Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

 Sinh viên Bách khoa quốc tế tỏa sáng tại đấu trường An toàn thông tin châu Á

Tự hào mang màu cờ sắc áo Việt Nam và đại diện Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) tại Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2024, 7/8 thành viên đến từ Bách khoa Quốc tế đã thi đấu xuất sắc ở cả hai bảng. 

Đội Hanni Fanclub không chỉ đoạt giải Ba bảng A mà còn gây ấn tượng mạnh khi dẫn đầu vòng Sơ khảo với 250 đội tham dự. Song song đó, đội PwnlyFans cũng đã xuất sắc giành giải Nhì bảng B. Hãy cùng nghía qua profile và lắng nghe chia sẻ của bạn Lê Hồng Minh và Phạm Hồng Nam – thủ lĩnh của hai đội thi về bí quyết ‘học giỏi, chơi giỏi’ nhé.

Thủ lĩnh là phải biết ‘chăm sóc tinh thần’ các thành viên

Phạm Nguyễn Nam (đứng thứ 2 từ trái sang)

🔸Phó Chủ nhiệm CLB ATTT (BKISC)

🔸Là một trong 05 sinh viên xuất sắc được VNSEC Foundation tài trợ 100% chi phí tham gia Global Cybersecurity Camp 2024 tại Thái Lan.

Với vai trò Trưởng nhóm Pwnlyfans tại cuộc thi “Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2024”, Phạm Nguyễn Nam (sinh viên K2021, ngành Khoa học Máy tính, chương trình Định hướng Nhật Bản) đã dẫn dắt đội nhà xuất sắc giành giải Nhì bảng B chung cuộc.

Mặc dù đội đã có sự chuẩn bị tốt về chuyên môn và tâm lý thi đấu, nhưng vẫn phải đối mặt với một số thử thách khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp linh hoạt và hỗ trợ lẫn nhau, nhóm của Nam đã vượt qua và hoàn thành mục tiêu đề ra. Các bạn đã thay đổi kế hoạch sắp xếp đội hình ra quân để phù hợp hơn với yêu cầu theo từng bảng đấu, qua đó dễ dàng tiếp cận hơn với hình thức thi đấu và đạt được thành tích cao.

“Đối với các bạn sinh viên OISP như mình, ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt chuyên môn, các kỹ năng mềm cùng với lợi thế về mặt giao tiếp ngoại ngữ tốt sẽ giúp chúng mình dễ dàng trao đổi, học tập cùng các “đồng môn” khác trong lĩnh vực ATTT, đây sẽ là nền tảng để chúng mình có cơ hội gia nhập các đội tuyển quốc tế để thi đấu, học tập kinh nghiệm ở một môi trường tốt hơn” – Nam chia sẻ.

Nói về kinh nghiệm dẫn dắt đội thi, Nam cho rằng ngoài kỹ năng chuyên môn, người trưởng nhóm cần có tố chất như xây dựng chiến thuật thi đấu hợp lý và “công tác tinh thần” để giữ vững tinh thần của các thành viên, “vì Sinh viên An toàn thông tin hay các cuộc thi về ATTT nói chung sẽ diễn ra liên tục trong một khoảng thời gian khá dài (thường là 8 tiếng nếu Onsite hoặc 2 ngày nếu Online) nên tinh thần thi đấu của các bạn rất quan trọng”.

Phạm Nguyễn Nam (ngoài cùng bên phải) và đội PwnlyFans tại cuộc thi “Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2024”

Vai trò lãnh đạo không chỉ thể hiện ở những cuộc thi quốc tế mà còn trong hoạt động thường ngày của CLB ATTT, nơi Nam giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm. CLB luôn tạo ra môi trường học tập năng động, với nhiều hoạt động đa dạng và các buổi Seminar để giúp các thành viên trau dồi kiến thức chuyên môn, đồng thời tạo cơ hội giao lưu và tìm hiểu thêm về ATTT ngoài việc học tập trên giảng đường. 

“Các hoạt động luôn được chúng mình sắp xếp và tổ chức bài bản, liên tục nên các bạn sinh viên sẽ có cơ hội giao lưu, tìm hiểu thêm về ATTT ngoài việc học ở trường, điều này cũng thúc đẩy các bạn tích cực trau dồi kiến thức, cũng như tạo nguồn động lực giúp các bạn cống hiến hết mình không chỉ ở các cuộc thi của quốc gia như Sinh viên An toàn thông tin, mà cả ở các cuộc thi quốc tế vào mỗi cuối tuần”. 

Trong quá trình hoạt động của CLB, không thể thiếu sự hỗ trợ và định hướng của Khoa. Khoa đã tạo điều kiện để CLB phát triển về mặt chuyên môn, cũng như mở ra những cơ hội tham dự các cuộc thi ATTT lớn nhỏ trong và ngoài nước cho các thành viên, “đặc biệt là thầy Nguyễn An Khương (giảng viên cố vấn của CLB) đã giúp chúng mình rất nhiều trong việc kết nối các bạn sinh viên có niềm đam mê về ATTT của trường với các doanh nghiệp ở lĩnh vực ATTT, điển hình như các buổi seminar (cả nội bộ và công khai) có sự tham dự của các diễn giả đến từ các công ty công nghệ lớn như VNG, Sky Mavis, Techlab, Techchup, … trong thời gian gần đây”

Hiện tại, Nam đang là sinh viên năm cuối ngành Khoa học Máy tính, chương trình Định hướng Nhật Bản tại Đại học Bách Khoa. Sau khi tốt nghiệp, Nam dự định sẽ tiếp tục theo học lên cao về lĩnh vực An toàn thông tin hoặc Khoa học Máy tính tại Nhật Bản.

Vượt qua áp lực để ‘cân gọn’ mọi công việc

Lê Hồng Minh (bên phải trong ảnh)

🔸Chủ nhiệm CLB ATTT (BKISC) – CLB đứng thứ #1 tại Việt Nam, #27 toàn cầu về ATTT theo CTFTime (2024)

🔸Đứng thứ #5 tại Việt Nam, #32 toàn cầu trong bảng xếp hạng người chơi mật mã có tiếng của CryptoHack 

🔸Huy chương Bạc cuộc thi Olympic Mật mã quốc tế NSUCRYPTO 

🔸Tham gia du đấu quốc tế về mật mã tại Hàn Quốc (Hacktheon Sejoing), Mỹ (International Cybersecurity Championship), Ý (Molecon CTF Final) trong năm 2023

🔸Hiện đang là thực tập sinh nghiên cứu tại Sky Mavis – kỳ lân công nghệ của Việt Nam về phát triển game điện tử

Là trưởng nhóm Hanni Fanclub, Lê Hồng Minh (sinh viên K2021, ngành Khoa học Máy tính, chương trình Định hướng Nhật Bản) đã có chiến lược dẫn dắt đội thi rất bài bản. Ở vòng sơ khảo với hình thức Jeopardy quen thuộc, Minh động viên các thành viên cố gắng hết sức để giành vé vào vòng chung kết. Đến vòng chung kết với thể thức Attack-Defence mới mẻ và phức tạp hơn, nhóm đã dành trọn 1 tuần chuẩn bị mọi thứ đến các phương án xử lý tình huống. Hồng Minh cũng là người ghi chép lại toàn bộ công việc chuẩn bị, phân công nhiệm vụ và chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh.

Lê Hồng Minh (ngoài cùng bên trái) và đội Hanni Fanclub trong cuộc thi “Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2024”

Không chỉ là trưởng nhóm xuất sắc, Hồng Minh còn là Chủ tịch CLB An toàn thông tin (BKISC) – CLB hiện đang đứng đầu Việt Nam và xếp thứ 27 toàn cầu theo bảng xếp hạng CTFTime 2024. 

Hành trình với An toàn thông tin của Hồng Minh bắt đầu từ thông báo tuyển quân của CLB BKISC vào năm hai. “Sau khi trải qua các thử thách của cuộc tuyển quân, thì mình cảm thấy khá thích thú với một chuyên ngành trong An toàn thông tin là Mật mã học, phần lớn là vì nó có mối liên hệ nhiều với môn học mình thích hồi cấp 3 là Toán học. Dần dần sau thời gian nghiên cứu và học tập tại câu lạc bộ BKISC, mình quyết định chọn Mật mã học hay An toàn thông tin làm lĩnh vực mà mình sẽ theo đuổi.” Chia sẻ về kế hoạch sắp tới của CLB, trong ngắn hạn, BKISC đang lên kế hoạch tăng cường kết nối với sinh viên trong và ngoài trường thông qua việc tổ chức các buổi workshop về An toàn thông tin và các cuộc thi Capture The Flag. Về dài hạn, CLB định hướng mở rộng mạng lưới kết nối quốc tế thông qua các hoạt động luyện tập và thi đấu với các CLB từ nhiều quốc gia khác nhau.

Hiện tại Hồng Minh đang là thực tập sinh nghiên cứu tại Sky Mavis – “kỳ lân” công nghệ Việt Nam về phát triển game điện tử.

“Thực ra vào thời điểm đầu khi mình vào thực tập tại Sky Mavis, mình có cảm thấy một xíu quá tải, tuy nhiên sau một thời gian thì mình đã tìm được cách quản lý thời gian thích hợp nhất và thích nghi được với việc ‘multi-tasking'”, Minh chia sẻ. Để cân bằng công việc, anh chàng luôn lập kế hoạch chi tiết, phân bổ thời gian rõ ràng cho từng công việc và ưu tiên những việc quan trọng, cấp bách. “Đặc biệt, mình đề cao việc tập trung cao độ khi làm việc và tránh để công việc này ảnh hưởng đến công việc kia.”

Nhìn lại quá trình học tập tại trường, Hồng Minh cho rằng điều quý giá nhất chính là kỹ năng tự học. Việc chủ động tìm kiếm và tiếp thu kiến thức không chỉ giúp bạn nắm vững bài học mà còn rèn luyện khả năng phân tích và giải quyết vấn đề độc lập – yếu tố then chốt trong lĩnh vực ATTT.

Khi được hỏi về bí quyết quản lý thời gian hiệu quả, Hồng Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của kỷ luật: “Ai cũng có thể lập kế hoạch, nhưng không phải ai cũng kiên trì thực hiện nó”. Đây quả thực là kinh nghiệm quý báu mà mình đã đúc kết được trong bốn năm ĐH ở Bách Khoa.

Lê Hồng Minh (cầm bảng phía bên trái) và Phạm Nguyễn Nam (cầm bảng phía bên phải) cùng các thành viên hai đội thi và CLB An toàn thông tin tại buổi tổng kết trao giải chung cuộc.

BÀI: TRÚC MY

ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Bài trước

Bài tiếp