Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Kỹ sư robot – nghề “nóng” trong kỷ nguyên 4.0

Mặc dù ngành công nghệ robot (robotics) tại VN còn rất non trẻ, nhưng theo dự báo của các chuyên gia, trong tương lai, VN cần đến hàng trăm ngàn cán bộ kỹ thuật có trình độ về tự động hóa và robot khi ngày càng có nhiều ứng dụng liên quan người máy.

Nganh robotics o VN 01

Robot phẫu thuật được ứng dụng tại một bệnh viên tư ở Việt Nam. – Hình: Nam Sơn

NHÂN LỰC CHƯA ĐƯỢC ĐÀO TẠO BÀI BẢN

Theo ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa VN, hiện VN chưa thực sự có nguồn nhân lực về công nghiệp robot theo đúng nghĩa. Tại một số trường ĐH kỹ thuật mới chỉ có bộ môn hoặc khoa chuyên ngành về tự động hóa, một lĩnh vực liên quan nhiều nhất đến robot. “Công nghiệp robot không chỉ có tự động hóa hay công nghệ thông tin. Để có ngành công nghiệp robot thì phải phát triển đồng bộ công nghệ thông tin truyền thông – trí tuệ nhân tạo, công nghệ cơ khí – chế tạo và công nghệ vật liệu… Trong khi chúng ta mới chỉ quan tâm đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, còn nhân lực ngành cơ khí và vật liệu bị suy giảm nghiêm trọng trong nhiều năm gần đây, thậm chí nhiều trường ĐH không tuyển được sinh viên theo học các ngành này hoặc phải dừng đào tạo”, ông Quân nói.

Nói về thực trạng phát triển robot tại VN, ông Quân cho hay robot công nghiệp đã được sử dụng khá rộng rãi ở VN, nhưng chủ yếu là trong các dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Một số doanh nghiệp VN cũng quan tâm đưa robot vào sản xuất nhưng quy mô còn nhỏ. Do chưa có năng lực cơ khí chế tạo, gần như toàn bộ robot công nghiệp đều nhập khẩu nên nhân lực chủ yếu là để sử dụng robot. Ông Quân chia sẻ: “Hiện nay, chúng ta nói rất nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu nhân lực cho ngành công nghiệp robot là rất lớn. Nếu các ngành công nghiệp đều ứng dụng trí tuệ nhân tạo và robot để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thì nền kinh tế sẽ cần hàng trăm ngàn cán bộ kỹ thuật có trình độ về tự động hóa và robot, tương lai sẽ tạo ra hàng triệu việc làm mới”.

NHIỀU CƠ HỘI VIỆC LÀM, THU NHẬP CAO

TS. Đinh Triều Dương, Chủ nhiệm Khoa Điện tử – Viễn thông, Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho hay nhu cầu nhân lực trong ngành khá cao. Hiện nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những tập đoàn lớn đang có nhu cầu về kỹ sư tự động hóa và robot đóng vai trò chủ đạo. Các kỹ sư kỹ thuật robot hoàn toàn có cơ hội làm việc trong các hệ thống dây chuyền sản xuất công nghiệp đòi hỏi khả năng xử lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo, hệ thống điều khiển thông minh…

Là một trong những đơn vị tiên phong phát triển nền tảng robot công nghiệp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, anh Trương Trọng Toại, sáng lập Công ty TNHH chế tạo máy Robot 3T, cho biết: “Nhiều sinh viên học các ngành cơ khí, cơ điện tử, tự động hóa… rất thích làm robot nhưng do chưa được đào tạo bài bản về robot nên khi tuyển dụng chúng tôi thường phải đào tạo lại từ 6-12 tháng mới có thể làm được việc. Tuy nhiên, việc tuyển dụng nhân lực đạt yêu cầu không phải dễ”.

Nhu cầu nhân lực ngành robotics tại VN đang tăng cao, song chưa có ngành đào tạo bài bản về lĩnh vực này tại VN. – Hình: Forbes

Tại hội thảo Công nghệ robotics – mechatronics trong cách mạng công nghiệp 4.0 do Bộ Công thương và Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức mới đây, Thứ trưởng Công thương Cao Quốc Hưng nhìn nhận, robotics có thể được xem là một trong những trụ cột của nền công nghiệp 4.0 với những nhà máy thông minh và doanh nghiệp được chuyển đổi số hóa toàn diện, cũng như nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống.

Theo các chuyên gia dự báo, 20 năm tới, tại VN, robot càng trở nên quan trọng và không thể thiếu cho sự phát triển của con người. Hiện nay, robot công nghiệp phát triển mạnh mẽ nhưng sắp tới xu hướng sẽ là robot dịch vụ vì nó tham gia phục vụ trực tiếp vào các công việc như giúp việc, chăm sóc người già, nhân viên tại các viện bảo tàng… hay ứng dụng robot thay thế giảng viên ngoại ngữ tại các trường ĐH. Đặc biệt, tới đây tự động hóa là một trong sáu lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, trong đó sẽ tập trung vào ngành công nghiệp robot.

Theo anh Toại, hiện các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thu hút các chuyên gia kỹ thuật có trình độ cao. Thậm chí, nhiều sinh viên học năm thứ ba các chuyên ngành cơ khí, thiết kế chế tạo máy, cơ điện, tự động hóa cũng được “đặt hàng” tuyển dụng. Mức lương trong ngành robotics so với mặt bằng chung cao hơn một số ngành nghề, tùy theo từng vị trí, kỹ sư nghiên cứu robot có thể đạt được mức lương 20 triệu đồng/tháng. “Nhu cầu nhân lực trong ngành này là rất thiếu, tương lai đây là lĩnh vực có tiềm năng. Ngoài làm việc trong các doanh nghiệp, nếu các bạn trẻ có những ý tưởng tốt có thể phát huy khởi nghiệp từ lĩnh vực robot”, anh Toại chia sẻ.

BỔ SUNG MÃ NGÀNH ĐÀO TẠO ROBOT

Để chuẩn bị nhân lực ngành robot cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo ông Nguyễn Quân, trước hết cần sớm ban hành các quy định để thu hút lao động trẻ vào ngành robotics như: bổ sung mã ngành đào tạo robot cho các trường ĐH, CĐ; tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành tự động hóa, cơ khí chính xác, vật liệu hợp kim và vật liệu điện tử cho các trường ĐH công nghiệp trọng điểm; yêu cầu các trường xây dựng chương trình đào tạo tích hợp công nghệ thông tin và cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, thiết kế chế tạo linh kiện điện tử và vi mạch…

Mặc dù có những lo ngại việc đưa robot vào sản xuất thay thế con người trong nhiều công đoạn sản xuất có thể sẽ làm dôi dư lao động hay tăng tỷ lệ thất nghiệp ở một số ngành như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm…, nhưng ông Quân cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới trình độ cao hơn, năng suất lao động cao hơn, có thu nhập tốt hơn.

THU HẰNG (Thanh Niên)

Bài trước

Bài tiếp