Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Em đang suy nghĩ – thật không?

Hướng dẫn luận văn sinh viên, hay thỉnh thoảng trao đổi với các bạn trẻ (và cả những bạn không còn trẻ), mình hay thấy các bạn nói bạn bị rối, chưa biết bắt đầu từ đâu. Bạn nói bạn có nhiều ý tưởng, nhưng khi hỏi ra thì cứ cái nọ, xọ cái kia, lộn xộn, mơ hồ.

Hướng dẫn luận văn sinh viên, hay thỉnh thoảng trao đổi với các bạn trẻ (và cả những bạn không còn trẻ), mình hay thấy các bạn nói bạn bị rối, chưa biết bắt đầu từ đâu. Bạn nói bạn có nhiều ý tưởng, nhưng khi hỏi ra thì cứ cái nọ, xọ cái kia, lộn xộn, mơ hồ.

1.Em dang suy nghi 02

Bạn A: Em học kỹ thuật nhưng thích khởi nghiệp.

Thầy D: Rất tốt. Em muốn khởi nghiệp thế nào?

Bạn A: Em muốn mở một quán café.

Thầy D: Quán đó thế nào? Khác gì với các quán khác?

Bạn A: Àh… ừm…, em đang suy nghĩ.

Thầy D: Em suy nghĩ thế nào?

Bạn A: Thì em ngồi suy nghĩ…

Thầy D: Sài Gòn có những loại quán café nào? Em thích quán em thế nào? Khách hàng đến quán em là ai?…

Bạn A: Em… em… chưa nghĩ đến đó.

Thầy D: Vậy em suy nghĩ gì?

2.

Đoạn hội thoại trên rất phổ biến. Có một vấn đề cực lớn: tư duy và phương pháp tư duy. Đầu tiên, ý tưởng muốn mở một quán café như trên chưa phải là ý tưởng gì cả. Nó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua, chẳng có giá trị gì. Để trở thành một ý tưởng nghiêm túc, ít nhất phải:

– Tự đặt ra hàng chục câu hỏi quan trọng như: Cái gì làm quán của bạn độc đáo? Có thực là độc đáo không? Khách hàng có thích cái độc đáo đó không? Thích rồi có mua không? Cái độc đáo đó có thực hiện được trên thực tế không? Đối thủ có dễ copy cái độc đáo của ta không? Đối thủ hơn ta cái gì? Khách hàng chính là ai? Vốn đầu tư bao nhiêu? Công nghệ nào? Doanh thu bao nhiêu thì hoà vốn? Làm thế nào bán hàng? Ai sẽ góp vốn cùng mình? Sẽ có những khó khăn nào khi bắt tay vào làm?

– Làm mọi cách để trả lời các câu hỏi này bằng internet, bằng hỏi người có kinh nghiệm, đọc sách, quan sát trên thực tế.

– Sau khi đã có câu trả lời cho các câu hỏi trên thì ít nhất bạn mới có thể nói mình có một ý tưởng kinh doanh.

– Từ ý tưởng mới tiếp tục phát triển thành một kế hoạch…

Cũng như câu hỏi “học trường nào thành thủ tướng?”, “học trường nào thành tỉ phú?”, hầu hết chẳng tiến gì xa hơn câu hỏi đầu tiên hay ý tưởng mơ hồ đầu tiên này, nhưng lại cho rằng mình đang có những ý tưởng vĩ đại.

3.

Không phải ngồi suy nghĩ tức là tư duy. Tư duy là suy nghĩ một cách có phương pháp để trả lời những câu hỏi cụ thể từ đơn giản đến ngày càng phức tạp.

– Đặt ra các câu hỏi. Viết và phân loại câu hỏi mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn. Chỉ hỏi trong đầu thì thiếu hệ thống và chuyện nọ xọ chuyện kia.

– Tìm câu trả lời từ nhiều nguồn: internet, sách, hỏi người có kiến thức và kinh nghiệm liên quan, thực nghiệm.

– Tìm bằng các từ khóa. Tìm đi, tìm lại cho đến khi ra kết quả. Không phải ngẫu nhiên mà từ nghiên cứu trong tiếng Anh là research – tức re search.

– Tìm ra kết quả có liên quan thì lưu lại, rồi đọc đi đọc lại, rồi ghi chú những ý quan trọng. Viết, ghi chú, hiệu chỉnh. Đọc, viết, đọc lại, mô hình hóa những gì đã đọc, đã viết, chính là tư duy.

– Đọc lại những ghi chú này, và tìm cách tổng hợp chúng, kết nối chúng. Bước này là bước khó. Ở bước tìm và ghi chú ta nắm các khái niệm, vấn đề độc lập, ta hiểu A, hiểu B. Khi tổng hợp tức là ta tìm mối quan hệ AB, tìm hiểu các điều kiện thuận lợi cho AB diễn ra và nếu AB diễn ra thì C xuất hiện. Lúc này chính là lúc ta tư duy bậc cao, từ những khái niệm, vấn đề lẻ tẻ, độc lập, ta hình thành các liên kết và tạo ra một bức tranh chung.

Ví dụ: Sau khi tìm hiểu, ta thấy công thức của Học là:

Học = nghe + nói + đọc + viết + thực hành

Vẽ mô hình hay viết ra công thức chính là một kết quả của tư duy. Trong công thức trên cần chú ý không chỉ các thành phần như nghe, nói, đọc, viết, thực hành, mà cần chú ý cả dấu cộng (+), hay sự tương quan của các yếu tố này với nhau.

Vậy kết quả của bài viết này có thể tạm công thức hóa như sau:

Tư duy = đặt câu hỏi + tìm kiếm thông tin + đọc + viết (ghi chú, phân tích) + mô hình hóa (thiết lập các mối quan hệ giữa các thành phần) => đạt đến nhận thức mới, cải thiện chất lượng tư duy.

Thế nên cứ ngồi mơ màng thì chẳng phải là tư duy đâu.

TS. VŨ THẾ DŨNG – Phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa

Hình minh họa: internet

Bài trước

Bài tiếp