Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Hai ĐH Quốc gia VN vào top 1.000 thế giới

Lần đầu tiên, top 1.000 ĐH xuất sắc nhất thế giới của tổ chức xếp hạng giáo dục quốc tế uy tín QS có tên Trường ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) và Trường ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQG-HN).

Lần đầu tiên, top 1.000 ĐH xuất sắc nhất thế giới của tổ chức xếp hạng giáo dục quốc tế uy tín QS có tên Trường ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) và Trường ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQG-HN).

Hai DHQGVN vao top 1000 QS the gioi 2018

ĐHQG-HCM thuộc nhóm 701-750 trong top 1.000 ĐH xuất sắc nhất thế giới theo xếp hạng của QS. – Ảnh: QS

Cụ thể, ĐHQG-HCM thuộc nhóm 701-750, và ĐHQG-HN thuộc nhóm 801-1000.

Chào đón tin vui này, GS.TS. Phan Thanh Sơn Nam – trưởng Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG-HCM), chia sẻ trên trang cá nhân: “Dù thứ hạng khiêm tốn nhưng mình phải dành cả tuổi thanh xuân để chờ đợi tin vui này… Dĩ nhiên đây là tin vui cho ĐHQG-HCM và cho cả VN. Vui một chút nhưng ưu tư nhiều hơn, vì lọt vào QS của thế giới đã khó, nhưng trụ hạng và nâng hạng còn khó hơn bội phần. Để làm được điều đó, (1) phải “vắt kiệt sức” các nhóm nghiên cứu mạnh bằng cách tạo mọi điều kiện cho họ; (2) điều chỉnh những chính sách chưa “hợp lòng người”, chứ không phải ép lòng người vào khuôn phép của chính sách.”

Từ phía ĐHQG-HN, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – phó giám đốc, khẳng định QS là bảng xếp hạng uy tín và đầy đủ các tiêu chí đánh giá về đào tạo, nghiên cứu, và mức độ quốc tế hóa.

“Xếp hạng chỉ là một trong các chỉ số đo lường chất lượng, nhưng quan trọng ở chỗ nó cho phép đối sánh để biết ĐH chúng ta đang ở đâu trên bản đồ thế giới”, GS. Đức nói.

Năm 2018, Tổ chức QS đã xem xét dữ liệu của hơn 4.700 trường ĐH từ 151 quốc gia. Sau vòng sơ loại, còn 1.233 trường được tiếp tục đối sánh.

Kết quả, 1.000 trường ĐH xuất sắc nhất toàn cầu được xướng tên. Trong bảng xếp hạng này, có 60 trường ĐH lần đầu được vinh danh, trong đó có ĐHQG-HCM và ĐHQG-HN.

Dữ liệu xếp hạng của QS dựa trên ý kiến khảo sát của 1,2 triệu nhà khoa học và 200.000 nhà tuyển dụng, số bài báo Scopus tính trong năm năm (2011-2016) và số trích dẫn tính cho giai đoạn 2012-2017.

Theo GS. Đức, kết quả này khẳng định chất lượng và uy tín đào tạo, nghiên cứu của hai trường ĐHQGVN đã hội nhập sâu với quốc tế, được các nhà khoa học và tuyển dụng trên thế giới biết đến và thừa nhận nhiều hơn. Các công trình nghiên cứu cũng được trích dẫn cao hơn, có tầm ảnh hưởng rộng hơn.

Có thể thấy, “quan điểm và hành động đổi mới giáo dục ĐH đang đi đúng theo hướng chuẩn hóa và hội nhập quốc tế. Trường nào kiên định với chất lượng sẽ có thành quả xứng đáng. Nhà nước cần tin tưởng để đầu tư mạnh hơn nữa cho giáo dục ĐH”, GS. Đức nhấn mạnh.

Vui với thành tựu, GS. Đức vẫn không quên mối trăn trở giống người đồng nghiệp từ ĐHQG-HCM về điểm bất cập cốt tử của các trường ĐHVN: nghiên cứu và công bố quốc tế.

“Văn hóa công bố quốc tế cần phải được xác lập mạnh mẽ hơn ở các trường ĐH. Để hỗ trợ sự tăng trưởng này, các quỹ và chương trình nghiên cứu của VN cần được tăng cường và các trường ĐH cần phải được ưu tiên đầu tư như đối với các tổ chức khoa học công nghệ”, GS. Đức nhấn mạnh.

QS là một trong ba bảng xếp hạng uy tín nhất trên thế giới (cùng với ARWU của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải, và THE của Báo Times Higher Education).

Các tiêu chí xếp hạng của QS thế giới nghiêng nhiều về trọng số nghiên cứu. Ví dụ, tỉ trọng về tiêu chí đánh giá của các nhà khoa học đã tăng lên mức 40%.

Ngoài ra, QS thế giới không đánh giá theo số lượng bài báo mà tập trung đánh giá số lần trích dẫn của các bài báo trên tổng số giảng viên (20%).

Song song đó, các tiêu chí quốc tế hóa tập trung vào số lượng giảng viên và sinh viên quốc tế trực tiếp tham gia giảng dạy và học để lấy bằng tại trường (10%).

 

THI CA tổng hợp

Bài trước

Bài tiếp