Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Bảy kỹ năng 4.0 SV phải có 

Ngoài kiến thức chuyên môn vững vàng, bảy kỹ năng sau đây sẽ giúp sinh viên sớm hòa nhập vào môi trường làm việc trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.

1. Kỹ năng ngoại ngữ 

Việc học ngoại ngữ ở bậc đại học không còn xa lạ đối với sinh viên trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Thông thạo thêm một ngoại ngữ mới không chỉ giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận nguồn tài liệu gốc, tìm kiếm thông tin học tập hữu ích mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận văn hóa, phong tục của quốc gia mà bạn học ngoại ngữ. Cơ hội nghề nghiệp cũng nhờ đó mà tăng lên, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp nhanh chóng hòa nhập vào môi trường làm việc đa quốc gia, đa văn hóa.

2. Kỹ năng công nghệ thông tin

Trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0, lẽ dĩ nhiên việc thành thục các kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản như Word, Excel, Powerpoint, Photoshop, Canva, C+,… sẽ giúp sinh viên viết báo cáo, tiểu luận, thiết kế slide, thuyết trình thu hút hơn, góp phần cải thiện năng suất học tập. Kỹ năng công nghệ thông tin còn giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng nữa đó.

3. Kỹ năng sáng tạo 

Sáng tạo là kết quả của quá trình dài rèn luyện, học hỏi, tích lũy tri thức, kinh nghiệm từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Tùy vào từng bối cảnh mà sinh viên sẽ linh hoạt vận dụng lượng kiến thức đó một cách kết hợp, đan xen (sáng tạo dựa trên những gì sẵn có) hoặc nghĩ ra cách làm khác (sáng tạo ra cái hoàn toàn mới) để giải quyết vấn đề triệt để hơn. Có kỹ năng sáng tạo, sinh viên sẽ “thoát” khỏi tư duy đóng khung (fixed mind), luôn chủ động, khao khát tìm tòi và phát hiện ra các khía cạnh mới của vấn đề.

Sinh viên có thể rèn luyện kỹ năng sáng tạo thông qua các hoạt động ngoại khóa (tham gia câu lạc bộ, các kỳ hội trại), các hoạt động được tích hợp trong chương trình giảng dạy, lớp học môn Kỹ năng Mềm, Kỹ năng Xã hội…

4. Kỹ năng tư duy phản biện 

Thiếu tư duy phản biện, bạn sẽ học tập, làm việc như một cái máy. Trong mọi bài giảng hay cuộc họp, bạn chỉ lắng nghe một chiều mà không bao giờ nêu lên ý kiến, ý tưởng mới hay lập trường riêng của mình. Tư duy phản biện giúp sinh viên tiếp cận vấn đề đa chiều, biết phân tích, nhìn nhận thấu đáo mọi việc và kỹ năng này sẽ giúp bạn thích nghi tốt trước mọi thay đổi của việc học, công việc.

5. Kỹ năng giao tiếp 

Đây là điều kiện tiên quyết giúp sinh viên hòa nhập vào bất kỳ môi trường nào. Bạn có thể phát triển kỹ năng giao tiếp qua nhiều hoạt động khác nhau như trò chuyện, thuyết trình, làm việc nhóm, tham gia trò chơi…

Kỹ năng giao tiếp không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà còn cả  kỹ năng viết, ngôn ngữ hình thể. Giao tiếp luôn bao gồm hai chiều: truyền tải thông điệp đi cần rõ ràng, dễ hiểu, lịch sự, hấp dẫn; và biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của mọi người một cách chân thành, thấu đáo.

6. Kỹ năng giải quyết vấn đề

Lên đại học, có rất nhiều tình huống phát sinh trong đời sống hàng ngày mà sinh viên phải đối mặt như quản lý chi tiêu cá nhân sao cho hợp lý, bất đồng quan điểm khi làm việc nhóm, hiểu lầm trong quan hệ với bạn bè, thầy cô, mất phương hướng trong học tập, công việc… Việc nắm vững kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ giúp bạn có sự tự tin, bình tĩnh để đưa ra phương án xử lý tối ưu nhất. Nhờ quá trình xác định, đánh giá và phân tích theo nhiều chiều hướng khác nhau mà bạn có một lựa chọn đúng đắn và làm chủ những vấn đề phát sinh. 

7. Kỹ năng hợp tác/ làm việc nhóm

Làm việc nhóm, hợp tác là kỹ năng quan trọng trong thời sinh viên khi mà đa phần các môn học đều liên quan đến bài tập lớp, bài tập nhóm, thuyết trình. Làm việc nhóm là cách thức nhiều người cùng thực hiện một nhiệm vụ và hướng đến mục tiêu chung, qua đó giúp mỗi cá nhân nhận ra thiếu sót của mình để khắc phục, trở nên hoàn thiện hơn. Có một nhóm bạn học hợp gu, sinh viên sẽ thấy việc học trở nên hào hứng, thú vị hơn.

Để làm việc nhóm có hiệu quả thì bạn cần phải biết tổ chức – phân công công việc đồng đều và hợp lý, tôn trọng, lắng nghe và giúp đỡ các thành viên, có trách nhiệm với phần việc mình được giao và luôn luôn hoàn tất đúng hẹn.

Tổng hợp: LINH LÊ – Hình: OISP

Bài trước

Bài tiếp