Nghiên cứu khoa học trong thanh niên

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG THANH NIÊN – MỘT VÀI QUAN SÁT

TS.  Vũ Thế Dũng

Khoa Quản Lý Công Nghiệp, Đại Học Bách Khoa Tp. HCM
Ước mơ và sự chuẩn bị
Bài viết của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng trên báo Thanh niên (Thanh Niên, 14/01/2004)  đầu năm nay nêu một vấn đề rất đáng suy nghĩ – Việt Nam đang rất cần những “cái đầu lớn” từ lớp thanh niên hiện đại. Quả như vậy, khi thách thức và cơ hội lớn của một xã hội tri thức đang ngày một hiện thực, trách nhiệm thời đại đang đặt nặng trên vai giới trẻ. Những “cái đầu lớn” phải đến từ những “mơ ước lớn” và “tri thức lớn”. Ước mơ – hoài bão là những xuất phát điểm quan trọng, nó là cơ sở đầu tiên để mỗi cá nhân, tổ chức, và dân tộc cất cánh. Nhưng ước mơ sẽ chỉ chỉ là mơ ước viển vông nếu nó không đi kèm với những sự chuẩn bị cần thiết để thực hiện ước mơ đó. Sự chuẩn bị trong hành trình của mỗi giấc mơ có nhiều thành phần, nhưng thành phần quan trọng nhất hiện nay và trong tương lai phải kể đến Tri thức với hai quá trình song hành và bổ xung cho nhau – tích lũy tri thức và phát triển tri thức. Nếu như học tập là quá trình tích lũy tri thức thì nghiên cứu khoa học, tìm lời giải cho các bài toán trong khoa học và thực tiễn là quá trình phát triển các tri thức mới. Học tập và nghiên cứu khoa học do vậy là hai quá trình song hành, không thể thiếu đối với thanh niên hiện nay.
Trong bài viết này tôi muốn trao đổi một vài quan sát và nhận xét của cá nhân về vấn đề nghiên cứu khoa học trong giới sinh viên và giảng viên trẻ hiện nay rút ra từ quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hướng dẫn sinh viên thuộc chuyên ngành quản trị kinh doanh. Một tín hiệu lạc quan rất đáng chú ý mà tôi nhận thấy là giảng viên và sinh viên của chúng ta rất ham học hỏi và rất nhiệt huyết. Bên cạnh đó, dư luận xã hội cũng thể hiện sự quan tâm và khuyến khích tinh thần học hỏi và nghiên cứu khoa học của thanh niên. Một điều dễ nhận thấy, số lượng nghiên cứu khoa học trong sinh viên và giảng viên tăng lên hàng năm nhưng có lẽ chất lượng thực tế thì không nhiều. Ngoài việc cho điểm của ban giám khảo ở các cuộc thi chúng ta chưa có các công cụ để đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học. Phần nhiều các công trình nghiên cứu (kể cả đoạt giải cao) không thể công bố trong các hội nghị khoa học hay trên các tạp chí khoa học uy tín của quốc tế – một tiêu chí đánh giá chất lượng hết sức quan trọng của cộng đồng khoa học thế giới. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính nằm ở chỗ chúng ta không nghiên cứu theo chuẩn của thế giới và không có định hướng nghiên cứu rõ ràng. Không biết bắt đầu từ đâu, lúng túng trong định hướng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu, không tiếp cận và kế thừa được các kết quả nghiên cứu của cộng đồng khoa học thế giới là hiện tượng khá phổ biến. Thực tế có rất nhiều công trình nghiên cứu tác giả bỏ ra rất nhiều công sức nhưng chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần cầu tiến chứ không có giá trị khoa học và thực tiễn. Như vậy, ước mơ và nhiệt huyết thì đã có nhưng sự chuẩn bị cần thiết cho nghiên cứu khoa học thì chúng ta còn rất thiếu. Cũng nên nhận thức rằng, nghiên cứu khoa học không có “cấp trường, cấp bộ, cấp Việt Nam”, mà khoa học chỉ ghi nhận những đóng góp thực sự cho tri thức nhân loại. Chúng ta đang trên đường hội nhập thì tri thức và nghiên cứu khoa học cũng phải hội nhập với chuẩn và tầm vóc của thế giới.
Những rào cản
Rào cản lớn hiện nay đối với nghiên cứu khoa học đến từ cả hai phía: chủ quan và khách quan. “Nội lực chưa thâm sâu”, chưa được trang bị phương pháp nghiên cứu khoa học, chưa tích lũy đầy đủ các kiến thức và lý luận căn bản của ngành khoa học mà mình nghiên cứu, chưa biết phạm vi và những vấn đề nghiên cứu chính mà ngành và thực tiễn đặt ra cho một nhà nghiên cứu, và thậm chí khả năng ngoại ngữ là các rào cản cơ bản từ phía chủ quan của các nhà nghiên cứu trẻ. Giải quyết vấn  đề này, ở các đơn vị nghiên cứu thường bố trí các sinh viên hay giảng viên trẻ làm việc dưới sự hướng dẫn của các nhà nghiên cứu kinh nghiệm. Tuy nhiên hiện nay, không tiếp cận được các công trình nghiên cứu trên thế giới là rào cản khách quan chính hạn chế năng lực nghiên cứu của các nhà nghiên cứu dù kinh nghiệm hay không. Thư viện điện tử với các cơ sở dữ liệu on-line cho phép cộng đồng khoa học trên thế giới đẩy mạnh giao lưu và cập nhật các kết quả nghiên cứu mới nhất. Ở Việt nam tôi chưa được biết đến có trường đại học nào mua quyền truy cập các cơ sở dữ liệu này. Để có được các công trình nghiên cứu khoa học “nghiêm túc” phải có sự đầu tư nghiêm túc cho tài liệu, hệ thống thông tin (máy tính, internet), và các trang thiết bị phụ vụ nghiên cứu. Ngoài ra cần tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu tham dự các hội thảo khoa học quốc tế, một kênh giao lưu quan trọng để thiết lập quan hệ nghiên cứu – trao đổi khoa học.
Xa rời với các trào lưu nghiên cứu trên thế giới dẫn đến một hiện tượng đáng lo ngại– coi thường lý thuyết. Rất nhiều người tự hào nghiên cứu thực tiễn mà không cần lý thuyết. Thực tiễn phản chiếu điều gì nếu không có một cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu khoa học vững vàng. Nhiều người luận rằng, khi vận dụng các lý thuyết của trên thế giới không giải thích tốt được, không ăn nhập điều kiện Việt Nam nên thực tế không sử dung được và dẫn đến chỉ làm thực tiễn. Ở đây có mấy hàm ý. Các lý thuyết xã hội học có tính tình huống rất cao, do vậy cần có sự điều chỉnh để hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Thứ hai khi giải quyết bài toán thực tiễn không đơn thuần vận dụng một lý thuyết mà thường phải vận dụng tập các lý thuyết –  do vậy của các nhà nghiên cứu trên thế giới đều bắt đầu công việc nghiên cứu từ nghiên cứu lý thuyết rồi từ những vấn đề rút ra trong lý thuyết sẽ đi vào nghiên cứu thực tiễn. Đây chính là công việc kế thừa các kết quả nghiên cứu trước và tìm ra các điểm yếu hay những vấn đề chưa giải thích được để làm cơ sở cho nghiên cứu tiếp theo. Trường hợp của chúng ta đa phần lại nằm ở chỗ không tiếp cận được và cũng không hiểu thấu đáo lý thuyết nên “đài các” đi đến kết luận mình là “nhà thực tiễn” – một danh xưng khá “sang trọng”. Chúng ta thường hay gặp kiểu lý luận: “Bill Gate có tốt nghiệp đại học đâu mà vẫn là tỷ phú đó!”. Cái quan trọng không phải là tấm bằng đại học mà Bill và Microsoft học tập và tích lũy kiến thức liên tục. Điều duy nhất những người lý luận kiểu này giống Bill là không có bằng đại học, còn tư chất thiên tài và liên tục học tập thì chẳng theo kịp Bill.
Khá nhiều các nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế và quản lý hiện nay thiên về xu hướng chuẩn tắc (normative), tức là nêu ra những cái nên làm, cần làm (what should) với rất nhiều kiến nghị, đề nghị (cần, phải làm cái A, B). Cần chú ý rằng, một nghiên cứu chuẩn tắc chỉ có ý nghĩa khi nó dựa trên các kết quả nghiên cứu thực chứng (positive) – những cái đang diễn ra, các mối quan hệ khách quan (what is). Nếu không có nghiên cứu cái đang diễn ra, các mối quan hệ nhân quả giữa các sự vật và hiện tượng thì nghiên cứu chuẩn tắc rất vô nghĩa. Chính vì vậy nghiên cứu khoa học rất chú trọng nghiên cứu thực chứng – Vai trò chính của người làm công tác nghiên cứu. Còn chuẩn tắc – hay sự ứng dụng trong những hoàn cảnh cụ thể thì lại rất đề cao sự kết hợp với các nhà thực tiễn (kết hợp nhà trường với doanh nghiệp, v.v.). Mặc dù nghiên cứu chuẩn tắc vẫn là một nhánh quan trọng của nghiên cứu khoa học. Chúng ta có quá nhiều các nghiên cứu: phải làm cái này, phải làm cái nọ, kiến nghị không trên cơ sở nghiên cứu thực chứng nghiêm túc, nên các kết quả nghiên cứu loại này phần nhiều vô nghĩa: cho khoa học và cho đối tượng sử dụng (chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp).
Một rào cản khách quan nữa đến từ cơ chế quản lý. Chúng ta kêu gọi nhiều về nghiên cứu khoa học nhưng không cụ thể trong mục tiêu, phân bổ nguồn lực, kế hoạch thực hiện nên rất nhiều các kêu gọi chỉ mang tính hình thức, phong trào. Mặt khác, thông tin về tình hình nghiên cứu và các kết quả nghiên cứu trong nước cũng không thông suốt. Các kết qủa được lưu trữ ở các cơ sở dữ liệu khác nhau không liên kết trong một môi trường đồng nhất nên nhà nghiên cứu rất khó tìm hiểu và truy cập.
Cuối cùng, nghiên cứu khoa học là quá trình đầu tư dài hạn. Nó là sự cộng hưởng của hoài bão và tri thức. Các rào cản khách quan và chủ quan cần được tìm hiểu và gỡ bỏ để tri thức Việt Nam hội nhập với tri thức thế giới. 

Bài trước

Bài tiếp