Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Tuyển sinh Bách Khoa 2018: Sẽ thi đánh giá năng lực

Dự kiến, Đại học Bách Khoa sẽ dành 10 – 15% chỉ tiêu mỗi ngành để xét tuyển thí sinh từ kỳ thi đánh giá năng lực.

Dự kiến, Đại học Bách Khoa sẽ dành 10 – 15% chỉ tiêu mỗi ngành để xét tuyển thí sinh từ kỳ thi đánh giá năng lực.

Năm 2017, phương thức xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực chỉ mới áp dụng cho Đại học Quốc tế. Sau một năm tích cực chuẩn bị ngân hàng đề thi, dự kiến vào tháng 12/2017, Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) sẽ công bố chính thức về việc có triển khai phương thức này cho toàn bộ các trường thành viên hay không.

Kiem tra nang luc IU 2017

Thí sinh tham dự kỳ kiểm tra năng lực đầu vào 2017 của Đại học Quốc tế. – Ảnh: Dân Trí

TS. Lê Chí Thông, Trưởng Phòng Đào tạo – ĐH Bách Khoa, chia sẻ tại buổi tọa đàm tổng kết công tác tuyển sinh ĐH 2017 và xây dựng phương án 2018 của ĐHQG-HCM hôm 14/11/2017: “Trường sẽ dành từ 10 – 15% chỉ tiêu mỗi ngành để xét tuyển thí sinh từ kỳ thi đánh giá năng lực.”

Tuy nhiên, Bách Khoa đề xuất chỉ xét tuyển khoảng 20 – 30% thí sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi này. Chẳng hạn nếu có 1.000 thí sinh tham gia đánh giá năng lực thì trường sẽ xét trong khoảng 200 – 300 người đạt điểm cao nhất chứ không xét toàn bộ thí sinh dự thi cho đến khi đủ chỉ tiêu.

TS. Thông lý giải, vì mức điểm chuẩn các ngành của Bách Khoa khi xét theo kết quả thi THPT Quốc gia ở mức khá cao, nên khi xét theo phương thức này cũng phải yêu cầu như vậy thì mới phù hợp mặt bằng chung.

DỰ KIẾN 4 PHƯƠNG THỨC XÉT TUYỂN CHÍNH CỦA ĐH BÁCH KHOA 2018

  • Kết quả thi THPT Quốc gia

  • Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐHQG-HCM

  • Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT

  • Kết quả thi đánh giá năng lực do ĐHQG-HCM tổ chức

 

BỎ SƠ TUYỂN HỌC BẠ THPT?

Từ 2014 đến nay, ĐHQG-HCM quy định thí sinh muốn xét tuyển vào các trường thành viên cần đạt điều kiện sơ tuyển học bạ. Cụ thể, thí sinh phải có trung bình cộng điểm cả năm lớp 10, 11, 12 đạt từ 6,5 trở lên (bậc ĐH) và 6,0 trở lên (bậc CĐ).

Tuy nhiên, trong buổi làm việc nói trên, đại diện ĐH Kinh tế Luật, đề nghị thôi áp dụng điều kiện sơ tuyển này. Thay vào đó, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT và đáp ứng đủ các điều kiện tuyển sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT.

TS. Lê Chí Thông cũng có quan điểm tương tự. “Năm 2017, thí sinh đăng ký xét tuyển và dự thi khá sớm (4/2017) nên phần mềm xét tuyển chưa có dữ liệu điểm đầy đủ của thí sinh, khiến công tác sơ tuyển lại trở thành hậu kiểm. Do vậy, việc giữ lại quá trình sơ tuyển này không cần thiết vì không còn tác dụng như mục tiêu đề ra.”

THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC: THEO ĐỊNH DẠNG SAT I

SAT I (Scholastic Aptitude Test) là bài thi trắc nghiệm nhằm đánh giá năng lực của học sinh và kiểm tra đầu vào của các trường ĐH, CĐ tại Mỹ; do tổ chức giáo dục phi lợi nhuận College Board thực hiện.

Bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM dự kiến gồm 100 câu hỏi về tính toán, tiếng Việt, suy luận…, nhằm kiểm tra năng lực học tốt ĐH của thí sinh. “Nội dung đề thi sẽ khác với kỳ thi THPT Quốc gia mà Bộ GD&ĐT tổ chức. Câu hỏi sẽ không đánh đố, kiến thức không quá khó và thí sinh cũng không cần ôn luyện mới làm được”, PGS. TS. Nguyễn Hội Nghĩa – Phó Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết.

Cuối tuần này, ĐHQG-HCM sẽ tổ chức thi thử đánh giá năng lực cho học sinh lớp 12 Trường Phổ thông Năng khiếu (thuộc ĐHQG-HCM). Tiếp đó, kỳ thi thử sẽ được thí điểm cho một số sinh viên năm Nhất các trường ĐH Bách Khoa, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội & Nhân văn trước khi triển khai cho học sinh miền Trung và Tây Nam Bộ.

 

THI CA tổng hợp từ Thanh Niên

Bài trước

Bài tiếp