Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Hóa học kiến tạo những thứ chưa từng tồn tại trước đó

Với Ben Feringa (Hà Lan) – một trong ba nhà khoa học vừa đạt giải Nobel Hóa học 2016, Hóa học có thể làm ra nhiều loại nhiên liệu, vật chất mới hữu dụng cho cuộc sống, điểm tô cho vẻ đẹp của Mẹ thiên nhiên.

Với Ben Feringa (Hà Lan) – một trong ba nhà khoa học vừa đạt giải Nobel Hóa học 2016, Hóa học có thể làm ra nhiều loại nhiên liệu, vật chất mới hữu dụng cho cuộc sống, điểm tô cho vẻ đẹp của Mẹ thiên nhiên.

Ben Feringa Nobel Hoa 2016 01

GS. Ben Feringa, nhà khoa học – hóa học về công nghệ nano phân tử.

* Kể từ khi có thông báo của Ủy ban Giải thưởng về giải Nobel Hóa học, có thể ông đã được hỏi cả nghìn lần: ông cảm giác như thế nào khi nhận được tin này?

– Tôi không biết phải nói thế nào nữa. Tôi đã lặng đi một lúc rồi sau đó tôi nói với chủ tịch Ủy ban Giải thưởng rằng mình bị sốc và rất xúc động, bởi vì điều đó đến thật bất ngờ. Là nhà khoa học, thi thoảng bạn cũng mơ mình được nhận giải thưởng cao nhất này nhưng dĩ nhiên bạn không thật sự hình dung điều đó xảy ra. Tôi vẫn còn cảm thấy khó tin về điều đó.

* Về cái ngày được thông báo giành giải thưởng mà ông nói rằng mình đã từng mơ về nó trước đây, nó thật sự là một giấc mơ rất xa xôi ư?

– Là một nhà khoa học, người ta có thể mơ về điều đó, nhưng chúng tôi mơ nhiều thứ: phát minh, khám phá v.v… Nhưng khoa học cơ bản là một công việc rất vất vả, bạn có nhiều ý tưởng nhưng nhiều ý tưởng trong số đó sẽ thất bại. Nó cũng lên xuống như cuộc đời vậy. Nhưng thật tuyệt vời khi tìm ra một khám phá nào đó. Và rồi anh nhận được một giải thưởng cho những nghiên cứu mà anh đã thực hiện 30 năm trước và những khám phá mà anh đã tạo ra – tôi không biết nói gì nữa về điều này.

Dĩ nhiên đây là tin vui đối với tất cả sinh viên, các nhà nghiên cứu và những ai đã tham gia hỗ trợ để làm nên thành quả này tại viện nghiên cứu của chúng tôi và các đơn vị hợp tác với chúng tôi trên toàn thế giới, bởi vì anh không thể tự mình làm tất cả mọi công đoạn khi nghiên cứu trong lĩnh vực nano. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tôi thấy rất vinh dự khi làm việc trong môi trường hàn lâm, trong lĩnh vực khoa học rất mới với những con người trẻ tuổi tài năng nhất trong cộng đồng khoa học.

Hóa học có thể kiến tạo những thứ chưa từng tồn tại trước đó.

* Ông hiện được coi là người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Vậy hóa học luôn là niềm đam mê của ông?

– Khi còn học phổ thông, tôi đã là một nhà khoa học nhí: tôi thích toán, vật lý và hóa học, thích hơn cả các môn ngoại ngữ. Nguyên nhân khiến tôi say mê hóa là do môn khoa học này đem lại cho tôi khả năng tạo ra được nhiều sản phẩm, ví dụ với lĩnh vực hóa tổng hợp, tôi có thể xây dựng nên những phân tử mới và vật liệu mới. Chúng đều là các chất xúc tác mới dùng trong ngành công nghiệp hoặc trong trường hợp này [Ben Feringa muốn ám chỉ các công trình giúp ông giành giải Nobel] là các động cơ phân tử dành cho công nghệ nano trong tương lai. Sự thật là từ những sản phẩm nghiên cứu này, người ta có thể tạo ra những vật chất chưa từng có, chúng tôi sắp xếp lại những kiến trúc đẹp đẽ của Mẹ thiên nhiên – những phân tử – để tạo ra sản phẩm mới, cảm giác như là một nghệ sĩ vậy. Bạn có thể kiến tạo ra những thứ chưa từng tồn tại trước đó. Đó là những điều khiến tôi thích ở công việc của mình.

* Nhiều người đã so sánh công việc nghiên cứu của ông và công trình của ông với trò chơi Lego khi cho rằng ông đang xây dựng các cỗ máy phân tử với những mẩu Lego bé tí. Vậy ông nhìn nhận điều đó như thế nào?

– Cách chơi Lego đúng là giống cách mà chúng tôi sử dụng các thành phần phân tử để làm ra những cỗ máy và vật liệu mới và đem lại hy vọng cho sản xuất thuốc trong tương lai. Tôi vẫn thường cảm thấy mình như cậu bé con chơi trò Lego, nhưng ở cấp độ nano.

GS. Feringa tin rằng, một ngày không xa, những tiến bộ của Hóa học có thể tạo ra các cỗ máy phân tử, giúp con người chữa lành ung thư và giải quyết các vấn đề năng lượng.

* Khi nào chúng ta có thể nhìn thấy những kết quả thực tiễn từ nghiên cứu của ông và những lợi ích mà chúng đem lại cho xã hội?

– Với những người làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản thì đây luôn là một câu hỏi khó. Tôi thường so sánh điều đó với việc anh em nhà Wright, những người đã mạo hiểm bay lần đầu tiên cách đây 100 năm trên chiếc máy bay hết sức thô sơ cách mặt đất có vài mét. Ở thời điểm đó không ai ngờ rằng một trăm năm sau con ngườilại làm ra những chiếc Airbus hay Boeing 747 với khoang hành khách chứa được 400 người có thể bay vượt đại dương.

Là những nhà hóa học, chúng tôi có thể làm ra nhiều loại vật liệu hữu dụng trong cuộc sống, từ nhiên liệu cho ô tô đến những vật liệu cho đồ gia dụng, các loại thuốc mà chúng ta vẫn thường dùng để chữa trị trong bệnh viện. Sự thực là chúng ta có thể tạo ra một kỷ nguyên mới – thời của những thiết bị phân tử trong lĩnh vực y học. Hãy nghĩ đến những cỗ máy robot tí hon được đưa vào trong mạch máu để tìm các tế bào ung thư hoặc tiểu phẫu. 

Tôi vẫn thường cảm thấy mình như cậu bé con chơi trò Lego, nhưng ở cấp độ nano.

* Giải Nobel đã khiến ông được rất nhiều người chú ý đến, vậy ông có nghĩ rằng điều đó sẽ giúp ích gì cho mình trong nghiên cứu?

– Tôi hy vọng nó sẽ khuyến khích những người trẻ mơ về việc họ có thể làm được những điều còn hơn cả thứ mà tôi đã làm được ở thời điểm này, khuyến khích họ tìm ra những phát minh, khám phá mới để làm nên những đột phá mà tôi đã từng nhắc đến: chúng ta sẽ lưu giữ điện năng trong tương lai như thế nào? Chúng ta tiếp tục làm ra những vật liệu có khả năng tự sửa lỗi như thế nào? Ví dụ như chiếc xe của anh – nếu bị xước thì sẽ có chức năng tự liền lại như mới. Trong tương lai, tất cả mọi điều đều có thể xảy ra nhưng cần phải có những nghiên cứu mang tính chất đột phá. Tôi hy vọng rằng giải thưởng sẽ tạo ra sự khuyến khích cho cộng đồng và đặc biệt là những nhà nghiên cứu trẻ tài năng mà chúng tôi đang hướng dẫn để họ tiếp tục thực hiện những nghiên cứu này.

* Việc giành giải thưởng có giá trị như thế nào với cá nhân ông?

– Nó giống như giành một Huy chương Vàng Olympic. Nó làm tôi sửng sốt bởi nó tạo cảm giác giống như trên một tàu lượn cao tốc vậy. Tôi chỉ mới bước khỏi tàu lượn cao tốc và trở lại mặt đất, nhưng điều đó cũng thật thú vị. Hành trình 30 năm cuộc đời tôi cũng trải qua những thời kỳ khó khăn. Khi anh có nhiều ý tưởng nhưng thi thoảng đơn giản là không thể hiện thực hóa nó một cách hiệu quả, anh chết dí một chỗ và phải tìm ra một vài hướng nghiên cứu mới. Anh cũng phải cân bằng giữa việc tìm kinh phí cho nghiên cứu với đảm bảo cho công việc nghiên cứu được chạy tốt, bởi vì chúng tôi làm trong lĩnh vực thực nghiệm: chúng tôi điều hành một phòng thí nghiệm lớn và cần rất nhiều tiền. Anh cũng phải nhớ rằng trong suốt 30 năm nghiên cứu ở đó, bên cạnh nhiều điểm nhấn thành công là những thời khắc khó khăn. Nhưng dĩ nhiên là tôi vẫn cảm thấy say mê khoa học và niềm đam mê ấy khuyến khích tôi vững bước trên con đường nghiên cứu.

Việc tạo ra được xe hơi nano là bước đệm quan trọng tiến đến việc hoàn thiện các cỗ máy phân tử.

* Ông đã nói nhiều về các nhà nghiên cứu trẻ, đặc biệt những người trong nhóm nghiên cứu của ông ở Hà Lan. Vậy ông có thể nói gì về thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ ở đó?

– Chúng tôi mới chỉ cào xới phần bề mặt trong lĩnh vực nghiên cứu của mình – hóa học còn ẩn chứa rất nhiều triển vọng. Vì vậy với thế hệ nghiên cứu trẻ, tôi chỉ có thể nói rằng: hãy tiến lên phía trước với một chút liều lĩnh, tìm kiếm những giải pháp độc đáo và tập trung nghiên cứu về nó – về năng lượng, thực phẩm, vật liệu mới cần thiết cho xã hội. Đừng sợ hãi và hãy tìm cách ứng dụng những hiểu biết đó để làm nên những đột phá đích thực. Rồi chúng sẽ trở thành những ứng dụng mới và đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta.

Và hãy thưởng thức vẻ đẹp của thế giới hóa học, thế giới phân tử và vẻ đẹp của khoa học, bởi vì có rất nhiều điều thú vị ở đó. Chúng ta có thể đem lại nhiều giải pháp cho nhiều vấn đề của cuộc sống như việc chữa trị ung thư trong tương lai.

Hiện chúng tôi đang nghiên cứu về các loại kháng sinh thông minh không bị kháng thuốc. Các thuốc này chỉ có tác dụng tại những điểm nhiễm khuẩn mà không gây ra bất kỳ tác hại nào cho vùng xung quanh. Vì vậy sẽ có rất nhiều thách thức ở phía trước và tôi rất mong các nhà nghiên cứu trẻ đảm nhiệm công việc này.

Ben Feringa chuyên nghiên cứu về công nghệ nano phân tử và là giáo sư tại trường ĐH Groningen (Hà Lan). Ông nhận giải Nobel Hóa học 2016 cùng với Sir J. Fraser Stoddart, Jean-Pierre Sauvage, “cho việc thiết kế và chế tạo những cỗ máy phân tử”. Bernard Feringa là người đầu tiên phát triển một động cơ phân tử; vào năm 1999, ông đã chế tạo được một cánh quạt rotor phân tử có thể quay liên tục cùng hướng. Bằng các động cơ phân tử, ông đã quay một xi-lanh thủy tinh có kích thước lớn hơn động cơ 10.000 lần và ông cũng đã thiết kế được một xe hơi nano.

 

THANH NHÀN (Tia Sáng) biên dịch từ DW

Bài trước

Bài tiếp