Nguyễn Long, cựu sinh viên ngành Cơ Điện tử ĐH Bách Khoa TP.HCM, đã vinh dự được chọn làm người trình diễn ứng dụng trong phiên khai mạc của Jam Asia tại Hong Kong – hội nghị dành cho các đối tác và lập trình viên của BlackBerry khu vực châu Á.
Sáng tạo Bách Khoa
Nguyễn Long, cựu sinh viên ngành Cơ Điện tử ĐH Bách Khoa TP.HCM, đã vinh dự được chọn làm người trình diễn ứng dụng trong phiên khai mạc của BlackBerry Jam Asia tại Hong Kong – hội nghị dành cho các đối tác và lập trình viên của BlackBerry khu vực châu Á.
TỰ HÀO VIỆT NAM
Tại đây, lập trình viên Việt Nam được hãng điện thoại danh tiếng Canada tôn vinh nhờ ứng dụng SayIt dành riêng cho BlackBerry. Trong rất nhiều ứng dụng từ các lập trình viên trên khắp thế giới, BlackBerry đã chọn ra SayIt là một trong những ứng dụng tiêu biểu để giới thiệu tại hội nghị BlackBerry Jam Asia.
Lập trình viên Nguyễn Long (trái) đến từ Việt Nam đang trình diễn SayIt tại BlackBerry Jam Asia.
SayIt là phần mềm giúp người dùng giao tiếp với điện thoại bằng giọng nói và đảm nhận vai trò của một trợ lý số thông minh: chuyển chữ thành giọng nói, tải về dạng MP3 hay chia sẻ cho bạn bè qua BBM, NFC, Bluetooth, e-mail hay các mạng xã hội như Facebook, Twitter, LinkedIn.
Điểm độc đáo của SayIt là người dùng có thể cập nhật những thông tin về thời tiết, nhà hàng, khách sạn… dựa trên địa điểm hiện tại. Ngoài ra, SayIt còn cung cấp tính năng tìm kiếm YouTube, Wikipedia hay Google bằng giọng nói. Đặc biệt, ứng dụng có thể tìm kiếm các thông tin nâng cao tương tự như Siri (chẳng hạn như “Obama là ai?, tính toán…) và hỗ trợ dịch thuật với khả năng hỗ trợ đến 54 ngôn ngữ và nhiều tính năng khác.
Ứng dụng là được bán với giá 5 USD, không hề rẻ so với mặt bằng chung các ứng dụng hiện nay, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn phát hành đã leo lên vị trí số một của AppWorld (trang tải ứng dụng của BlackBerry). Ba tháng phát hành, tác giả phần mềm này thu được 400 triệu đồng, số tiền đã trừ phần 30% doanh thu mà BlackBerry giữ lại. Sau hai năm, phần mềm này vẫn nằm trong top 10 ứng dụng được tải nhiều nhất trên BlackBerry.
Long cho hay, hiện anh tiếp tục phát triển ứng dụng này cho nền tảng Windows Phone và anh kỳ vọng nó cũng sẽ được nhiều người yêu thích như BlackBerry.
Sự kiện đã diễn ra vào tháng 9/2013, song đến nay, việc lập trình viên độc lập Nguyễn Long được vinh danh tại BlackBerry Jam Asia vẫn là vẫn là một trong những chủ đề công nghệ thông tin được nhắc đến nhiều nhất, bên cạnh Flappy Bird đình đám của Nguyễn Hà Đông.
Nguyễn Long được vinh dự chọn là người trình diễn ứng dụng trong hội nghị khai mạc.
“MÌNH CHỈ IM LẶNG, NGỒI ĐỌC VÀ CƯỜI”
Nhờ SayIt mà Nguyễn Long nổi tiếng ngay từ khi còn là sinh viên năm cuối ngành Cơ Điện tử (Khoa Cơ khí) – ĐH Bách Khoa TP.HCM (11/2012). Thế nhưng ít ai biết, lên ĐH, Long mới làm quen với máy tính và chuyên ngành học của Long cũng không hề liên quan gì đến phần mềm.
Long tâm sự: “Mình viết SayIt vì thấy mọi người viết phần mềm cho điện thoại di động. Mình cũng muốn thử sức”. Trước SayIt, Long đã viết 16 phần mềm khác nhưng tất cả đều… rơi vào im lặng. Chỉ đến khi SayIt ra đời, Long mới đạt được thành công và tạo được tiếng vang lớn trong cộng đồng các nhà phát triển phần mềm Việt Nam.
SayIt xuất hiện với doanh thu “khủng” khiến Long trở thành tâm điểm của giới truyền thông trong nước hai năm trước. Chàng trai 8x đời cuối liên tục xuất hiện trên mặt báo, truyền hình. Đại diện của BlackBerry sau đó đến Việt Nam và mời Long tham gia trong cộng đồng người viết ứng dụng cho BlackBerry.
Hai năm sau ngày nổi tiếng, Long vẫn giữ được cuộc sống bình yên, không có nhiều thay đổi. Chàng sinh viên ngày nào hiện đã tốt nghiệp, vẫn đam mê viết ứng dụng cho BlackBerry và thi thoảng tham gia các sự kiện của hãng di động Canada ở nước ngoài.
Long không giấu giếm, cuộc sống của một người nổi tiếng thực sự áp lực với cậu lúc bấy giờ. “Phải gặp gỡ báo chí nhiều hơn, nhiều người biết đến mình hơn”. Để toàn tâm theo đuổi cuộc sống của một lập trình viên, nhiều lúc Long phải tránh một số báo do bận việc.
Ứng dụng SayIt mang về cho Nguyễn Long 400 triệu đồng sau ba tháng ra mắt.
Không chỉ truyền thông, sự xuất hiện của SayIt lúc bấy giờ cũng đi kèm với nhiều dèm pha. SayIt ra đời khi Siri – ứng dụng giao tiếp giọng nói cho iPhone nổi lên như cồn. Trên mạng xã hội, các diễn đàn công nghệ, nhiều người cho rằng, SayIt chỉ là một phần mềm nhái Siri, dù ứng dụng của Long truy xuất nhanh hơn và có thể đọc được văn bản.
“Mình im lặng, ngồi đọc và cười”, Long cho biết. Anh không để tâm đến những dèm pha đó mà tiếp tục công việc, nâng cấp phần mềm tốt hơn.
Theo Long, một trong những may mắn của mình là được bố mẹ, gia đình và bạn bè ủng hộ. “Dù phải bao bạn bè ăn uống nhiều hơn, nhưng họ là những nguồn động viên cho em” – Long nói vui.
SẼ KHÔNG GỠ BỎ ỨNG DỤNG
Ngoài phần mềm này, Nguyễn Long còn có hàng chục tiện ích khác, đáng kể có SafeDrive, một ứng dụng “ăn khách” không kém. Nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng Long vẫn giữ cuộc sống bình dị. Chàng lập trình viên trẻ trước đây nay đã 25 tuổi. Long dành nhiều thời gian để viết ứng dụng. Số tiền kiếm được từ bán phần mềm, anh để dành cho các kế hoạch sau này.
Hiện Long là một trong hai người Việt tham gia Cộng đồng những người có đóng góp nhiều cho BlackBerry có tên là Elite. Theo dõi câu chuyện của Nguyễn Hà Đông những ngày gần đây, Long cho biết, nếu là tác giả của Flappy Bird, anh sẽ không gỡ bỏ ứng dụng mà thay bằng một phiên bản mới.
“Áp lực hay không là do mình cảm giác”, Long nói.
Khác với Nguyễn Hà Đông, Nguyễn Long không để tâm đến những dèm pha đó mà chuyên tâm cho việc nâng cấp phần mềm tốt hơn. Anh cũng khẳng định, nếu là tác giả Flappy Bird, anh sẽ không gỡ bỏ ứng dụng mà thay bằng một phiên bản mới.
Tác giả SayIt cho biết, những lập trình viên trong nước muốn truyền thông tham gia hỗ trợ, giới thiệu ứng dụng của họ nhiều hơn. Theo Long, báo chí phương Tây luôn theo dõi sát sao sự chuyển biến các gian ứng dụng, họ quan tâm và đăng tải các phần mềm mới nhanh hơn.
Xem Nguyễn Long trình diễn SayIt tại BlackBerry Jam Asia 2013 (click vào Subtitles/CC để đọc phụ đề tiếng Anh):
Tổng hợp từ PC World, Zing