Tư vấn tuyển sinh: (028) 7300.4183/ 7301.4183 – 03.9798.9798 tuvan@oisp.edu.vn
Select Page

Lời khuyên cho SV năm 1 từ các cựu SV

Năm 1 ĐH là một khởi đầu mới nhưng cũng nhiều bối rối, hoài nghi. Để giúp bạn có một định hướng tốt hơn, hãy tham khảo những kinh nghiệm hữu ích từ các “bậc tiền bối” nhé!

Năm 1 ĐH là một khởi đầu mới nhưng cũng nhiều bối rối, hoài nghi. Để giúp bạn có một định hướng tốt hơn, hãy tham khảo những kinh nghiệm hữu ích từ các “bậc tiền bối” nhé!

► 10 cuốn sách dành cho sinh viên năm 1

CỞI MỞ BẢN THÂN

– Nếu trở lại năm 1, tôi mong mình sẽ không giữ khư khư mớ suy nghĩ rằng, tôi cần phải biết tất thảy mọi thứ! Tôi từng quá ám ảnh với suy nghĩ là, tôi cần biết tất cả về chuyên ngành của mình, phải biết mọi ngõ ngách của khu ký túc xác, phải tham gia vào các hoạt động xã hội năng nổ, thậm chí là phải biết cách giặt ủi đồ dùng cá nhân nữa. Nhưng đôi khi, quá trình học những thứ ấy một cách tự nhiên và không vồ vập, lại cho bạn rất nhiều điều hay. Để có một năm 1 thành công, hãy sẵn sàng học hỏi khi gặp những điều mới.

– Ngày đầu tiên ở trường ĐH là một chuỗi dài những căng thẳng và tôi còn nhớ rõ là mình ngồi xuống cái ghế đầu tiên đập vào mắt, trước những cái nhìn (mà tôi tưởng) là trông chằm chằm vào mình. Nhưng tôi chợt nhận là, chẳng ai quan tâm cả. Vì chẳng ai biết tôi nên tôi ít bị đối mặt với thứ mà luôn gây ra nỗi sợ hãi ghê gớm – sự đánh giá. Tôi thúc đẩy bản thân vào những tình huống thách thức khiến tôi ra khỏi vùng thoải mái của bản thân. Hãy thử thách bản thân với những điều mới, những điều mà bạn nghĩ rằng mình sẽ không thể làm được ở trường trung học.

Loi khuyen cho tan SV tu cuu SV 01

Hãy thử thách bản thân với những điều mới.

 

HỌC HÀNH, LÀM VIỆC NGHIÊM CHỈNH

Đến lớp và học hành tử tế đi! Nghiêm túc đấy, trừ khi bạn quá mệt mỏi, nếu không hãy đi ngay và luôn!

– Đừng lo nếu bạn cảm thấy những môn học quá khó để tự xoay xở, sự trợ giúp luôn có thể tìm kiếm được trong và ngoài giảng đường. Bạn có thể tìm trợ giúp từ các giảng viên, trợ giảng (TA), họ sẽ trên cả nhiệt tình khi giúp đỡ bạn trong giờ hành chính miễn là bạn nhờ hỏi một cách lịch thiệp và nhã nhặn. Nếu không thấy có hiệu quả, có thể bạn nên thử những trang giáo dục trực tiếp trên YouTube trên xem sao!

HIỂU VỀ HỆ THỐNG CỦA TRƯỜNG MÌNH THEO HỌC

– Đừng mong đợi là Phòng Đào tạo hay Phòng Công tác chính trị SV sẽ dành sự quan tâm đặc biệt với bạn. Hãy sẵn sàng tự thân “chiến đấu” tới cùng để có được những gì bạn cần, từ việc đăng ký khóa học, cải thiện điểm, xin giấy giới thiệu của giảng viên… Bên cạnh đó, các giảng viên và trợ giảng chính là những “đồng minh” tuyệt vời và hữu ích nhất nếu bạn biết cách tạo quan hệ với họ. Họ sẽ giúp bạn vượt qua đống thủ tục lằng nhằng để tập trung hơn vào công việc chính của bạn ở giảng đường, học và học.

Tại ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), SV đạt điểm rèn luyện dưới 75 (trên tổng 100 điểm) sẽ bị đình chỉ học tập học kỳ kế tiếp.

Đến sớm trước khi lớp học bắt đầu. Có một luật bất thành văn là chỗ bạn ngồi tuần đầu tiên sẽ là chỗ của bạn trong cả năm học. Hãy luôn tận dụng những cơ hội sẵn có.

LÀ CHÍNH MÌNH

Đừng bao giờ so sánh mình với người khác. Thật dễ dàng để chúng ta, SV năm 1, cảm thấy lạc lõng, nhất là khi nói đến môn học và điểm số. Hãy luôn nhớ rằng mỗi người đều được thiên phú cho những tài năng đặc biệt, và bạn có hẳn bốn năm để tìm kiếm và khai thác tài năng của mình.

– Tôi vẫn đang vật lộn với những cảm xúc về sự chênh lệch xã hội khi tôi đến từ một gia đình thu nhập thấp và bố mẹ tôi đều không có bằng ĐH. Bạn sẽ bực bội khi ai đó gợi ý bạn mua một món đồ mới thay cho những thứ cũ bạn đang dùng, dù bạn biết là họ chỉ vô tình và không có ý gì; bạn có thể hơi buồn khi ai đó hỏi về bố mẹ bạn, về anh em bạn bè bạn học ở đâu, đôi lúc bạn cảm thấy mình không thuộc về trường ĐH. Hãy rộng lòng hơn với chính mình và tự tin hơn về bản thân. Hãy cất tiếng nói, để mọi người hiểu về chuyện cuộc sống của bạn, cuộc sống mà có thể nhiều người bạn học của bạn chưa từng biết tới.

– Trong suốt những năm trung học, tôi đã bị mọi người cười chê và bắt nạt. Để tránh tình huống lại tiếp diễn ở ĐH, tôi sống khép kín và chui mình vào một “vỏ bọc” tự tạo, vì quá sợ cảm giác bị từ chối. Tôi đã mất tới hẳn một kỳ học để nhận ra điều này thật sai lầm. Và tôi không hề đơn độc, hầu như tất cả chúng ta đều sợ cảm giác bị từ chối. Hãy từ bỏ sự rụt rè và những định kiến có trước về những người bạn đáng yêu xung quanh chúng ta, rồi bạn sẽ thấy việc mở lòng với mọi người sẽ chẳng mấy khó khăn. ĐH cho bạn một môi trường tuyệt vời để nuôi dưỡng sự sáng tạo và tình bạn. Đừng cố gắng để chứng tỏ là những người hoài nghi về bạn đã sai, hãy tập trung vào việc cải thiện bản thân mình.

Hãy rộng lòng hơn với chính mình và tự tin hơn về bản thân.

 

QUAN TÂM ĐẾN BẢN THÂN

Hãy tưởng tượng thời SV giống như khi bạn đang phê thuốc đi – bạn sẽ có một khái niệm rất mơ hồ về những gì xung quanh mình và một lúc nào đó bạn sẽ cảm thấy mất phương hướng, bạn quên mất mình là ai, mình đang đi về đâu. Đừng bao giờ mắc phải những lỗi trên. Nó sẽ làm bạn phung phí hàng năm trời của cuộc đời đấy. (Tất nhiên tôi không khuyến khích những ai chưa từng phê thuốc cố thử cảm giác phê thuốc đâu đấy ;-))

Đôi khi bạn phải cho mình một ngày xả hơi. Bỏ một buổi học, cho mình một giấc ngủ dài, đọc một cuốn sách yêu thích, nổi loạn một chút. ĐH là thời điểm cuối cùng mà bạn có thể dành một ngày để gạt phăng tất cả trách nhiệm chỉ để làm những gì mình thích. Hãy thử đi, nhưng đừng làm điều đó quá thường xuyên.

– Một số SV năm 1, có thể bao gồm cả bạn nữa, sẽ gặp phải những thời điểm khó khăn ở ĐH. Có thể bạn gặp thất bại đầu đời hay phải đối mặt với những chuyện buồn, bi kịch của gia đình hay bạn bè. Hãy biết rằng bạn không hề đơn độc và con đường tới ngày tốt nghiệp không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Tốt hơn hết hãy dành thời gian bạn cần để lấy lại cân bằng hơn là việc tự thúc ép bản thân đến bờ vực khi cố gắng đương đầu với vấn đề. Tôi đã xin nghỉ một học kỳ để vượt qua một chuyện buồn – một người bạn thân thiết của tôi mất, và sau đó tôi trở lại giảng đường vững vàng hơn. Tôi biết là không nên cổ xúy cho điều này, nhưng tôi không chắc mình đã trở thành người như thế nào nếu tôi không xin nghỉ kỳ học năm đó.

Bước vào ĐH, chúng ta bỏ lại đằng sau những gì quen thuộc với bản thân: môi trường thân thuộc, gia đình, bạn bè, thầy cô… Sự độc lập đến một cách bất ngờ khiến chúng ta có xu hướng tìm kiếm những nhóm người bạn mới ngay tắp lự – những người bạn chúng ta chưa hiểu rõ lắm và có nguy cơ tan rã vào những tuần hoặc tháng tới. Tôi nghĩ, đúng là các bạn nên làm quen với nhiều người, nhưng cần hiểu họ rõ hơn và gây dựng tình bạn mới một cách từ từ, tự nhiên và vững bền.

MỘT SỐ LỜI KHUYÊN HỮU ÍCH ĐÃ GIÚP TÔI RẤT NHIỀU VÀO HAI NĂM TRƯỚC

1. Cảm thấy quá mệt mỏi và kiệt sức để giải lao là một dấu hiệu cho thấy bạn cần nghỉ ngơi ngay.

2. Cố định một khung trong thời gian biểu để gọi cho những người bạn yêu thương.

3. Ngủ đủ giấc là điều rất quan trọng.

4. Rất khó để tập trung trên lớp nếu bạn “ghi lại bài giảng” bằng laptop.

5. Nếu bạn ở ký túc xá, hãy thẳng thắn trao đổi với bạn cùng phòng về một số quy tắc và lối sống của các bạn vào ngay tuần đầu. Điều này sẽ trở nên khá hữu ích khi có vấn đề phát sinh.

 

ĐỪNG ĐỂ BỊ “MẮC KẸT” VỚI MỘT KẾ HOẠCH HOÀN HẢO

Loi khuyen cho tan SV tu cuu SV 04

Làm cách nào để sống sót sau năm 1 ĐH?

– Nếu tự tin và quyết đoán, bạn hẳn đã có ý định về những việc mình sẽ làm trong cả cuộc đời này. Ở tuổi 18, tôi gắn tương lai mình với ngành y, với hy vọng trở thành một nhà thần kinh học. Tuy nhiên, khi tham dự một buổi hội thảo cho SV năm 1, tôi nhận thấy năng lực và sở thích của tôi phù hợp với nghiên cứu tôn giáo và môn tiếng Tây Ban Nha. Đầu tiên, tôi khá ngần ngại khi theo đuổi những ngành này bởi nó chẳng liên quan gì tới định hướng tôi đã vẽ lên trước kia. Nhưng theo thời gian, tôi học được rằng, sở thích và thành công liên quan khá chặt chẽ với nhau – làm những điều mình thích và bạn sẽ thành công với những điều bạn làm. Đừng ngần ngại khi tham gia những lớp học mà có thể làm lung lay những niềm tin mơ hồ. Một khóa học ngắn hạn nhưng biết đâu lại là một nhân tố thay đổi cuộc đời bạn.

– Cố gắng đặt một kế hoạch hoàn hảo cho bốn năm ĐH nhiều lúc khá là vô ích, bởi cuộc sống chẳng bao giờ đi đúng theo những dự định cả. Tìm cách thay đổi nếu bạn thấy rằng tháng ngày ĐH đang ngày trở nên tẻ nhạt, vô vị. Đừng bị “giữ chân” trong một môi trường chẳng hề phù hợp với bạn chỉ vì sức ép, quan điểm hay sự đánh giá của người khác. Sự thay đổi có thể khó khăn lúc đầu, nhưng sẽ rất đáng về sau.

Trạm Đọc (Read Station) biên dịch từ New York Times
Ảnh: Google Image

Bài trước

Bài tiếp