Những bài học “đầu đời” cho tân sinh viên trước ngưỡng cửa đại học

Chuẩn bị bước vào một năm học mới, tân sinh viên chắc chắn sẽ còn khá nhiều bối rối và lo lắng trước giảng đường đại học. Để giúp các bạn có được định hướng tốt trong môi trường mới, hãy cùng Ad tham khảo những bài học vỡ lòng được đúc kết từ đàn anh chị đi trước như thế nào.

1. Làm quen “bệnh” nhớ nhà

Không phải bạn nào cũng may mắn học trường gần nhà, phần lớn tân sinh viên phải khăn gói lên thành phố để học. Nhất là những ngày đầu rời xa quê hương, xa gia đình và bắt đầu cuộc sống tự lập, không ít bạn cảm thấy lạc lõng và nhớ nhà.
Ngay cả với những bạn mong muốn được sống tự lập cũng sẽ có phút giây chạnh lòng khi không được ba mẹ gọi dậy đi học, không có anh chị em bên cạnh chia sẻ lúc cần, xa mấy đứa bạn đồng môn… Nhưng trong thời đại công nghệ hiện đại, mỗi khi bạn thấy nhớ nhà thì a-lô ngay cho người thương nhớ nhé.


2. Học nấu ăn và tự chăm sóc bản thân

Thật ra thì giai đoạn đầu bạn sẽ thấy cơm hộp ngon ơi là ngon, nhưng rồi bạn cũng sẽ sớm nhận ra không gì ngon bằng cơm nhà cho mà xem. Vì vậy, hành trang trước khi xa mẹ là bạn hãy tranh thủ lận lưng vài món tủ, dễ nấu để có thể tự phục vụ mình.
Bạn có biết sinh viên còn có biệt danh “cú đêm”?. Nhiều khi chạy deadline gấp, bạn phải thức trắng đêm hoặc không có ba mẹ bên cạnh nhắc nhở thì thỏa thích thức khuya tán ngẫu chẳng hạn. Điều này sẽ dẫn đến cơ thể của bạn mệt mỏi và ảnh hưỏng sức khỏe và học tập. Bạn nên tuân thủ đồng hồ sinh học của cơ thể, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, tập luyện thể thao để duy trì được sức khỏe tốt.


3. Biết tiết kiệm và chi tiêu hợp lý

Với các bạn sinh viên xa nhà, việc biết quản lý chi tiêu sẽ giúp gánh đỡ cho gia đình phần nào về kinh tế cũng như giảm bớt lo lắng về tiền bạc. Bạn nên có kế hoạch mua sắm hoặc danh sách các thiết bị, vật dụng thật cần thiết trước khi mua để tránh việc lãng phí hoặc không dùng đến.
Có nhiều cách giúp bạn tiết kiệm chi phí như: thuê nhà trọ chung để giảm tiền nhà, tự nấu ăn thay vì ăn bên ngoài, hạn chế mua đồ chưa cần dùng đến và bạn còn tiết kiệm được một khoản tiền học phí khi “nói không” với học lại, thi lại nữa đấy.

Tiết kiệm giúp bạn chia sẻ gánh nặng kinh tế cho gia đình – Hình: Freepik

4. Quản lý thời gian và kế hoạch học tập

Khác với cách học ở phổ thông, sinh viên khi bước vào giảng đường đại học sẽ ở tâm thế học chủ động hơn, nhiều bài tập lớn, tiểu luận, bài tập nhóm… Do đó, bạn cần phải có cuốn sổ tay hay ứng dụng đế ghi chú, nhắc nhở thời hạn nộp bài đúng hạn cũng như sắp xếp một kế hoạch, mục tiêu học tập rõ ràng ngay từ đầu.
Ngoài ra, tân sinh viên cần biết phân bổ thời gian học trên lớp và thời gian tự học, tự nghiên cứu ở nhà. Dựa vào kế hoạch học tập, bạn có thể ước lượng được thời gian phải bỏ ra cho hoạt động này một cách cụ thể, chính xác để tránh tiêu phí thời gian hoặc phải chạy deadline đến giờ chót.


5. Tạo kết nối với giảng viên, bạn bè mới

Những tuần học đầu tiên là thời gian tốt để bạn làm quen với các bạn mới. Nếu bạn học nhiều lớp khác nhau, hãy làm quen với ít nhất một người bạn trong mỗi nhóm, đây chính là cơ hội giúp bạn mở rộng kết nối bạn bè. Có được những người bạn ăn ý, cùng giúp đỡ nhau học tập trong môi trường mới thì còn gì bằng.

Sinh viên mạnh dạn trao đổi cùng giảng viên khi gặp khó khăn trong học tập – Hình: OISP

Bên cạnh bạn bè, sinh viên đừng quên kết nối với các giảng viên của mình. Ngay khi gặp khó khăn trong quá trình học tập, bạn hãy mạnh dạn liên hệ giảng viên.Tthầy cô luôn sẵn sàng dành thời gian hỗ trợ cho bạn, vậy nên hãy tận dụng triệt để nguồn “tài nguyên” quý giá này nhé.

6. Tận dụng tối đa các phương tiện học tập ở trường

Trường Đại học Bách khoa có khá nhiều phòng học tiện nghi, thư viện với nhiều đầu sách phong phú, phòng thí nghiệm hiện đại, nguồn tài liệu miễn phí… Do vậy, bạn hãy tranh thủ tận dụng hết mọi lợi thế này để học tập hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tạo các nhóm học tập để cùng giúp nhau tiến bộ.

7. Tham gia các hoạt động xã hội

Một trong những giải pháp tốt giúp bạn bớt lạc lõng và mất phương hướng khi vào đại học là tích cực tham gia vào các tổ chức đoàn hội, câu lạc bộ, đội tuyển,… Ở đây, bạn sẽ có thêm nhiều bạn mới, học hỏi thêm kỹ năng mới và cảm thấy gắn bó với ngôi trường của mình hơn. Đây cũng là cách giúp bạn cân bằng giữa thời gian học hành và thời gian thư giãn, giúp bạn tái tạo lại năng lượng để học tập hiệu quả hơn.

Tại Bách khoa cũng có những trận cầu hấp dẫn không kém trong giải đấu BK League 2021 – Hình: OISP


Chúc các tân sinh viên K2021 có những trải nghiệm học tập thật thú vị tại Bách khoa.

Bài: LINH LÊ

Bài trước

Bài tiếp