Lối vào đời

Trong bối cảnh hiện nay của VN, đại học là lựa chọn tốt nhất, hay chí ít cũng là lựa chọn ít rủi ro nhất cho bạn trẻ. Chúng ta cứ hay so sánh với nước ngoài, nhưng so sánh hầu hết là khập khiễng.

Trong bối cảnh hiện nay của VN, đại học là lựa chọn tốt nhất, hay chí ít cũng là lựa chọn ít rủi ro nhất cho bạn trẻ. Chúng ta cứ hay so sánh với nước ngoài, nhưng so sánh hầu hết là khập khiễng.

 

1.

Mùa tuyển sinh đang đến, lại sắp có một màn trình diễn đại náo của báo chí đại khái “đại học không phải là con đường duy nhất”, rồi thì “bạn trẻ khởi nghiệp mà không có bằng đại học”, “nhiều con đường vào đời…”, “bầu A, anh B, chị C bỏ học đại học mà vẫn là đại gia, vẫn thu nhập hàng tỉ một tháng”, rồi thì “học những gì mình đam mê chứ không chạy theo mốt, theo khuynh hướng…”

Chẳng hiểu viết thế để làm gì? Để an ủi trẻ nhỏ? Để bảo học đại học không tốt?

Hỏi những người viết trên: nếu là con và em của bạn năm nay tốt nghiệp THPT và có khả năng, bạn sẽ cho con em mình vào trung học nghề, cao đẳng, chứ không vào học đại học phải không? Bạn cũng sẽ cho con em mình từ bỏ học đại học để vào đời lập nghiệp kiếm bạc tỷ như người ta?

Bạn sẽ sẵn sàng cho con em mình học ngành công tác xã hội, hay ngành cải lương – tuồng cổ nếu em thực sự đam mê chứ? (dù con em bạn đậu điểm cao vào Y, Bách Khoa, hay Ngoại thương)

Nếu tin vào đam mê của thanh niên, bạn sẽ đồng ý cho con em bạn nghỉ một năm chỉ để xác định niềm đam mê của nó chứ? (nếu nó yêu cầu)

2.

Có mấy câu hỏi cần suy nghĩ trong bối cảnh vào đời hiện nay của các thanh niên 18 tuổi.

Những công việc nào sẽ tuyển những người không có bằng đại học? (câu hỏi về nhu cầu)

Nếu cho rằng chất lượng đào tạo ở bậc đại học là không tốt, bạn có tin rằng chất lượng đào tạo ở cao đẳng, trung cấp nghề tốt hơn không? (câu hỏi về chất lượng)

Bao nhiêu bạn trẻ có thể tự khởi nghiệp khi mới tốt nghiệp phổ thông? Bạn có năng lực và kiến thức gì để khởi nghiệp? và xã hội, truyền thông chuẩn bị thế nào cho các bạn này với phương án này? (câu hỏi về các lựa chọn khác)

Ở tuổi 18, làm sao phân biệt được ý thích thoáng qua với niềm yêu thích, đam mê cả đời?

3.

Tôi không hề có ý phân biệt hay cho rằng đại học là cái gì đó bắt buộc cho mọi người. Mà chỉ đơn giản thấy rằng: trong bối cảnh hiện nay của VN, đại học là lựa chọn tốt nhất, hay chí ít cũng là lựa chọn ít rủi ro nhất cho bạn trẻ. Chúng ta cứ hay so sánh với nước ngoài, nhưng so sánh hầu hết là khập khiễng là bởi vì các yếu tố cá nhân và yếu tố môi trường đều khác biệt.

Sau đây là các quan sát cá nhân mang tính chủ quan:

– Cá nhân: bạn trẻ 18 tuổi của chúng ta rất thiếu trưởng thành về nhận thức, văn hóa, sự hiểu biết về chính bản thân mình và cuộc sống. Bao nhiêu bạn trẻ 18-19 tuổi có được một niềm đam mê, một kế hoạch, một sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho tương lai do chính bản thân vạch ra? Giới trẻ phương Tây trên phương diện này trưởng thành hơn rất nhiều.

– Về gia đình và cộng đồng: chúng ta trang bị gì, chuẩn bị gì cho bạn trẻ vào đời? Từ khi các em còn nhỏ tuổi? Chúng ta có đối xử với các em một cách tôn trọng như những người trưởng thành hay chúng ta vẫn đối xử như những đứa bé? Hay chúng ta chỉ đơn giản ôm ấp, ve vuốt, và rồi kiểm soát, chi phối, áp đặt theo ý thích của mình? Bao nhiêu bậc cha mẹ và bao nhiêu bài báo giúp thanh niên tư duy? Hay chỉ đơn giản vuốt ve nhàm chán kiểu “rớt đại học cũng hổng sao đâu!”

– Môi trường khởi nghiệp của chúng ta có cái gì? Nói thật, nó đáng sợ cho cả những nhà kinh doanh giàu kinh nghiệm, ông bán phở còn bị khởi tố; làm ra cái game bán trên appstore thành công một chút là bị hăm he truy thu thuế, bị ganh ghét; mấy em bé làm cái clip vui vui về kỳ thi tốt nghiệp thì bị công an điều tra. Khởi nghiệp gì? Sáng tạo gì?

4.

Nói thật, nếu phải khuyên các bạn trẻ (cả bạn đậu đại học và bạn không đậu năm nay), tôi sẽ nói thực học là điều quan trọng. Muốn thành công chỉ có thực học. Thực sự đọc sách, thực sự trải nghiệm, thực sự kỷ luật với việc học của mình trong đời sống, trong công việc, thì thế nào cũng thành công. Còn không thực học thì đừng nói trung cấp, cao đẳng, hay đại học, mà tiến sĩ thì cũng chẳng ăn ai!

Đừng tin vào thức ăn nhanh, kiếm tiền nhanh, làm giàu nhanh, hãy tin vào sự nỗ lực hàng ngày, vào kỷ luật, vào năng lực tự thân. Cứ đi từ từ, mỗi ngày, hàng ngày, rồi đến 1 ngày nhìn lại em sẽ ngạc nhiên vì quãng đường mình đã qua. 18 tuổi, các em còn quá trẻ, để khao khát và để học.

Hãy nhớ cả hai vế: khao khát và học. Chỉ khao khát mà không học thì mất tương lai của bản thân.

Cuối cùng, đừng xem các bài báo kiểu trên nữa các em nhé, nó làm các em lạc lối! 

 

TS. VŨ THẾ DŨNG – phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Bài trước

Bài tiếp