Tìm việc làm thêm là một trong những vấn đề được nhiều du học sinh quan tâm khi bắt đầu du học. Nhưng tìm việc như thế nào để vừa học tốt vừa có chi phí trang trải sinh hoạt thì cần rất nhiều kinh nghiệm. Sau đây là chia sẻ của một số du học sinh về bí quyết tìm việc làm thêm hiệu quả.
Tìm việc làm thêm là một trong những vấn đề được nhiều du học sinh quan tâm khi bắt đầu du học. Nhưng tìm việc như thế nào để vừa học tốt vừa có chi phí trang trải sinh hoạt thì cần rất nhiều kinh nghiệm. Sau đây là chia sẻ của một số du học sinh về bí quyết tìm việc làm thêm hiệu quả.
1. XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH
Mai Hạnh, cựu du học sinh tại Đại Học Victoria – New Zealand cho rằng việc đầu tiên cần xác định là mục đích của việc làm thêm như thế nào. Có bạn đi làm để kiếm tiền nhưng cũng có bạn đi làm chủ yếu để rèn luyện tiếng Anh. Kinh nghiệm của Hạnh là nên tạo nhiều mối quan hệ để mọi người giới thiệu và bảo lãnh cho làm việc. Hai là chuẩn bị sẵn hồ sơ xin việc, cứ đi đến những nơi nhiều quán xá, tụ điểm, chỗ nào có ghi staff wanted (tuyển nhân viên)mà thấy hợp thì vào nộp đơn chờ phản hồi. Hoặc cá biệt, nếu lanh lẹ, tự tin thì không cần thấy treo biển cần người, cứ vào nói: “Hi, I’m looking for job!”.
Q.Trân, du học sinh tại Úc, cho biết ban đầu khi mới qua Úc chưa có kinh nghiệm nên xin việc tại những nơi của người Việt. Những nơi này đều nhận nhưng lương sẽ thấp. Những nơi làm thêm của người Úc trả 18 AUD/giờ thì những chỗ này chỉ trả khoảng 15 AUD/giờ. Sau một thời gian, khi có kinh nghiệm và có vốn tiếng Anh khá hơn, Trân mới xin việc tại những quán ăn của người Úc. Tại tiệm bán bánh đang làm, Trân được trả đến 25 AUD/giờ cho cuối tuần. Làm cho chủ người nước ngoài lương khá hơn nhiều, nhưng đòi hỏi công việc rất khắt khe. Nếu làm không tốt là bị cho nghỉ việc.
Ngọc Hiệp, Hoa khôi du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản năm 2017, cho biết khi quyết định rời xa gia đình để thực hiện ước mơ, du học sinh dù ở đâu bước đầu đều gặp phải những khó khăn nhất định. Riêng Nhật bản, một đất nước nổi tiếng với vật giá, chi phí sinh hoạt cao thì ngoài việc học, cũng cần phải tìm cho mình một công việc làm thêm để đảm bảo cho sinh hoạt bản thân. Khi mới đến Nhật, ngôn ngữ và kinh nghiệm là rào cản của phần lớn du học sinh khi đi xin việc. Những công việc thường được lựa chọn là phục vụ nhà hàng, quán ăn, phụ bếp, làm trong các xưởng, làm cơm hộp , nhà máy… Các anh chị và bạn bè đi trước (tiếng Nhật gọi là senpai) cũng giúp đỡ các bạn mới sang (kouhai) rất nhiệt tình, giới thiệu công việc phù hợp, thủ tục giấy tờ cần thiết… Vì người Nhật rất coi trọng chữ tín nên nếu được một senpai có uy tín (siêng năng, chăm chỉ,…) giới thiệu thì sẽ được nhận ngay vào làm. Ngoài ra, đa số các trường cũng sẽ giới thiệu việc nếu sinh viên có yêu cầu giúp đỡ.
2. TRÁNH LÀM “CHUI”
Mỗi nước có một quy định riêng dành cho việc làm thêm của du học sinh. Nhiều nước, quản lý du học sinh làm thêm ngoài trường vẫn không quá khắt khe. Tuy nhiên, ở Mỹ, làm “chui” là điều không nên vi phạm vì đã có nhiều trường hợp bị phạt nặng hoặc trục xuất về nước vì vi phạm quy định này.
Ngọc Hiệp cũng lưu ý một điều quan trọng là việc tuân thủ luật pháp Nhật trong quy định thời gian và công việc làm thêm của du học sinh. Luật pháp Nhật quy định du học sinh chỉ được làm thêm 28 tiếng/tuần để đảm bảo thời gian học tập được tốt nhất. “Theo mình, đi làm thêm thì quan trọng là ở bản thân có nỗ lực phấn đấu hay không. Dù phải trải qua cuộc sống khắc khổ nhưng trái mình hái sẽ là trái ngọt!”, Ngọc Hiệp cho biết.
N.Quỳnh, du học sinh Mỹ, cũng cho biết muốn tồn tại thì phải tôn trọng luật lệ. Ở Mỹ không cấm làm thêm, miễn là đúng quy định. Làm chui thì lương thấp và cực, không còn sức học. Nếu muốn định cư thì dù kết hôn chăng nữa, tương lai cũng chỉ là tầng lớp lao động chân tay, càng lớn tuổi càng thấm thía mình đã phí hoài tuổi trẻ như thế nào.
Du học sinh ở Nhật có thể tìm đến trung tâm hỗ trợ việc làm tại đại học đang theo học để được hỗ trợ giới thiệu việc làm hợp pháp. Ảnh: javina
ĐỂ Ở LẠI LÀM THÊM SAU KHI HỌC
Theo ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa – giáo dục Việt Nam tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 2.000 – 2.500 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp tại các trường ÐH của Mỹ nhưng chỉ có khoảng 100 sinh viên trong số này có việc làm tại Mỹ. Lý do chính là không có kinh nghiệm làm việc. Nhiều sinh viên đạt điểm cao hoặc tốt nghiệp từ trường tốp 25 nhưng cũng phải về nước.
Có một số hướng làm thêm tốt nhất là cần tìm việc ở trường, dù bất cứ việc gì hoặc mức lương thế nào, mục đích là để có số An sinh xã hội (Social Security), giúp sinh viên có thể đổi việc làm ở trường hoặc làm bên ngoài hợp pháp. Có thể ở lại Mỹ làm việc trong hè. Nếu được, nên xin làm thực tập 7 tháng vì có đến 75% sinh viên thực tập tại công ty có việc sau khi tốt nghiệp ÐH. Sau khi tốt nghiệp ÐH, nên đăng ký làm việc theo chương trình OTP (Optional Practical Training) từ 12 – 24 tháng tùy theo ngành và bằng cấp. Nếu làm việc tốt trong thời gian OTP thì công ty sẽ bảo lãnh thị thực H-1B cho sinh viên (giấy phép làm việc tại Mỹ cho chuyên gia làm việc chuyên môn). Người có thị thực này có thể làm việc 3 năm, sau đó có thể gia hạn và sau 6 năm được phép nộp đơn xin thẻ xanh. |
theo Thanh Niên.