Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Thực học

Thực học là học sâu. Học cho sâu sắc thì sau này học rộng sẽ rất dễ vì muốn sâu không thể không rộng.

Thực học là học sâu. Học cho sâu sắc thì sau này học rộng sẽ rất dễ vì muốn sâu không thể không rộng.

Thuc hoc

Tranh: Google Images

1.

Vừa rồi đi Mùa hè xanh, đêm ngồi tán dóc với các bạn sinh viên, thấy vui gì đâu. Nhìn thấy hình ảnh của mình hồi xưa: nhiệt huyết, tự tin, nhưng cũng rất nhiều bỡ ngỡ, với rất nhiều câu hỏi với cuộc sống. Thấy cần viết tiếp về sự học – thực học. 

Vì mấy cậu “sắp sửa kỹ sư” (engineer-to-be) của Bách Khoa khi nói đến học tiếng Anh, thì phán ngay rằng “đó là yếu điểm của em” và “em không học tiếng Anh được”. Nó gợi cho mình nhớ lại chuyện mình học tiếng Anh.

2.

Hồi học phổ thông mình học tiếng Nga. Thi đại học xong thì bắt tay vào học tiếng Anh. Bắt đầu học cuốn Streamline English 1Fist Thing First. Học kỳ 1 năm nhất học môn tiếng Anh với các bạn đã học tiếng Anh 6-7 năm ở phổ thông, nói chung thì mình sẽ hơi bất lợi. Nhưng khi thi cuối học kỳ, cả lớp hình như có 4-5 người được 9 điểm (không có điểm 10) thì có mình trong đó.

Đầu học kỳ hai thì bắt đầu luyện thi chứng chỉ A của ĐH Sư Phạm, lúc đó yêu cầu phải học hết 2 cuốn Streamline 1 và 2. Mình thì mới chỉ học hết trọn vẹn 80 bài của cuốn 1, chưa học cuốn hai, nhưng vẫn đăng ký vào lớp ôn tập luyện A của Sư phạm dành cho các bạn đã học hết 2 cuốn. Sau mấy tuần học thì thầy cho thi thử bài trắc nghiệm. Kết quả phát ra là mình làm được 65/100 câu, tuy không cao, nhưng đứng đầu cái lớp ôn thi 50-60 bạn đó.

3.

Giờ nghĩ lại vụ học và thi A lúc đó, mình hiểu khá rõ cái lý của việc học sao cho giỏi. Đối với mình đơn giản là, nếu mình học “hello”, “good morning…” thì ngay lập tức mình sẽ liên tục “hello”, “good morning…” một cách hí hửng với tất cả mọi người, mọi lúc. Nên khi học đủ 80 bài Streamline 1, thì mình thuộc như cháo cả 80 bài đó. Bài nào mình cũng nghe, cũng đọc to, cũng học thuộc, và nói đi nói lại (với bạn, hoặc nói 1 mình) rất nhiều lần. Đến giờ rất nhiều bài mình vẫn còn thuộc. Thế nên khi so sánh với các bạn khác học đến Streamline 2, 3, 4 thì mình học rất chậm. Hồi đó đứng với đám bạn nghe tụi nó bàn thì này, thì kia (simple past, present perfect…) mình nghe mà hãi lắm vì mình đã học đâu. Nhưng mà vào thi thì rất nhiều trường hợp mình cao điểm hơn hẳn.

Giờ nhìn thang Bloom thì có thể lý giải ngay chuyện này.

Các bạn theo trường phái học nhiều, nhanh, thì chỉ đạt ở mức “remember” (nhớ), hay “understand” (hiểu), còn mình đã lên mức cao hơn “apply” (áp dụng), “analyse” (phân tích), hay cao hơn là “evaluate” (đánh giá). Thế nên kiến thức vào mình sẽ chắc cú hơn. Không biết thì thôi, nhưng biết thì biết chắc.

Nói về mức độ học phân tích hay đánh giá, thì ngay từ khi học những bài đầu tiên mình đã luôn tự đặt các câu hỏi phân tích và suy nghĩ về nó. Ví dụ: sự khác nhau của “to listen” và “to hear”; của “good night” và “good evening”; của “program” vs. “programme”; của “color” vs. “colour”; của “to watch TV” vs. “read newspapers”. Tiếng Việt có thể cùng dịch là xem tivi, xem sách, nhưng tiếng Anh không ai nói “read TV” hoặc “watch newspapers”.

Người mới bắt đầu học lại muốn học nhanh hầu như không bao giờ chú ý chuyện này. Nhưng mình thì luôn chú ý và tự hỏi, vì mình học bài sau sẽ liên hệ đến bài trước để gom vô áp dụng, nên nếu cô dạy mình hôm trước là “watch TV”, mà hôm nay học thêm từ “newspapers” mình sẽ áp dụng ngay “watch newspapers”, và cô sẽ phải giải thích tại sao không dùng thế được.

Và nhờ thói quen đó mà mình nắm rất chắc các vấn đề cơ bản, nhận biết được sự khác nhau của các chi tiết nhỏ, cũng như cải thiện khả năng phân tích, đánh giá – những kỹ năng sau này áp dụng trong mọi mặt của cuộc sống từ học tập đến công việc.

Cũng ghi chú thêm lúc đó phương tiện và môi trường tiếng Anh rất hạn chế. Thế nên đừng bao giờ cho rằng phương tiện và môi trường sẽ là yếu tố quyết định.

4.

Sau này trong cuộc đời đi học và đi làm mình luôn thấy các ví dụ rất rõ về chuyện học tào lao và chuyện thực học. Đứng trong đám bạn, nghe chúng nó kể chuyện đọc sách A, vô lớp B, học tiếng Tây Ban Nha, Trung Quốc, tiếng Pháp, lập trình… nghe mà sợ phát khiếp. Thi xong, thế nào cũng có thằng ngồi chỉ ra làm câu A, B, C thế nào, rồi bảo mày không biết làm à? Thế mà cuối cùng lúc nào điểm mình cũng cao hơn nó.

Thế nên mình rất tin vào chuyện: chậm mà chắc, từ từ mà tiến rất nhanh, học cũng thế, sự nghiệp cũng thế, sống cũng thế. Khi anh đào sâu vào 1 sự việc tưởng chừng đơn giản nhất, (mà đôi khi anh coi thường nhất), anh sẽ nhận ra chân lý rất giản đơn – khi nhận ra chân lý anh có thể áp dụng trong mọi trường hợp. Còn khi chỉ lướt ở bề mặt thì anh sẽ luôn lúng túng, lắc lư, bối rối.

5.

Thế nên với mình, thực học là học sâu. Học cho sâu sắc thì sau này học rộng sẽ rất dễ vì muốn sâu không thể không rộng.

VŨ THẾ DŨNG – phó hiệu trưởng ĐH Bách Khoa TP.HCM

Bài trước

Bài tiếp