Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

HÀNH TRÌNH NGHIÊN CỨU XE ĐUA TỰ HÀNH CỦA SV CHUYỂN TIẾP QUỐC TẾ: TỪ ĐƯỜNG ĐUA ĐẾN ĐƯỜNG ĐỜI 

Mang hành trang Bách khoa bước ra thế giới, Vũ Minh Quân, K2018, ngành Kỹ thuật Cơ Điện tử, chuyển tiếp sang Đại học Công nghệ Sydney (UTS), đang thỏa sức chinh phục đường đua nghiên cứu xe đua tự hành cùng bạn bè quốc tế từ bệ phóng du học.

Với xuất phát điểm hai năm đầu tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHBK), Minh Quân đã có cơ hội nuôi dưỡng niềm hứng thú với lập trình điều khiển tự hành cho robot. Tìm hiểu chương trình Chuyển tiếp Quốc tế sang UTS — đại học trẻ xếp hạng 88 trên thế giới (theo QS World University Rankings 2025) tại thành phố Sydney, Úc – Minh Quân đã phải lòng ngay và sẵn sàng bắt đầu một cuộc sống tự lập xa nhà, hứa hẹn những trải nghiệm thú vị. Thế nhưng, lúc ấy Minh Quân không ngờ rằng bạn sẽ tìm thấy nhiều giá trị hơn thế.

Bắt đầu tìm hiểu về chuyển tiếp du học, Trường ĐHBK đã đồng hành cùng Quân hoạch định lộ trình bài bản để kịp thời chuẩn bị hồ sơ nhập học và hướng dẫn nộp thị thực, giúp việc chinh phục xứ sở chuột túi trở nên thuận lợi hơn. 

Không chỉ thế, thông qua việc học tập giai đoạn đầu tiên tại Trường ĐHBK, Quân có cơ hội trau dồi thêm vốn liếng tiếng Anh, kỹ năng học tập bậc đại học và tinh thần làm việc nhóm nhờ những giờ học kỹ năng mềm và lớp chuyên ngành. Đó là những hành trang quý báu giúp Quân tự tin bước ra thế giới, vào môi trường đa văn hoá như Úc.

Một năm sau khi chuyển tiếp thành công sang UTS, Minh Quân tìm thấy Đội Sinh viên Nghiên cứu Xe đua tự hành UTS (UTS:MA) như một cơ hội chân ái để khám phá vẻ đẹp liên ngành thực tiễn trong lĩnh vực cơ điện tử. Ban đầu, đội lập trình tự hành còn sơ khai, hệ thống phần mềm còn chưa giao tiếp các bộ phận với nhau, cũng như thiếu kinh nghiệm với những công cụ và kiến thức robotics đặc thù. Nhờ tận dụng triệt để kiến thức về lập trình robot, Minh Quân đã cùng đội phát triển phần mềm mô phỏng và lập trình thuật toán tìm đường cho xe.

Cuối năm 2023 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi đội sở hữu tấm vé tham gia FSAE Australasia tại Melbourne – cuộc thi lớn về xe công thức xuyên suốt ba ngày giữa hàng trăm sinh viên từ khắp các trường ĐH của Úc, Nhật, New Zealand, Đài Loan, Indonesia, Ấn Độ. “Chúng mình được mở mang tầm mắt với những chiếc xe xịn sò khác, và đặc biệt hơn, tất cả đều là đứa con tinh thần của các sinh viên đại học như tụi mình. Điều đó tạo cho mình một động lực lớn để xây dựng bộ phận lập trình của mình.”, Quân chia sẻ.

Chính tinh thần máu lửa xuyên suốt hành trình ấy đã thôi thúc Minh Quân quyết định trải nghiệm niềm đam mê này trọn vẹn hơn ở vai trò mới, dẫn dắt bộ phận lập trình tự động.

Trở thành người đứng đầu phần lập trình tự động của UTS:MA, đó là lúc Minh Quân nhận ra: “Mình bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến bức tranh tổng quan của một hệ thống tự hành, cân nhắc những thiết bị và phần mềm có thể áp dụng và cách để tích hợp chúng. Những thử thách – rồi cũng trở thành cơ hội cho mình phát triển kỹ năng giao tiếp và quản lý dự án, mạnh dạn bước khỏi vùng an toàn của bản thân. Những người đồng đội đa quốc gia luôn mang lại sự hào hứng và đam mê với kỹ thuật, cho mình cảm giác luôn được học hỏi và cần phải trau dồi nhiều hơn.”

Với Quân, từ bệ phóng chương trình Chuyển tiếp Quốc tế tại Trường Đại học Bách khoa, Quân có cơ hội học hỏi từ cả hai nền giáo dục Việt Nam và Úc. Trải nghiệm cơ sở vật chất bậc nhất ngay tại trung tâm Sydney, chương trình giảng dạy và môi trường nghiên cứu chuẩn quốc tế của UTS trao Quân cơ hội tiếp cận với lĩnh vực robotics yêu thích và khai phá bản thân trước những hướng đi trong tương lai. Thế nhưng, cách tiếp cận thiên về học thuật của UTS cũng yêu cầu sinh viên phải tự chủ động tìm hiểu và trải nghiệm thực tế bên ngoài nhiều hơn để tăng sức cạnh tranh khi bước vào môi trường việc làm sau này – điều mà Quân nhận thấy là điểm mạnh của các bạn sinh viên Việt Nam. Và bằng cách đó, giá trị của việc du học còn nằm ở cơ hội để Minh Quân tiếp xúc với đặc tính văn hóa, xã hội đa dạng của một đất nước mới.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều suôn sẻ. Thách thức lớn nhất của Minh Quân là cân bằng giữa việc đi học, đi làm, trải nghiệm và thích nghi với cuộc sống du học. Nhìn lại hành trình chuyển tiếp tại đất nước chuột túi, Minh Quân rút ra bài học: “Mình tự thôi thúc rằng cần đặt những câu hỏi phản tư về việc mình muốn làm, và nên đầu tư thời gian cho điều gì. Phải lựa chọn giữa những ưu tiên khác nhau là một việc khó, nhưng đồng thời lại giúp mình có một nền tảng tâm lý vững chắc, tạo động lực vượt qua những khoảng thời gian bận rộn và khó khăn.”

“Nước Úc” của Minh Quân không chỉ gói gọn trong những giờ phút căng thẳng bên phòng thí nghiệm mà còn là các hội bạn cùng chung chí hướng và các đàn anh khóa trên, mang về nhà những kỷ niệm khó quên trên hành trình thích nghi và khám phá cuộc sống ở đất nước mới. “Mình đến với UTS:MA để được áp dụng những kiến thức chuyên ngành mình thích, nhưng gắn bó với nó vì những mối quan hệ tốt mà mình có được.” – Quân tâm đắc. 

Sau hai năm hoạt động tích cực trong nhóm UTS:MA, Minh Quân nhận ra rằng nghiên cứu và kỹ thuật có sự liên kết chặt chẽ, là nền tảng bổ trợ cho một dự án thành công. Bên cạnh việc học tập và tham gia nghiên cứu, Quân cũng đang khám phá các cơ hội thực tập trong lĩnh vực deep learning (học sâu) ứng dụng vào nông nghiệp. Sau cùng, với Quân, UTS:MA vẫn luôn là trạm sạc năng lượng, giúp Quân bứt tốc trên hành trình khám phá bản thân và chinh phục vẻ đẹp của khoa học, kỹ thuật. 

Dự án xe tự hành của UTS:MA do Trường Kỹ thuật và Công nghệ Thông tin (Faculty of Engineering and IT) của UTS quản lý và vận hành hầu hết bởi sinh viên. UTS cung cấp giảng viên hỗ trợ đội về mặt chuyên môn, ngân sách và gợi ý các hoạt động gây quỹ bổ sung, cũng như các cơ sở vật chất cần thiết như nhà xưởng, phòng máy tính và truyền thông. Mô hình này giúp sinh viên có đủ sự tự do, bản lĩnh để thiết kế và nâng cấp chiếc xe đua tự hành.

Bài: THÀNH THƠ – Ảnh: MINH QUÂN

Bài trước

Bài tiếp