Bắt tay vào nghiên cứu khoa học khá trễ so với một số bạn đồng trang lứa, đến tận đầu năm thứ tư đại học, Nguyễn Vĩnh Khương mới có định hướng thực hiện. Nhưng cuộc sống vốn công bằng, nên không có nỗ lực nào là quá muộn cả.
NGUYỄN VĨNH KHƯƠNG: “NGHIÊN CỨU KHOA HỌC – ĐIỀU TẠO RA SỰ KHÁC BIỆT”
Kỳ cuối: Nghiên cứu khoa học – không bao giờ là trễ
Bắt tay vào nghiên cứu khoa học khá trễ so với một số bạn đồng trang lứa, đến tận đầu năm thứ tư đại học, Nguyễn Vĩnh Khương mới có định hướng thực hiện. Nhưng cuộc sống vốn công bằng, nên không có nỗ lực nào là quá muộn cả.
Quả thật, chính nhờ dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học nên anh chàng cựu sinh viên K10 chương trình Tiên tiến ngành Điện – Điện tử (Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM) đã có cơ hội chạm tay tới ước mơ trở thành nhà khoa học bằng học bổng cao học toàn phần của Trường ĐH Quốc gia Khoa học và Kỹ thuật Seoul (Hàn Quốc).
Trong kỳ cuối của loạt bài về con đường nghiên cứu khoa học, tác giả chia sẻ những trải nghiệm đáng nhớ về tác phong và thái độ làm việc chuyên nghiệp của các nhà khoa học quốc tế cũng như những ấn tượng khó quên về đất nước và con người Hong Kong khi đến tham dự Hội nghị Quốc tế về Điện – Điện tử và Khoa học Máy tính ICEECS 2014.
—–o0o—–
Những ngày cuối năm 2014, sau khi đã cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp kỹ sư chương trình Tiên tiến, tôi chuẩn bị hành trang đến Hong Kong, lần đầu tiên trình bày đề tài của mình trước các nhà khoa học khu vực châu Á và quốc tế.
Đặt chân đến Hương Cảng, tôi bị choáng ngợp bởi vẻ hiện đại và nhộn nhịp của thành phố này. Địa điểm diễn ra hội nghị là khách sạn Regal Airport, một khách sạn 5 sao với lối trang trí kiến trúc tuyệt đẹp. Bên trong khách sạn được bài trí sang trọng và được trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho hội nghị.
Tác giả trình bày đề tài của mình tại hội nghị ICEECS.
Ấn tượng của tôi khi tham dự hội nghị khoa học chính là tác phong của các nhà khoa học đến đây tham dự. Họ trao đổi rất thẳng thắn và nghiêm túc với người thuyết trình về đề tài của họ. Đề tài càng gần gũi, càng mang nhiều tính ứng dụng thực tiễn thì những câu hỏi liên quan càng nhiều và đa dạng.
Các nhà khoa học đến từ Nhật Bản và Trung Quốc rất chịu khó lắng nghe và trao đổi kiến thức của mình, các nhà khoa học đến từ Ấn Độ thì phát âm tiếng Anh hơi khó nghe, trình bày slide vẫn rất nhiều chữ nhưng điều quan trọng là tầm kiến thức của họ rất vững. Các nhà khoa học đến từ Đài Loan và Hàn Quốc thì quan tâm nhiều đến các ứng dụng, nhất là các ứng dụng của mảng viễn thông, điều khiển và tự động hóa.
Khoảng cách về trình độ giữa các nhà khoa học ở khối Đông Bắc Á cũng như Ấn Độ so với các nhà khoa học khối ASEAN là tương đối lớn. Theo quan sát và đánh giá của tôi, các ứng viên đến từ Thái Lan và Philippines dường như không nắm chắc về kiến thức mà mình trình bày, dễ bị các chuyên gia từ Ấn Độ và Trung Quốc bắt lỗi hoặc cách trả lời của các ứng viên này là khá mông lung và thiếu thuyết phục – điều tối kỵ trong việc trình bày một đề tài khoa học. Bản thân tác giả may mắn là đã có thời gian đầu tư nghiêm túc cho công việc nên có thể bảo vệ đề tài một cách suôn sẻ và thành công tại hội nghị này.
Tôi vinh dự là người trẻ tuổi nhất và là người có học vị thấp nhất (kỹ sư) được góp mặt tại hội nghị này nếu so với số đông hiện đang là nghiên cứu sinh cao học hoặc các giáo sư, tiến sĩ công tác trong lĩnh vực kỹ thuật.
Một điều bất ngờ hơn là tôi được gặp một người chị là cựu sinh viên Khoa Kỹ thuật Hóa học K07 – Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, hiện đang là nghiên cứu sinh thạc sỹ tại Trường ĐH Gachon (Hàn Quốc), cũng góp mặt trong Poster Section ở hội nghị này. Trong một hội nghị khoa học lớn, việc tìm thấy một đồng hương nơi xứ người quả là một niềm vui. Qua trao đổi với chị về kinh nghiệm học tập cũng như việc xin các học bổng, các quỹ nghiên cứu từ trường đại học tại Hàn Quốc, tôi được học hỏi thêm rất nhiều thông tin hữu ích, phục vụ cho giấc mơ học cao học của mình về sau.
Nguyễn Vĩnh Khương (trái) vui mừng hội ngộ đồng hương tại hội nghị.
Một điểm thú vị khác của hội nghị chính là sự kết hợp của ban tổ chức hội nghị với Hong Kong Tourism Board. Thông qua sự kết hợp này, các nhà khoa học tham gia tại hội nghị có cơ hội khám phá đặc khu Hương Cảng với rất nhiều ưu đãi như: giảm giá phòng khách sạn lưu trú, giảm giá tham quan Disney Land Hong Kong, giảm giá tham qua Ocean Park hay miễn phí tham quan Bảo tàng Lịch sử Hong Kong.
Trong những ngày cuối năm, lượng khách du lịch vào Hong Kong là tương đối lớn, việc đi tham quan các địa điểm du lịch ở đặc khu này đương nhiên không tránh khỏi phải xếp hàng theo thứ tự. Điều tôi học được từ các bạn nước ngoài, dù họ là người Âu hay người Á, là da trắng hay da vàng, tất cả đều tuân thủ nguyên tắc xếp hàng, không chen lấn, không xô đẩy và càng không có tình trạng lợi dụng móc túi hoặc cướp bóc.
Với ưu đãi từ Hong Kong Tourism Board dành cho các ứng viên đã tham dự hội nghị, khi tham quan Bảo tàng Lịch sử Hong Kong, các ứng viên chỉ việc xuất trình vé mời, họ sẽ không phải xếp hàng chờ đợi mà sẽ được mời đi lối ưu tiên. Đó là một cách làm du lịch rất hay của hội nghị này, qua đó muốn giới thiệu đến những nhà khoa học từ nước bạn về lịch sử và truyền thống của người dân Trung Hoa nói chung cũng như ở vùng đất Hương Cảng nói riêng.
Ngoài ra, việc trình diễn lân sư rồng, biểu diễn viết thư pháp cầu vồng (rainbow calligraphy), biểu diễn thực hiện các sản phẩm thủ công Trung Hoa (Chinese knotting) hay như đưa các món ẩm thực đặc trưng của vùng đất Hương Cảng nói riêng và Trung Hoa nói chung như Dim Sum, vịt quay Bắc Kinh… vào trong các bữa ăn phục vụ tại hội nghị đã góp phần đem văn hóa Trung Hoa đến gần hơn với du khách nói chung và các nhà khoa học tại hội nghị này nói riêng.
Đó là một điểm mạnh đáng học hỏi của các hội nghị khoa học tại Việt Nam, vì xưa giờ chúng ta chỉ có tổ chức những buổi tiệc mang phong cách Âu, tiệc trà bánh ngọt trong các hội nghị mà quên đến việc đưa quốc hồn quốc túy vào phục vụ trong các bữa ăn của hội nghị.
Hoặc như thông qua việc kết hợp với sở du lịch, công ty du lịch hay các viện bảo tàng, những hội nghị khoa học đó góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam đến với bạn bè quốc tế nhiều hơn nữa, tạo sự thích thú cho những người tham gia, không chỉ vì họ yêu khoa học, họ muốn công bố đề tài nghiên cứu của mình, mà còn là vì họ muốn khám phá những nét đặc trưng làm nên tên tuổi của vùng đất mà họ đặt chân đến tham dự hội nghị.
Tác giả với bức thư pháp cầu vồng đề tên mình – kỷ niệm hội nghị.
Các nhà khoa học tại hội nghị.
LỜI KẾT
Với bước đầu thành công từ hội nghị này, bài viết của tôi ngoài việc được đăng trong kỷ yếu hội nghị (Conference Proceedings) đã có vinh dự được xuất bản trong hai tạp chí khoa học chuyên ngành.
Cụ thể, đề tài “Design and Simulation of a Photovoltaic-Based Energy System for Mobile Device Chargers at Public Place” đã được đăng trên tạp chí International Journal of Electrical and Electronics Engineering Research (Ấn Độ). Và một bài báo khác là sự mở rộng nghiên cứu hơn từ đề tài này – “Design, Simulate and Build a Photovoltaic-based Energy System for Mobile Device Chargers”, đã được đăng trên tạp chí Universal Journal of Electrical and Electronic Engineering (Mỹ). Cả hai bài báo này đều có thể dễ dàng tìm thấy trên hệ thống tìm kiếm học thuật Google Scholar.
Với hành trang từ những bài báo trên, cùng những kinh nghiệm quý báu tình cờ được truyền đạt từ một người chị “đồng môn” mà tôi may mắn gặp gỡ tại hội nghị này, tôi đã có cơ hội nhận được một mức học bổng nghiên cứu sinh toàn phần của Trường ĐH Quốc gia Khoa học và Kỹ thuật Seoul (Seoul National University of Science and Technology), chuyên ngành Wireless – Antenna – Electromagnetics. Đó thực sự là một thành quả đáng mừng cho những nỗ lực của tôi, mở ra cho tôi một cánh cửa mới để theo đuổi giấc mơ của mình.
Thực tế, tôi đã bắt tay vào việc nghiên cứu khoa học khá muộn so với một số bạn cùng trang lứa, đến tận đầu năm thứ tư đại học tôi mới có định hướng thực hiện, nhưng cuộc sống vốn công bằng, nên không có nỗ lực nào là quá muộn cả. Với các bạn sinh viên, nếu các bạn đã có định hướng tốt, thì việc bắt tay thực hiện nghiên cứu khoa học ngay từ năm thứ hai sẽ giúp ích cho các bạn rất nhiều: vừa phát huy được đam mê, vừa hệ thống hóa được kiến thức đã học; và trên tất cả, tạo lợi thế cạnh tranh về sau khi ứng tuyển các học bổng quốc tế.
Thư cam kết hỗ trợ tài chính toàn phần từ giáo sư Jae-Young Chung, Trường ĐH Quốc gia Khoa học và Kỹ thuật Seoul.
Điều quan trọng hơn cả tôi nhận được từ việc nghiên cứu khoa học nói chung và từ việc tham gia hội nghị khoa học ICEECS nói riêng, chính là thái độ, tác phong làm việc và kinh nghiệm thực hiện một quy trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Đây là thứ quan trọng hơn các bài báo, các học bổng, vì nó là hành trang hữu ích luôn đồng hành cùng tôi trong quá trình làm việc và học tập ở bậc cao hơn, dù đó là lĩnh vực tôi yêu thích (Renewable Energy) hay đó là lĩnh vực trái ngành (Wireless – Antenna – Electromagnetics).
Qua bài viết này, tôi cũng muốn gửi lời tri ân đến thầy Nguyễn Quang Nam (trưởng Bộ môn Thiết bị Điện, Khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM)) – người đã giúp tôi làm chủ kiến thức và đồng hành cùng tôi trong suốt quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học. Cảm ơn cô Đàm Lê Đức cùng tập thể giáo viên và học sinh trường Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng đã giúp đỡ tôi trong việc thực hiện khảo sát phục vụ nghiên cứu khoa học. Cũng xin gửi lòng biết ơn sâu sắc đến cha mẹ – đấng sinh thành đã hết lòng hy sinh và ủng hộ tôi trên con đường tôi đã chọn. Ngoài ra, không thể không nhắc đến nguồn động lực to lớn của tôi hiện đang cách xa nửa vòng trái đất. Cảm ơn em về những ý kiến đóng góp và những hỗ trợ lớn lao về mặt tinh thần, góp phần giúp tôi tạo ra “sự khác biệt” trong tôi ngày hôm nay. Xin được chân thành tri ân và cảm ơn tất cả. |
Bài và ảnh: NGUYỄN VĨNH KHƯƠNG