Tư vấn tuyển sinh: (028) 7300.4183/ 7301.4183 – 03.9798.9798 tuvan@oisp.edu.vn
Select Page

Tuyển sinh ĐH 2017: thí sinh có tối đa 10 nguyện vọng vào ĐH

Theo dự thảo xét tuyển ĐH-CĐ 2017 của Bộ GD&ĐT, mỗi thí sinh có tối đa 10 nguyện vọng vào 5 trường, mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng.

Theo dự thảo xét tuyển ĐH-CĐ 2017 của Bộ GD&ĐT, mỗi thí sinh có tối đa 10 nguyện vọng vào 5 trường, mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng.

10 nguyen vong

Thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển một lần trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. – Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH

▶ THPT Quốc gia 2017: thí sinh được thi cả 2 bài tự chọn

THÍ SINH CHỈ ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN MỘT LẦN

Theo ý tưởng mà Bộ phác thảo cho dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2017, tất cả các trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để tuyển sinh dưới bất kỳ hình thức nào (dùng kết quả THPT để sơ tuyển, dùng kết quả THPT để xét tuyển một phần chỉ tiêu…) đều phải tham gia xét tuyển chung.

Mỗi thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển một lần trong suốt cả mùa tuyển sinh với tối đa 10 nguyện vọng vào 5 trường, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 10 vào 5 trường, mỗi trường 2 ngành/nhóm ngành

Nguyện vọng đăng ký cùng ngành/nhóm ngành ở cùng trường giữa các thí sinh khác nhau được xét bình đẳng.

Với mỗi thí sinh, nguyện vọng được xét theo thứ tự ưu tiên. Trong mỗi đợt xét tuyển chung, thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.

Khi trúng tuyển, thí sinh phải xác nhận nhập học vào trường có nguyện vọng học trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển chung theo phương thức trực tuyến hay gửi bản chính Giấy Chứng nhận kết quả thi đến trường bằng thư chuyển phát nhanh.

Quá thời hạn này, những thí sinh đã trúng tuyển mà không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và không được tham gia đợt xét tuyển chung tiếp theo (đợt chính thức).

Thí sinh đã xác nhận nhập học ở một trường sẽ không còn được thay đổi nguyện vọng. Tuy nhiên, thí sinh đã trúng tuyển đợt xét tuyển chung trước (đã xác nhận nhập học) có thể trúng tuyển đợt xét tuyển chung sau với nguyện vọng cao hơn trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký (nếu trường còn chỉ tiêu xét tuyển chung đợt tiếp theo) mà không cần làm thủ tục đăng ký lại. Trong trường hợp này, các trường sẽ được gọi bù chỉ tiêu đối với số thí sinh trúng tuyển đã chuyển đi.

Ví dụ: Đợt xét tuyển chung đầu tiên, thí sinh trúng tuyển vào ngành B ở nguyện vọng thứ 2. Tuy nhiên, đến đợt xét tuyển chung sau, ngành A (vốn là nguyện vọng thứ 1 của thí sinh) tuyển bổ sung do chưa đủ chỉ tiêu. Lúc đó, thí sinh mới có thể tham xét tuyển chung tiếp ngành A.

Thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức trực tuyến hoặc gửi Phiếu Đăng ký xét tuyển bằng thư chuyển phát nhanh đến trường mà thí sinh chọn nguyện vọng 1 (hoặc có thể nộp theo các phương thức khác do trường quy định).

BẮT BUỘC XÉT TUYỂN CHUNG

Để thực hiện việc xét tuyển chung, kho cơ sở dữ liệu gốc sẽ được xây dựng, trong đó gồm đầy đủ thông tin của các thí sinh, các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh, điều kiện xét tuyển vào các ngành của từng trường sau khi kết thúc thời gian đăng ký xét tuyển chung.

Kho dữ liệu này sẽ được cung cấp cho các trường sau khi kết thúc thời gian đăng ký xét tuyển chung. Các trường được thực hiện điều chỉnh nội bộ chỉ tiêu trong khối ngành nhưng không trái với các thông tin tuyển sinh đã công bố công khai, chỉnh sửa sai sót (nếu có) về điều kiện xét tuyển.

Việc xét tuyển chung sẽ được thực hiện trong 2 đợt chính thức và các đợt bổ sung.

Ở đợt 1, phần mềm xét tuyển chung với cơ sở dữ liệu gốc và điều kiện xét tuyển mà các trường đã cập nhật sẽ được chạy 2 lần. Lần một, phần mềm sẽ cung cấp cho các trường danh sách thí sinh trúng tuyển với dự kiến tối đa không quá 105% chỉ tiêu trường đã đăng ký cho từng ngành. Sau đó, các trường rà soát, đối chiếu danh sách trúng tuyển dự kiến với cơ sở dữ liệu thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường; điều chỉnh sai sót (nếu có). Sau khi các trường chỉnh sửa tiếp các điều kiện xét tuyển thì phần mềm tuyển sinh sẽ chạy lần 2 và cung cấp danh sách trúng tuyển chính thức đợt 1 (với 105% chỉ tiêu trường đã đăng ký xét tuyển cho từng ngành) đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu xét tuyển đợt 2 sau khi đã loại ra khỏi danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức đợt 1. Các trường công bố danh sách thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên trang thông tin điện tử của trường và trên các phương tiện truyền thông khác, sau đó tiếp nhận giấy báo kết quả thi của thí sinh, cập nhật danh sách thí sinh đã xác nhận nhập học trong thời gian quy định lên hệ thống tuyển sinh chung.

Việc xét tuyển đợt 2 về cơ bản giống xét tuyển đợt 1 nhưng thí sinh không phải đăng ký nữa mà phần mềm tự xét theo phiếu đăng ký lần 1. Bước này chỉ thực hiện đối với các ngành tuyển đợt 1 đạt dưới 90% chỉ tiêu và còn thí sinh đăng ký xét tuyển trong cơ sở dữ liệu xét tuyển đợt 2.

Việc xét tuyển bổ sung chỉ thực hiện với những thí sinh chưa trúng tuyển qua các đợt xét tuyển chung hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào.

TUỆ NGUYỄN, QUÝ HIÊN (Thanh Niên)

Bài trước

Bài tiếp