Sau năm năm triển khai ở nhiều trường đại học, Chương trình Chất lượng cao đã bước đầu tạo được uy tín về chất lượng đào tạo, trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều thí sinh trong xét tuyển đại học.
Sau năm năm triển khai ở nhiều trường đại học, Chương trình Chất lượng cao đã bước đầu tạo được uy tín về chất lượng đào tạo, trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều thí sinh trong xét tuyển đại học.
Sinh viên Chương trình Chất lượng cao – Trường Đại học Bách khoa tham gia cuộc thi Bách khoa Innovation 2019, sân chơi nghiên cứu khoa học, sáng tạo và đổi mới dành riêng cho sinh viên chương trình này.
Sau nhiều năm thí điểm, đến cuối năm 2014, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) chính thức ban hành Thông tư 23 quy định về đào tạo Chương trình Chất lượng cao (CLC) bậc đại học (ĐH). Trong bối cảnh học phí các trường ĐH công lập bị ràng buộc bởi khung học phí trần, thì quyết định trên trở thành “phao cứu sinh” giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo.
Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện nay hầu như trường nào cũng có Chương trình CLC. Các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) như Bách khoa, Khoa học Tự nhiên, Quốc tế, Kinh tế – Luật, Công nghệ Thông tin, Khoa học Xã hội & Nhân văn đều có chương trình này.
ThS. Phùng Quán, Trưởng Phòng Thông tin & Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG-HCM), cho biết, thực tế ở các trường ĐH công lập, tổng chi phí đào tạo trung bình một sinh viên khoảng 15-20 triệu đồng/năm, trong khi học phí hiện nay của các trường khoảng 8-11 triệu đồng/năm. Như vậy, Chương trình CLC là rất cần thiết, để thông qua đó, các trường có thể đảm bảo đủ kinh phí vận hành và nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh sự tự nguyện của người học, nhà trường phải cam kết về chất lượng đào tạo, các quyền lợi về hoạt động chuyên môn, cơ sở vật chất, điều kiện lớp học… tương ứng với mức học phí mà người học chi trả.
Mức học phí Chương trình CLC ở khối trường công lập tự chủ và y (23 trường) dao động 20-60 triệu đồng/năm, gấp 2-5 lần so với Chương trình Đại trà.
ThS. Cù Xuân Tiến, Phó Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG-HCM), chia sẻ, ngoài các tiêu chí theo Thông tư 23 của Bộ GD&ĐT, Chương trình CLC phải đáp ứng các yêu cầu trong Quyết định 87 của Giám đốc ĐHQG-HCM: chuẩn đầu ra của Chương trình CLC phải cao hơn Chương trình Đại trà về năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, ứng dụng CNTT; năng lực dẫn dắt, chỉ trì và làm việc nhóm; khả năng thích nghi với môi trường công tác…
Sinh viên Chương trình CLC – Trường ĐH Bách khoa tại International Festival 2019, ngày hội giao lưu văn hóa sinh viên Bách khoa Quốc tế. Chương trình CLC – Trường ĐH Bách khoa hiện có hàng chục sinh viên đến từ Lào, Miến Điện, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Ai Cập, Nigeria… đang theo học.
Vẫn theo ThS. Phùng Quán, Chương trình CLC có các ưu điểm nổi trội như: Về kiến thức, chương trình được phát triển dựa vào Chương trình Đại trà đang vận hành; ngoài ra, sinh viên được rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp, bổ sung kiến thức về ứng dụng thực tiễn và tập trung vào các hướng mũi nhọn cơ bản của trường. Về ngoại ngữ, phải đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng sử dụng tiếng Anh chuyên môn trong giao tiếp và công việc một cách tự tin và chuẩn xác (IELTS ≥ 6.0, trong khi Chương trình Đại trà là 4.0). Về kỹ năng, Chương trình CLC phải trang bị cho người học cao hơn một mức so với Chương trình Đại trà về khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm và tinh thần/ kỹ năng lãnh đạo.
Còn theo ThS. Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM, Chương trình CLC hiện chiếm hơn 1/4 chỉ tiêu toàn trường. Đầu vô của sinh viên CLC và Đại trà là tương đương, nhưng đầu ra có sự khác biệt lớn. Chương trình CLC của trường đào tạo 18 tín chỉ tiếng Anh nên chuẩn đầu ra tiếng Anh cao hơn, điều kiện học tập tốt hơn, cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp tốt hơn so với Chương trình Đại trà.
Tân sinh viên K2018 Chương trình CLC – Trường ĐH Bách khoa tham gia chuyến trao đổi văn hóa tại HELP University (Mã Lai).
Theo các chuyên gia, nói đến Chương trình CLC phải có sự so sánh với chất lượng theo chuẩn tối thiểu được quy định ở chuẩn đầu ra của chương trình tham chiếu đến khung trình độ quốc gia.
Điều đó có nghĩa là, năng lực của người học trong Chương trình CLC – về kiến thức, kỹ năng, khả năng tự chủ và trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ – phải cao hơn khung trình độ quốc gia và có thể kèm theo cam kết về việc làm.
Vì chất lượng là sự đáp ứng nhu cầu khách hàng theo nguyên tắc thuận mua vừa bán, người học cần tìm hiểu kỹ càng về cam kết của nhà trường cung cấp dịch vụ đào tạo CLC qua chương trình, đội ngũ giảng viên, quan hệ doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của người học, điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường.
Hiện nay, Chương trình CLC của ĐHQG-HCM có những ưu điểm như chương trình đào tạo tiên tiến, chuẩn đầu ra yêu cầu cao hơn, linh hoạt tạo điều kiện cho sinh viên học vượt, học song bằng trong phạm vi ĐHQG-HCM.
|
THI CA tổng hợp từ SGGP – Hình: NGHĨA NGUYỄN