Sinh viên Bách Khoa sáng chế thiết bị xử lý nước mưa tự động

Xuất phát từ niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo và ấp ủ về thiết bị phục vụ cộng đồng ở những vùng thiếu nước sạch, hai sinh viên Trương Ngọc Cường và Lê Đình An (Khoa Cơ khí – Trường Đại học Bách khoa TP.HCM) đã nghiên cứu, cho ra đời thiết bị thu và xử lý nước mưa tự động phục vụ sinh hoạt.

SÁNG TẠO BÁCH KHOA

Xuất phát từ niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo và ấp ủ về thiết bị phục vụ cộng đồng ở những vùng thiếu nước sạch, hai sinh viên Trương Ngọc Cường và Lê Đình An (Khoa Cơ khí – Trường Đại học Bách khoa TP.HCM) đã nghiên cứu, cho ra đời thiết bị thu và xử lý nước mưa tự động phục vụ sinh hoạt.

Thiết bị này vừa đạt huy chương Vàng cuộc thi Thiết kế, chế tạo ứng dụng dành cho tuổi trẻ TP.HCM lần II/2014 trong khuôn khổ Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ VII do Trung ương Đoàn tổ chức tại TP.HCM vào tháng 12/2014 vừa qua.

Truong Ngoc Cuong xu ly nuoc mua 01 463f7

Trương Ngọc Cường và chiếc huy chương Vàng cuộc thi Thiết kế, chế tạo ứng dụng dành cho tuổi trẻ TP.HCM lần II/2014.

Chia sẻ về quá trình hình thành ý tưởng, Cường nói: “Tình cờ vào đầu tháng 1/2014, tôi xem một đoạn phóng sự trên VTV nói về những lợi ích nếu chúng ta biết tận dụng nguồn nước mưa dồi dào từ thiên nhiên. Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, việc áp dụng máy móc vào quá trình thu và xử lý nước mưa giúp cho họ tiết kiệm hàng trăm triệu USD mỗi năm…”.

Với sản phẩm này, bước đầu Cường và An muốn hướng tới việc ứng dụng tại TP.HCM, nơi tuy có lượng mưa trung bình hàng năm thuộc loại lớn, khoảng 1.900mm, nhưng lại ít được người dân tận dụng.

Trong khi đó, có những nơi đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, người dân phải tiến hành thu và trữ nước mưa một cách hết sức thô sơ, bảo quản sơ sài gây mất vệ sinh, nếu sử dụng lâu dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Sau gần một năm lập kế hoạch triển khai nghiên cứu đề tài, dưới sự chỉ dẫn tận tình của thầy Trần Đại Nguyên, phó trưởng Khoa Cơ khí – Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, hai bạn trẻ bắt tay vào làm thiết bị này chỉ với số tiền 2,5 triệu đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học của Trường cộng với khoản tiền tiết kiệm riêng của hai bạn.

Nói về sáng kiến của mình, Cường cho biết, thời gian hoàn thiện thiết bị là gần bốn tháng và có thể cung cấp nước sạch cho 5-7 người sử dụng quanh năm. Điểm mới ở thiết bị thu và xử lý nước mưa hoàn toàn tự động và trực tiếp.

>> Lập trình viên Bách Khoa được BlackBerry tôn vinh

Truong Ngoc Cuong xu ly nuoc mua 02 65dc4

Thiết bị khá nhỏ gọn, có thể bỏ vừa vặn trong một chiếc xe tải nhẹ để vận chuyển và lắp đặt ở nhiều nơi.

Thầy Trần Đại Nguyên đánh giá: “Ý tưởng đến với các em rất sớm, trong khi các em lại chưa học các môn chuyên sâu. Các em đã cố gắng vận dụng và nghiên cứu tìm tòi một số kiến thức chưa học để thiết kế. Sự sáng tạo này hết sức táo bạo, đúng với tiêu chí của sinh viên đại học là nghiên cứu trước chứ không nhứt thiết chờ giảng viên dạy kiến thức cho mình…”.

Thực tế cho thấy, để sản phẩm này có thể sản xuất hàng loạt phục vụ cộng đồng đem lại hiệu quả tối ưu cần có thêm sự hướng dẫn cụ thể hơn từ các chuyên gia.

>> Phạm Ngọc Anh Tùng – chàng trai rôbốt

Truong Ngoc Cuong xu ly nuoc mua 03 26521

Trương Ngọc Cường (bìa phải) đang thuyết trình thiết bị Thu và xử lý nước mưa tự động phục vụ sinh hoạt tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc 2014.

Sắp tới, cả hai dự định lắp đặt hệ thống thu và xử lý nước mưa tự động tại cơ sở Dĩ An (Bình Dương) của Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, ký túc xá sinh viên ĐH Bách Khoa TP.HCM ở Q.10 (TP.HCM).

(tổng hợp từ Sài Gòn Giải Phóng, Tia Sáng)

Ảnh: facebook nhân vật

Bài trước

Bài tiếp