Một tuần “gõ cửa” tri thức mới – Sự tương phản lạ lùng

Kim-Hoang-giao-luu-van-hoa-TUT 01Phố xá hiện đại, sạch sẽ, mạng lưới giao thông chằng chịt, nằm xen lẫn hài hòa với những dãy núi xanh ngút ngàn, cũng những dãy nhà truyền thống nho nhỏ. Ấn tượng ban đầu về nước Nhật của Trịnh Trần Mai Kim Hoàng là một sự tương phản lạ lùng như thế. Sau một tuần giao lưu văn hóa tại xứ sở mặt trời, cô sinh viên K12 ngành Xây dựng có điểm GPA cao nhất ĐH Bách Khoa đã kể cho OISP nghe những trải nghiệm thú vị của mình.

MỘT TUẦN GÕ CỬA TRI THỨC MỚI

PHẦN 1: SỰ TƯƠNG PHẢN LẠ LÙNG

Phố xá hiện đại, sạch sẽ, mạng lưới giao thông chằng chịt, nằm xen lẫn hài hòa với những dãy núi xanh ngút ngàn, cũng những dãy nhà truyền thống nho nhỏ. Ấn tượng ban đầu về nước Nhật của Trịnh Trần Mai Kim Hoàng là một sự tương phản lạ lùng như thế. Sau một tuần giao lưu văn hóa tại xứ sở mặt trời, cô sinh viên K12 ngành Xây dựng có điểm GPA cao nhất ĐH Bách Khoa đã kể cho OISP nghe những trải nghiệm thú vị của mình.


Trịnh Trần Mai Kim Hoàng (phải).

TỔNG QUAN

Gấp hết tất cả những bộn bề lo toan cho kỳ thi cuối kỳ sắp tới, trong tâm trạng rộn ràng, phấn khởi, tôi vác ba lô lên vai và bắt đầu hành trình lĩnh hội thế giới. Nói là “thế giới” có vẻ như quá cao siêu, rộng lớn, thế nhưng, tại xứ sở hoa anh đào ấy, lại có vô vàn những cánh cửa mở ra một bầu trời tri thức mới.

Khoan nói tới lĩnh vực học thuật, chỉ cách nhau một eo biển thôi, khi bước chân ra khỏi sân bay, tôi đã thoáng ngỡ ngàng trước không khí nơi đây. Không ồn ào, náo nhiệt như Việt Nam chúng ta, cuộc sống nơi đây hối hả, dồn dập nhưng lại khá là tĩnh lặng.

Sau khi được đại diện trường ra đón, chúng tôi bắt hai chuyến tàu về thành phố Toyohashi. Ngồi trên tàu, phóng tầm mắt nhìn ra xa, tôi giật mình khi thấy phố xá nhà cửa ở đây có nét hao hao giống với những tỉnh thành miền Bắc. Cũng những dãy núi xanh ngút ngàn, cũng những dãy nhà truyền thống nho nhỏ, núp sau các kiểu kiến trúc Tây phương hiện đại. Có khác chăng chỉ là mạng lưới giao thông chằng chịt, hiện đại, rộng rãi nhưng lại vắng bóng người qua lại, có lẽ hôm ấy là Chủ Nhật, mọi người muốn được tận hưởng niềm vui bên gia đình phải chăng? Hành khách trên tàu cũng không ai trò chuyện với nhau, người đọc sách, người nghe nhạc, mọi người chuyên chú, mải mê trong những suy tính của bản thân mà vút qua nhau, nhanh như một cơn gió. Quả là một sự tương phản lạ lùng!

Kim-Hoang-giao-luu-van-hoa-TUT 03

Chỉ tầm một tiếng rưỡi sau, chúng tôi đã xuống ga thành phố Toyohashi. Chỉ là một ga tàu nhỏ thôi nhưng tôi đã hoàn toàn choáng ngợp với sự sầm uất của nó. Không chỉ vươn lên về chiều cao mà còn đào sâu xuống lòng đất, tại đây, mọi mặt hàng đều được bày bán với đủ mọi kiểu dáng, màu sắc sặc sỡ. Tọa lạc trên cao là nhà hàng, cửa hiệu mỹ phẩm, là thế giới manga bạt ngàn vốn đã không còn gì xa lạ với giới trẻ Việt Nam. Bên trong các manga shop, bày biện đủ các poster, postcard, mô hình, game mô phỏng. Không những thế, trước các cửa hàng truyện còn đặt những máy quay trúng thưởng, mỗi lần quay chỉ từ 200-300 yên thôi và sở hữu ngay một mô hình xinh xắn của những nhân vật mà bạn yêu thích rồi đấy.

Đi sâu xuống tầng hầm của nhà ga là những cửa hiệu tiện ích có đủ các vật dụng tiện nghi, cũng như các loại đồ ăn nhanh dành cho giới học sinh, sinh viên, từ các loại mì gói đủ mùi vị, đến những hộp cơm bento nhỏ gọn, xinh xắn.

Không những sản phẩm phong phú, đa dạng về mặt mẫu mã, giá cả phải chăng từ 100 đến 1000 yên, các anh chị nhân viên ở đây rất cởi mở, nhiệt tình, khi khách vào hay rời đi, đều cúi mình chào, một nét văn hóa rất Nhật Bản.

Bên cạnh các cửa tiệm đồ ăn luôn đặt một hàng thùng rác phân loại, loại hữu cơ, loại dành cho lon, đồ hộp để tiện tái sử dụng, và loại dành cho các bao nhựa khó phân hủy. Ai nấy cũng đều rất tuân thủ vì vậy mà đường phố ở đây rất sạch sẽ, khang trang.

BẠN BÈ GẦN XA

Quả xứng với cái tên “giao lưu văn hóa”, “Asia hôm nay và ngày mai”, tại chương trình, chúng tôi đã được làm quen và giao lưu với rất nhiều sinh viên quốc tế trải dài khắp thế giới.

Trong buổi tiệc chào mừng, chúng tôi có cơ hội trò chuyện thỏa thích với các sinh viên đến từ Indonesia, Malaysia, Lào, Mexico, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí còn được quen biết với một học viên tiến sĩ của trường đến từ Naga (châu Phi) nữa.

Cứ ngỡ như sự khác biệt văn hóa, sự ngăn trở địa lý sẽ khiến chúng tôi dè dặt, lúng túng nhưng ngay khi bắt đầu khai tiệc, chúng tôi đã tíu tít bắt chuyện, làm quen với nhau. Các bạn rất nhiệt tình và cởi mở, thật khác xa với tưởng tượng của tôi.

Sau một hồi hỏi thăm quê quán và tên tuổi của nhau, chúng tôi say sưa trao đổi việc học, những dự định cá nhân cũng như mơ ước của bản thân. Thông qua vài lời trao đổi, tôi dường như đã hình dung được cuộc sống sinh viên đầy màu sắc và năng động nơi đây. Một anh “đồng hương” chia sẻ, tuần vừa qua các anh đã tổ chức thành công tuần lễ thể thao Việt Nam nữa đấy.


Trái ngược với du học sinh quốc tế, các bạn sinh viên Nhật có vẻ dè dặt và kín đáo hơn. Thoạt nhìn, bạn có thể hiểu lầm sự im lặng, ít nói của họ như một vẻ xa cách, không hòa đồng. Thật ra, đó là nét văn hóa của người Nhật, họ thiên về lắng nghe và thấu hiểu nhiều hơn. Một yếu tố quan trọng nữa là Nhật Bản vốn đã là một cường quốc công nghiệp. Sự phát triển  vượt bậc của họ đủ để tự cung, tự cấp cho nền kinh tế nội địa lẫn xuất khẩu. Thậm chí hiện nay, xu hướng du học Nhật và sự phổ biến của Nhật ngữ ngày càng thời thượng nên ngoại ngữ (đặc biệt) là tiếng Anh, không được đặt nặng như ở các quốc gia khác. Nếu như các bạn du học sinh khác có thể biết và học thêm nhiều thứ tiếng khác (Anh, Nhật, Hoa) thì sinh viên Nhật thường chỉ biết một chút Tiếng Anh cơ bản. Vì vậy mà đối với người Nhật thậm chí là tầng lớp trí thức, giao tiếp bằng tiếng Anh là rất hạn chế và khó khăn. Bởi lẽ thế nên khi giao tiếp với các bạn sinh viên Nhật, tôi cố gắng nói thật chậm, rõ từng chữ và diễn tả thêm bằng cử chỉ, hành động. Sau sự ngỡ ngàng, bối rối ban đầu, các bạn cũng đã nhập cuộc và chung vui với chúng tôi. Những ngày sau đó, chính các bạn đã hướng dẫn chúng tôi trong các chuyến tham quan của trường cũng như những cuộc vui ngoài chương trình như mua sắm, ăn uống và ngắm cảnh.

Đoàn Việt Nam chúng tôi, được Hori-san và Fistyan, sinh viên và nghiên cứu sinh ngành điện tử của trường, dẫn đi chơi chung với đoàn sinh viên Trung Quốc. Chúng tôi cùng nhau thưởng thức một bữa ăn truyền thống của Nhật với canh miso và sashimi tươi sống trong một nhà hàng ven đường phố Nagoya. Sau đó, chúng tôi chia nhau ra đi chụp hình, mua quà lưu niệm và ngắm cảnh.

Khác với đoàn Việt Nam chúng tôi luôn đi chung và hỗ trợ lẫn nhau, các đoàn khác luôn có xu hướng “chia để trị”. Họ nếu không đi riêng rẽ thì sẽ bắt cặp, hay chơi chung cùng một nhóm nhỏ với nhau. Vì vậy mà đoàn chúng tôi đã suýt để “lạc” mất một anh bạn Trung Quốc, chúng tôi đã phải chạy đôn đáo khắp nơi để tìm kiếm, rất may bạn ấy đã bắt kịp chuyến tàu cuối để về tới khách sạn. Thật là một trải nghiệm “khiếp vía” khó quên, các bạn nhỉ.

 

Kim-Hoang-giao-luu-van-hoa-TUT 01

 

ẨM THỰC

Nói đến ẩm thực Nhật Bản phải kể đến Sushi bar và mì Ramen nổi tiếng. Ngay trưa đầu tiên, sau khi làm thủ tục nhận phòng khách sạn, chúng tôi được giáo viên hướng dẫn của trường, thầy Daimon giới thiệu một quán mì truyền thống. Tại đó chúng tôi đã được thưởng thức món Ramen Miso với những sợi mì dai mềm, và nước sốt thơm ngon, béo ngậy.

Nếu như ở Việt Nam, các nhà hàng Sushi được cho là xa xỉ, thì ở Nhật lại hoàn toàn ngược lại. vào mỗi buổi tối, các Sushi bar lại tấp nập khách qua lại. Với hệ thống tự chọn và gọi món tại chỗ qua các thiết bị điện tử, rất nhanh sau đó, bạn sẽ được tận hưởng thiên đường của các loại Sushi, sushi cá hồi, cá ngừ, trứng cuộn, bạch tuộc…

Có hai loại sushi cơ bản là sushi sống và sushi chín. Theo thói quen của người Việt chúng ta, các loại thức ăn nên được nấu chín kỹ thì mới thơm ngon và an toàn. Tuy nhiên, nếu bạn đã nếm thử qua sushi sống, bạn sẽ phải thay đổi quan niệm đấy. Vừa cho vào miệng, miếng cá được cắt lát mỏng đã như tan ra, vị ngọt tràn khắp khoang miệng cùng với vị cay cay nồng nồng của mù tạc.

Các đĩa sushi sẽ được đưa lên vòng quay liên tục cho khách hàng tự nhiên lựa chọn, và khi thanh toán, ngạc nhiên thay, người chủ nhà hàng lại tính theo chiều cao của chồng đĩa ăn. Thông thường thì một đĩa sushi có giá 100 yên, chỉ cần 1000-2000 yên thôi là bạn đã có thể thỏa sức thưởng thức hết “mỹ vị nhân gian” rồi đấy!


Kim-Hoang-giao-luu-van-hoa-TUT 02

Học bổng Giao lưu sinh viên quốc tế (diễn ra từ ngày 26/10 đến 1/11/2014) của ĐH Công nghệ Toyohashi (Toyohashi University of Technology), Nhật Bản được cấp cho sinh viên các trường đại học kỹ thuật thuộc khu vực châu Á có thành học tập và hoạt động Đoàn hội xuất sắc. ĐH Bách Khoa TP.HCM có bốn sinh viên chương trình Liên kết Quốc tế và Tiên tiến nhận được học bổng này, gồm:

1. Trịnh Trần Mai Kim Hoàng, SV K12 Xây dựng (chương trình Liên kết Quốc tế với ĐH Griffith, Úc), điểm GPA 9.86

2. Trần Hồng Ân, SV K12 Điện – Điện tử (chương trình Tiên tiến, ĐH Bách Khoa TP.HCM), điểm GPA 8.16

3. Lê Khánh Nhân, SV K12 Quản trị Kinh doanh (chương trình Liên kết Quốc tế với ĐH Illinois Springfield, Mỹ), điểm GPA 8.86

4. Võ Thế Nguyên, SV K13 Điện – Điện tử (chương trình Tiên tiến, ĐH Bách Khoa TP.HCM), điểm GPA 8.26

                            (Từ trái qua): Lê Khánh Nhân, Trịnh Trần Mai Kim Hoàng, Võ Thế Nguyên, Trần Hồng Ân.

 

Tự sự của TRỊNH TRẦN MAI KIM HOÀNG

Sinh viên K12 Xây dựng (chương trình Liên kết Quốc tế với ĐH Griffith, Úc)

(còn tiếp)

Bài trước

Bài tiếp