Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Gặp gỡ Thảo My – Phó Chủ nhiệm của CLB Văn nghệ OISP

Không biết từ lúc nào, con gái Bách khoa đã bị gắn liền với hình ảnh “khô khan” và kém duyên, nhưng ai còn nghĩ vậy thì chắc chắn là… lầm to rồi! Cũng như mọi bạn nữ Bách khoa bình thường khác, Thảo My K14 rất năng động, đa tài và đáng yêu đấy nhé!

Không biết từ lúc nào, con gái Bách Khoa đã bị gắn liền với hình ảnh “khô khan” và kém duyên, nhưng ai còn nghĩ vậy thì chắc chắn là… lầm to rồi!  “Trong chăn mới biết chăn có rận. Trong đầm mới biết đầm có sen.” Các bạn “sắn” của Bách Khoa không chỉ rất tháo vát, năng động mà còn rất đáng yêu và tình cảm nữa nên “nam Bách Khoa cưng nữ lắm” đó nhé!

 

Nguyen Ngoc Thao My SV K14 Truong nhom Nhay Clb Van nghe OISP BOMB 01

Thảo My – sinh viên K14, Phó Chủ nhiệm của CLB Văn nghệ OISP

Đơn cử, bạn Nguyễn Ngọc Thảo My – sinh viên K14 – đại diện tương đối đầy đủ hình ảnh của một nữ sinh Bách Khoa “chính hiệu”: năng động và chủ động. Thảo My hiện đang là Phó Chủ nhiệm của CLB Văn nghệ OISP (BOMB). Không chỉ nhảy đẹp, hát hay, cô bạn còn biết chơi đàn organ và đủ thứ sở thích/ tài lẻ “rất con gái” khác.

Nghe danh đã lâu, lại bắt gặp cậu ấy trong một buổi chiều nắng đẹp, trời lộng gió ở tòa nhà A4, phóng viên của OISP quyết định… đem Thảo My “ra ngoài ánh sáng”!

Nguyen Ngoc Thao My SV K14 Truong nhom Nhay Clb Van nghe OISP BOMB 04

* Chào Thảo My!

Bạn có thể giới thiệu đôi chút về bản thân mình được không?

Mình tên đầy đủ là Nguyễn Ngọc Thảo My – sinh viên K14 ngành Công nghệ Hóa, chương trình Liên kết Quốc tế. Mình từng giữ chức vụ Trưởng nhóm Nhảy của CLB Văn nghệ OISP (BOMB) và hiện tại là Phó Chủ nhiệm của câu lạc bộ.

Bên cạnh việc nhảy, mình cũng có thể hát và chơi nhạc cụ như organ và đang chuẩn bị tập thêm guitar. Mình chưa tự tin lắm khi hát solo. Vả lại, được diễn cùng nhóm vẫn vui hơn. (cười tươi)

* Năng hoạt động văn nghệ và đa năng như vậy, chắc bạn đã hoạt động văn nghệ cũng khá lâu?

Từ rất nhỏ mình đã được tập nhảy, sinh hoạt trong đội ca tại Nhà Thiếu nhi Thành phố, và nằm trong đội tuyển Aerobic thành phố nên chắc là cũng lâu! (cười)

Khi học trung học, mình đã có một giai đoạn dài ngừng mọi hoạt động nhảy để có thời gian tập trung cho việc học. Bây giờ được nhảy lại, được biểu diễn cùng câu lạc bộ cho trường, cảm giác như cơ thể được giải phóng vậy nên mình rất hăng hái với các hoạt động.

* Tham gia các hoạt động văn nghệ – phong trào nhiều như vậy, hẳn là bạn rất thích sự năng động và được rộng mở giao lưu?

Chính xác! Mình rất thích tham gia vào các hoạt động cộng đồng để gặp gỡ nhiều người, và học hỏi được nhiều điều mới. Ở học kì Pre-University, khi thực hiện dự án cộng đồng, nhóm mình đã vận động được số tiền nhiều hơn cả dự kiến và quyên góp cho một mái ấm. Mình thực sự rất thích cảm giác được góp tay vào giúp đỡ và được chơi với các em nhỏ. Tuy nhiên, do quỹ thời gian hạn hẹp nên mình cũng chưa có nhiều cơ hội để tham gia các hoạt động này nhiều hơn.

* Hình như học kì Pre-University của Bách Khoa cũng để lại khá nhiều kỷ niệm với bạn?

Ở học kì Pre-University, mình học được rất nhiều điều và được trải nghiệm rất nhiều thứ khác nhau.

Trước đây, mình không hề có các kỹ năng như soạn powerpoint thuyết trình, hay viết một CV đúng chuẩn. Sau kì Pre, mình đã tự tin hơn và nắm bắt được kỹ năng làm việc hiệu quả hơn.

Cũng trong giai đoạn này, mình được cùng các bạn trong nhóm tham gia Presentation Contest, hay được thiết kế bộ trang phục Evil Couple cho lớp Soft skill (Lớp Kỹ năng mềm) tại OISP Camp 2014… Đây đều là những kỷ niệm đáng nhớ trong thời sinh viên của mình và chắc chắn đã giúp ích nhiều cho việc trưởng thành của bản thân mình hơn.

Nguyen Ngoc Thao My SV K14 Truong nhom Nhay Clb Van nghe OISP BOMB 06

Thảo My (thứ hai, từ phải qua) cùng các bạn trong lớp Kỹ năng mềm SK4 – Khóa 2014

* Là một nữ sinh trong ngôi trường toàn nam, hầu hết thành viên đội nhảy BOMB cũng là nam, vậy mà bạn vẫn mạnh dạn đảm nhận vai trò lãnh đạo các bạn. Thảo My có thấy mình “bạo” quá không?

(cười lớn)

Thật ra, các bạn trong nhóm nhảy của bọn mình đều rất giỏi, năng lực tương đối đồng đều nhau. Do là con gái nên mình cũng có cách sắp xếp, quản lý tương đối ổn và có nhiều ý tưởng dựng bài. Nhờ vậy, mình may mắn được các bạn tin cậy giao cho trách nhiệm, nhưng cũng có tí áp lực.

Dĩ nhiên, công việc không phải lúc nào cũng hoàn toàn diễn ra như mong muốn. Những lúc như vậy mình thường gặp riêng các bạn trong nhóm để trao đổi cũng như ghi nhận những góp ý các bạn dành cho mình. Nhờ đó, bọn mình có thể liên tục cải thiện cách làm cũng như hiệu quả công việc.

Nguyen Ngoc Thao My SV K14 Truong nhom Nhay Clb Van nghe OISP BOMB 03

CLB Văn nghệ OISP – BOMB (BachKhoa OISP Music Bank) lúc nào cũng năng động, trẻ trung và vui vẻ

* Có thể thấy, My rất chủ động và kiên trì với những lựa chọn của mình…

Không chỉ riêng mình, mà sinh viên Bách Khoa nói chung và nữ Bách Khoa nói riêng có tinh thần tự lập rất cao. Nếu được định hướng tốt, gần như bạn nào cũng rõ ràng về lựa chọn chuyên ngành của mình, lại rất tháo vát và nhiều bạn thực sự rất giỏi luôn. Mình nhìn quanh rất nể các bạn nữ khác, từ nữ công như nấu ăn đến kỹ thuật, món nào cũng giỏi, và lúc nào cũng rất thân thiện, vui vẻ.

Về riêng phần mình, từ nhỏ mình đã được gia đình tin tưởng cho mình tự quyết định, tự làm mọi việc. Mong muốn theo học Bách Khoa của mình cũng nung nấu từ thời học cấp II (THCS). Cũng vì thích được nghiên cứu về lĩnh vực như hóa thực phẩm, hóa mỹ phẩm… mà mình chọn theo học ngành Công nghệ Hóa. Mọi bước chuẩn bị cho việc chuyển tiếp du học, mình tự thân lo từ rèn luyện bản thân đến các thủ tục chứ không đợi gia đình làm giúp. Những bạn trẻ đồng lứa khác làm được, thì mình cũng phải làm được tất!

Nguyen Ngoc Thao My SV K14 Truong nhom Nhay Clb Van nghe OISP BOMB 05

“Con gái Bách Khoa bọn mình đâu có khô khan!”

À, nhìn mình nhảy nhót suốt vậy thôi chứ cũng “con gái” lắm. Bật mí một chút là mình rất thích nấu ăn và viết lách. Đôi khi mình tự viết nên những câu truyện ngắn và lưu giữ cho một mình mình đọc, chứ cũng mắc cỡ chưa cho ai xem bao giờ.

* Nhân tiện nhắc đến việc chuyển tiếp du học. Theo kế hoạch, chỉ hơn một năm nữa là My sẽ chuyển tiếp sang học tập tại Úc. Bạn đã chuẩn bị những gì cho việc du học này rồi?

Hiện tại, mình cũng như những bạn khác, đang học tập để đạt mức điểm cao nhất có thể, cũng như không ngừng nâng cao trình độ tiếng Anh. Có kiến thức chuyên ngành vững vàng và tiếng Anh tốt sẽ giúp mình sớm hòa nhập hơn và dễ bắt kịp với cách học ở Úc khi chuyển tiếp sang trường Đại học Adelaide (Úc).

Nguyen Ngoc Thao My SV K14 Truong nhom Nhay Clb Van nghe OISP BOMB 02

Thảo My (phải) cùng Trợ giảng lớp Kỹ năng mềm là chị Nguyễn Thị Lệ Thi (trái) – Trưởng Bộ phận Chuyển tiếp Du học,
Văn phòng Đào tạo Quốc tế, ĐH Bách Khoa TP.HCM

Bên cạnh việc tự tìm hiểu qua thông tin trên mạng, mình cũng nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các anh chị khóa trước của BK-OISP đã chuyển tiếp và đang học tại Úc. Nên ngay từ lúc này, mình đã lên danh sách những điều cần làm và những thứ cần chuẩn bị để chuyển tiếp thành công và có được khởi đầu thuận lợi nhất khi sang Úc du học.

* Cảm ơn Thảo My vì buổi trò chuyện hết sức thú vị về các hoạt động học tập, phong trào của bạn cũng như chia sẻ về học kì Pre-University, về con người – môi trường ở Bách Khoa.

Mến chúc bạn luôn vui vẻ, năng động, giàu đam mê và đạt được nhiều thành công trong học tập!

TÙNG HUY thực hiện
(Ảnh do nhân vật cung cấp)

HỌC CHẤT LƯỢNG CAO, MÔI TRƯỜNG QUỐC TẾ TẠI ĐH BÁCH KHOA TP.HCM

Hiện nay, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM đang triển khai các chương trình đào tạo Chất lượng caoTiên tiến (4 năm tại ĐH Bách Khoa TP.HCM) và  Liên kết Quốc tế ( 2 năm đầu tại ĐH Bách Khoa TP.HCM, 2 năm cuối tại nước ngoài) các ngành học từ kỹ thuật, công nghệ đến quản lý. 

Nội dung giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, được Bộ Giáo dục & Đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường đối tác Mỹ, Úc, Nhật công nhận chất lượng.

Chương trình không chỉ đào tạo về kiến thức chuyên môn kèm thực hành, mà còn tích hợp giảng dạy tiếng Anh học thuật và kỹ năng mềm trong học kỳ Pre-University

Sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận bằng chính quy của Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM hoặc do trường ĐH đối tác chuyển tiếp tại Mỹ, Úc, Nhật cấp bằng.

★ Để được cập nhật liên tục về Thông tin Tuyển sinh ĐH 2016, vui lòngđăng ký tại đây.

 
 

Bài trước

Bài tiếp