Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân “đặt hàng” Bách Khoa xây dựng đô thị thông minh

Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị Đại học Bách Khoa nghiên cứu sâu ba lĩnh vực xây dựng đô thị thông minh, vi mạch và thiết bị nông nghiệp.

Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị Đại học Bách Khoa nghiên cứu sâu ba lĩnh vực xây dựng đô thị thông minh, vi mạch và thiết bị nông nghiệp.

BKU60 post ceremony 27.10.2017 01

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM. – Ảnh: Vietnamnet

Ngày 27/10/2017, tại Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM)  BK Home Coming Day, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố đang cần nền tảng mới về nguồn nhân lực cũng như khoa học, công nghệ chất lượng và bền vững hơn để phát triển.

Bối cảnh này đòi hỏi các trường đại học, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học phải nỗ lực đáp ứng được những đòi hỏi và yêu cầu của xã hội.

Ông cho biết, TP.HCM vừa đặt hàng Đại học Quốc gia TP.HCM và một số đại học rà soát quy hoạch ba quận phía Đông (2, 9, Thủ Đức) trở thành khu đô thị sáng tạo. Khẳng định Đại học Bách Khoa với thế mạnh đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, ông muốn trường tham gia triển khai hiệu quả đề án xây dựng đô thị thông minh của thành phố.

Một số công việc trọng tâm như xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho TP.HCM, nghiên cứu các giải pháp thông minh cho các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục.

Ông Nhân đề nghị Bách Khoa đẩy mạnh chương trình nghiên cứu, thiết kế vi mạch của thành phố để sản xuất các sản phẩm đầu cuối thông minh có tính ứng dụng cao.

“Trường cần tham gia nghiên cứu, sản xuất, cung cấp các thiết bị, công cụ sản xuất nông nghiệp thông minh, chi phí thấp và phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho các tỉnh thành phía Nam. Bởi nhu cầu công nghệ cho ngành này hiện rất lớn”, ông Nhân nói.

Từng giảng dạy rồi làm Phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa, Bí thư TP.HCM bày tỏ sự xúc động khi về thăm trường cũ. Ông gởi lời tri ân đến các thế hệ cán bộ, giảng viên của Đại học Bách Khoa trong 60 năm đã cùng góp sức xây dựng một trung tâm đào tạo nhân lực kỹ thuật, công nghệ lớn ở Việt Nam.

Về trường dịp này còn có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình – cựu sinh viên Xây dựng Bách Khoa, ông Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương cùng đông đảo các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên qua các thời kỳ.

Ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, cài Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ hai) do Chủ tịch nước trao tặng, lên cờ truyền thống Đại học Bách Khoa. – Ảnh: Vietnamnet 

Cho đến nay, Đại học Bách Khoa đã đào tạo và cung cấp cho xã hội hơn 80.000 kỹ sư, 10.000 thạc sĩ, 200 tiến sĩ làm việc trên khắp cả nước và nhiều nơi trên thế giới. Hiện nay, tổng số cán bộ viên chức nhà trường là hơn 1.200 người, trong đó có hơn 755 cán bộ là giảng viên cơ hữu với 11 giáo sư, 107 phó giáo sư, 397 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học. Tỉ lệ cán bộ giảng viên có trình độ sau đại học là hơn 90%.

Bên cạnh các chương trình truyền thống, Bách Khoa đang tập trung mở rộng đào tạo các chương trình Chất lượng cao và Liên kết Quốc tế. Theo đó, sinh viên được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, bằng chính quy do Bách Khoa hoặc đại học đối tác nước ngoài cấp.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, Đại học Bách Khoa đã chủ động và tiên phong trong công tác nâng cao và đảm bảo chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế. Đến nay, trường là một trong bốn trường đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận đạt chuẩn của Hội đồng Cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) thuộc Hiệp hội Đảm bảo chất lượng châu Âu (ENQA), cùng 22 chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn bởi các tổ chức kiểm định chất lượng uy tín trên thế giới (trong đó có hai chương trình đạt chuẩn ABET của Hoa Kỳ, bảy chương trình đạt chuẩn CTI của châu Âu).

Nhìn lại chặng đường 60 năm hình thành và phát triển, GS. TS. Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng nhà trường cho biết về năm nhóm giải pháp trọng tâm trong chiến lược phát triển giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2030 mà Đại học Bách Khoa hướng tới:

  • Cải tiến mô hình quản lý và quản trị hướng tới một trường đại học tự chủ

  • Xây dựng triết lý giáo dục khai phóng, kích thích sự sáng tạo của người học dựa trên kiến thức chuyên môn khoa học công nghệ vững chắc

  • Phát triển tính năng động, tinh thần khởi nghiệp của giảng viên và sinh viên

  • Duy trì chất lượng cao trong đào tạo thông qua hoạt động kiểm định chất lượng quốc tế

  • Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động đóng góp cho xã hội

Một số hình ảnh và video về BK Home Coming Day:

Quang cảnh lễ kỷ niệm trong Hội trường A5.

Bên ngoài Hội trường A5, nơi tiếp đón các vị khách quý.

Khu vực sân cỏ – nơi diễn ra các hoạt động nhảy đối kháng, trình diễn nhạc flamenco – thu hút đông đảo sinh viên.

Tiết mục của sinh viên trường Đại học Công nghiệp – khách mời cuộc thi nhảy đối kháng.

Sinh viên Bách Khoa “quẫy” tưng bừng.

Lưu lại khoảnh khắc lưu niệm 60 năm mới có một lần.

Gian trưng bày các thành tựu khoa học kỹ thuật của kỹ sư Bách Khoa.

Không gian BK Home Coming Day nhìn từ trên cao.

Chùm videoclip toàn cảnh BK Home Coming Day.

THI CA tổng hợp – Ảnh, clip: OISP, BKU60

Bài trước

Bài tiếp