việc nhóm.

Kỹ năng ghi chép và đọc – hiểu tài liệu

Bên cạnh đó, kỹ năng ghi chép và đọc – hiểu tài liệu cũng vô cùng quan trọng đối với du học sinh, nhất là khi học online, thầy cô thường nói rất nhanh. Lúc đó, sẽ có những thông tin quan trọng hay ý giảng rất hay mà bạn có thể dễ dàng bỏ sót nếu không tập trung lắng nghe và ghi chép kịp thời. Ngoài ra, việc học bên này cũng yêu cầu người học viết luận khá nhiều. Vì vậy, kỹ năng đọc – hiểu tốt sẽ là lợi thế giúp bạn học tập hiệu quả hơn.

* Vy có lời khuyên nào dành cho đàn em Bách khoa nói chung và tân sinh viên Khoa Kỹ thuật Hóa học nói riêng không?

Đối với Vy, khoảng thời gian học tập ở Bách khoa đã mang đến những trải nghiệm vui vẻ và tuyệt vời. Bởi mình không chỉ rèn luyện bản thân qua từng thử thách mà còn tiếp xúc với nhiều cơ hội bước ra thế giới rộng lớn ngoài kia. Theo kinh nghiệm của mình, nếu học đại học ở Việt Nam, bạn cần:

Tham gia câu lạc bộ/ làm MC sự kiện

Trước đây, Vy từng tham gia CLB HOPE của Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM). Nơi này đã giúp mình trưởng thành hơn rất nhiều. Sinh hoạt trong HOPE, mình không chỉ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhiều sinh viên khác của trường mà còn cải thiện những kỹ năng mềm quý giá (kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm…) ngay từ học kỳ đầu tiên.

Đặc biệt, trong đó, tinh thần trách nhiệm là đức tính Vy xem trọng nhất bởi châm ngôn sống của mình là làm gì cũng được, nhưng nhất định phải có trách nhiệm và hết mình với công việc/ nhiệm vụ được giao. Không chỉ dừng lại ở đó, mình còn mạnh dạn thử sức với vai trò dẫn chương trình trong nhiều sự kiện lớn nhỏ của nhà trường. Tất cả tạo nên cơ hội để mình rèn luyện bản lĩnh cùng sự tự tin.

Tham gia cuộc thi Presentation Contest

Vào học kỳ Pre-University, mình được học nhiều môn kỹ năng mềm thú vị và may mắn cùng nhóm Teddy Bear đại diện lớp tham gia cuộc thi Presentation Contest, sau đó lọt vào top 5 rồi giành được vé đi trao đổi văn hóa ở Đại học Help (Malaysia). Đây là một trong những cột mốc quan trọng đầu tiên khi mình đi học ở Bách khoa đó. ^^

Tham gia cuộc thi Bách khoa Innovation

Quá trình gầy team để tham gia cuộc thi Bách khoa Innovation 2019 thực sự giúp mình trưởng thành rất nhiều. Xuyên suốt cuộc thi, mình tham gia nhiều buổi hội thảo rèn luyện kỹ năng và nhận được nhiều góp ý chuyên môn xác đáng về đề tài của nhóm. Nhờ đó, nhóm mình đã cải tiến và hoàn thiện sản phẩm liên tục, đồng thời may mắn bước vào Vòng Chung kết của cuộc thi.

Vậy nên, lời khuyên của Vy là các bạn hãy chủ động tham gia thật nhiều hoạt động/ cuộc thi, dũng cảm chinh phục khó khăn và hăng hái trải nghiệm những điều mới lạ mà bạn chưa bao giờ dám thử khi còn học cấp 2, 3.

Cuối cùng, nếu có điều kiện và cơ hội, hãy đi du học. Du học xong không ở lại mà về nước cũng không sao cả. Quan trọng nhất là bạn ra đi để thách thức chính mình, nhìn nhận xem bản thân có thể sống tự lập không, có dám can đảm đối mặt với thử thách và hòa nhập trong một môi trường hoàn toàn mới lạ hay không.

Biên tập: DINI – Hình: Nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp