Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Để thành công giữa 100.000 kỹ sư tốt nghiệp mỗi năm

Có thành tích học tập tốt, thành thạo kỹ năng mềm và giỏi tiếng Anh là những điều kiện cốt lõi. Thông tin được hai cựu sinh viên ĐH Bách Khoa chia sẻ tại hội thảo Business & Engineering Talk #2 chủ đề “Con đường sự nghiệp của kỹ sư” diễn ra vào thứ Bảy 26/3/2016.

Có thành tích học tập tốt, thành thạo kỹ năng mềm và giỏi tiếng Anh là những điều kiện cốt lõi. Thông tin được hai cựu sinh viên ĐH Bách Khoa chia sẻ tại hội thảo Business & Engineering Talk #2 chủ đề “Con đường sự nghiệp của kỹ sư” diễn ra vào thứ Bảy 26/3/2016.

► Giám đốc tiếp thị Google Việt Nam: hỏi để thành công

Tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư Kỹ thuật Hóa học – ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trên tay nhưng lại gặt hái thành công trong lĩnh vực quản trị – dịch vụ, chị Trần Quang Thúy Phượng (giám đốc dự án ERP) và chị Trần Thị Cẩm Tú (phó giám đốc Công ty Talentnet)  đã chứng minh rằng: kỹ sư hoàn toàn có thể áp dụng kiến thức kỹ thuật vào các khối ngành khác.

KỸ SƯ VÀ NHỮNG CÔNG VIỆC NGOÀI KHỐI KỸ THUẬT 

Con duong nghe nghiep ky su Bach Khoa 01

Theo chị Thúy Phượng, con đường dẫn đến thành công không dễ dàng.

Kỹ thuật được xem là nhóm ngành “khó nhằn” đối với sinh viên nữ vì đặc trưng chuyên môn liên quan đến máy móc và tính chính xác. Suy nghĩ đó từng gây bất lợi cho chị Phượng trong việc tìm kiếm công việc phù hợp, vì những nhà tuyển dụng thường không đánh giá cao khả năng của các nữ kỹ sư.

Theo chị, con đường dẫn đến thành công không được trải hoa, lót thảm, mà mọi sinh viên khi ra trường đều phải nỗ lực hết mình để tìm được chỗ đứng cho bản thân.

“Sinh viên sau tốt nghiệp thường mong muốn tìm kiếm cho mình những ngành nghề có thu nhập cao, nhưng lại không suy nghĩ đến việc mình có thể làm công việc đó lâu dài được hay không. Thay vào đó, các em nên ưu tiên chọn những việc phù hợp với khả năng, sở thích của mình trước” – chị Phượng chia sẻ.

Chị cũng liệt kê ra ba ngành nghề đòi hỏi sự tinh tế, mềm dẻo, phù hợp với tố chất của các nữ kỹ sư:

  1. Chuyên viên tư vấn về mảng kỹ thuật
  2. Giảng viên cho các trường đại học, cao đẳng
  3. Chuyên viên kinh doanh

TÂN KỸ SƯ CÓ NÊN LO LẮNG? 

Con duong nghe nghiep ky su Bach Khoa 02

Fresh graduates, chúng ta có đủ sức trẻ và nghị lực để chứng tỏ mình xứng đáng được doanh nghiệp tuyển dụng.” – Trần Thị Cẩm Tú

Một bạn trẻ băn khoăn: làm sao để thuyết phục doanh nghiệp chọn sinh viên mới ra trường chứ không phải những người đã có kinh nghiệm làm việc? Không ngần ngại, chị Cẩm Tú đáp ngay: trước hết, vì chúng ta là những người trẻ tuổi, có đủ nhiệt huyết và thời gian để chấp nhận những rủi ro, sẵn sàng lao vào công việc và hết mình vì nó.

Bên cạnh đó, chị cũng nhấn mạnh tính từ “fresh” – sinh viên vừa tốt nghiệp như một làn gió mới, không bị gò bó trong khuôn khổ và “always be willing to learn”.

CÁC TIPS ĐỂ CÓ HỒ SƠ XIN VIỆC ẤN TƯỢNG

Sau khi chia sẻ những kinh nghiệm làm việc của bản thân, hai chị đúc kết lại một số “bí kíp bỏ túi” giúp sinh viên gây ấn tượng khi ứng tuyển công việc.

1. Thành tích học tập tốt

Hầu hết các công ty đều yêu cầu ứng viên phải có điểm trung bình (GPA) từ 7.0 trở lên. Tuy nhiên, điểm số không phải là tất cả khi có rất nhiều nhà tuyển dụng khi phỏng vấn thường đặt ra những bài tập tình huống (case-study) hay phần thuyết trình (presentation) đòi hỏi sự nhạy bén và tự tin.

2. Trình độ tiếng Anh và kỹ năng mềm

Phó lãnh đạo Talentnet không quên nhắc nhở rằng, về kiến thức chuyên môn thì sinh viên Việt Nam không thua kém, nhưng so với các nước trong khu vực thì chúng ta còn hạn chế về ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh). Bên cạnh đó, kỹ năng mềm (soft skills) vốn được các nhà tuyển dụng xem là tiêu chí sàng lọc các ứng viên giỏi, lại chưa được chú trọng đào tạo ở bậc học.

Góp thêm kinh nghiệm cá nhân trong việc rèn luyện kỹ năng mềm, sinh viên Nam đến từ khoa Kỹ thuật Hóa học chia sẻ một số phương pháp mà bạn đã ứng dụng lâu nay. Đó là tích cực tham gia vào các dự án nhóm để phát triển kỹ năng team-work, tham gia hoạt động xã hội để mở mang kiến thức, hay đăng ký một công việc làm thêm để tích lũy vốn sống và nâng cao khả năng giao tiếp cho bản thân.

Theo Nam, kỹ năng mềm có thể được tích lũy qua các hoạt động Đoàn hội, cộng đồng.

3. Tìm hiểu kỹ về công ty định ứng tuyển

Từng tham gia phỏng vấn ứng viên cho chương trình Unilever Future Leader Program (UFLP), chị Tú kể lại trường hợp đáng tiếc về một ứng viên vốn có nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo, giải quyết tình huống linh hoạt, nhưng cuối cùng vẫn bị loại vì nhầm lẫn sản phẩm của Unilever với công ty khác.

Để tránh xảy ra tình huống đáng tiếc như vậy, chị khuyên các bạn nên tìm hiểu kỹ không chỉ sản phẩm, dịch vụ mà còn cả chính sách và chiến lược của công ty, trước khi quyết định nộp đơn ứng tuyển vào.

Bài: ÁI VÂN – Ảnh: MẠNH QUÂN

Bài trước

Bài tiếp