Xin gởi đến mọi người câu chuyện của tôi, một cựu sinh viên Bách khoa K2010, Chương trình Tiên tiến, ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử (có thể xem là một cựu “OISPer”) và hiện đang là một nghiên cứu sinh Tiến sỹ ngành Kỹ thuật Điện ở Viện Đại học Bang Oklahoma (Oklahoma State University, OSU), tọa lạc tại thành phố Stillwater, tiểu bang Oklahoma, Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
Sau khi hoàn tất chương trình Thạc Sỹ cũng về ngành Kỹ thuật điện, tôi muốn tìm cho mình một sự trải nghiệm thú vị ở một vùng đất mới. Và khi đó, tôi quyết định rời bỏ miền cao nguyên Fayettville (bang Arkansas), nơi tôi đã gắn bó hai năm kể khi mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, khăn gói lên đường tiến về miền Viễn Tây, nơi vùng thảo nguyên bán hoang mạc Stillwater đang vẫy gọi với bao thử thách và cơ hội đang chờ đón.
BẠN KHÔNG THÍCH NHIỆT ĐỘ Ở ĐÂY Ư? XIN CHỜ MỘT PHÚT
Ấn tượng đầu tiên của tôi về ngôi trường này, chính là đi đâu cũng thấy một màu cam chói lọi, từ các tòa nhà đến các vật dụng thường ngày, đúng với sự tự hào mà sinh viên trường hay khoe với bạn bè: “Màu cam rực rỡ nhất nước Mỹ” (America’s Brightest Orange). Một điểm thú vị khác, hay nói đúng hơn là một thử thách khó khăn, của vùng đất này chính là sự thay đổi nhanh đến mức chóng mặt của thời tiết. Người dân ở đây vẫn truyền tai nhau một câu nói vui: “Bạn không thích nhiệt độ ở đây ư? Xin đợi cho 1 phút!”. Bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy, giữ sức khỏe là một điều cực kỳ quan trọng ở vùng đất này, vì chỉ trong tích tắc, khoảng vài ba tiếng đồng hồ, nhiệt độ có thể thay đổi từ vài mươi xuống âm độ C.
Chỉ trong tích tắc, khoảng vài ba tiếng đồng hồ, nhiệt độ có thể thay đổi từ vài mươi xuống âm độ C.
HÀNH TRÌNH THÀNH TIẾN SỸ: KHÔNG CHỈ LÀ NGHIÊN CỨU
Với nhiệm vụ của một nghiên cứu sinh vừa bắt đầu chương trình tiến sỹ, tôi vẫn phải đăng ký một số môn học theo yêu cầu chuyên ngành từ giáo sư hướng dẫn (khoảng 2-3 môn mỗi học kỳ), làm một số đề tài dự án mà giáo sư và nhóm nghiên cứu theo đuổi, cùng với đó là đảm nhiệm công tác trợ giảng (có hưởng lương) cho nhà trường. Công tác trợ giảng bao gồm phụ trách hướng dẫn thí nghiệm; chấm điểm bài tập, bài thi; soạn bài giảng và hỗ trợ đứng lớp khi giảng viên có việc bận. Nghe sơ qua, số việc cần làm liệt kê ra trong 16 tuần của học kỳ có vẻ đơn giản như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng, khối lượng công việc của một học kỳ là nhiều vô kể.
Tiếp thu kiến thức ở giảng đường Hoa Kỳ đã là không đơn giản đối với sinh viên quốc tế, khi mà ít nhiều gì thì sự bất đồng ngôn ngữ đã trở thành một rào cản vô hình. Thế nên, đảm nhiệm vai trò trợ giảng, thậm chí có lúc phải đứng lớp thay giảng viên, cho một lớp tầm 50 đến 80 sinh viên, thực tế là điều không hề dễ dàng. Nghiên cứu sinh, muốn đảm nhiệm vai trò trợ giảng, phải vượt qua kỳ thi sát hạch (nói nôm na là lấy “chứng chỉ hành nghề”) để đánh giá khả năng tiếng Anh cũng như năng lực giảng dạy. May mắn được rèn luyện kỹ năng tiếng Anh từ quá trình 4 năm học đại học trong môi trường OISP, cùng với đó là cơ hội làm việc với các giáo sư đến từ Viện đại học Illinois (đơn vị liên kết với chương trình Tiên tiến), tôi dễ dàng đối mặt và vượt qua rào cản ngôn ngữ để thích nghi với môi trường mới.
Tác giả tại phòng nghiên cứu UTOL, Viện Đại học Bang Oklahoma.
Là một nghiên cứu sinh, tôi cũng như các cộng sự phải chạy đua với thời gian để kịp tiến độ nghiên cứu mà giáo sư đặt ra, đồng thời phải dành thời gian mỗi tuần vài tiếng đồng hồ để tiếp sinh viên và trả lời bất cứ câu hỏi nào về chuyên môn dù đơn giản hay phức tạp do sinh viên đặt ra. Thành quả của chúng tôi trong công việc, không chỉ được đánh giá bởi giáo sư hướng dẫn, mà còn bởi cả một hội đồng giáo sư hướng dẫn, và bởi cả sinh viên về hiệu quả giảng dạy của chúng tôi. Ngoài những giờ học chuyên môn, nhà trường còn tổ chức những lớp học miễn phí cho sinh viên để phát triển các kỹ năng một cách toàn diện như dạy leo núi, dạy làm bánh, dạy viết luận,…tạo cho sinh viên sự tự do lựa chọn để hoàn thiện bản thân cả về thể lẫn trí.
Buổi huấn luyện kỹ năng viết bài báo khoa học tại thư viện của Viện Đại học Bang Oklahoma.
VƯỢT QUA KHẮC NGHIỆT VÀ BUỒN TẺ
Áp lực công việc là thế, cuộc sống ở vùng “chó ăn đá gà ăn sỏi” này có phần buồn tẻ là thế, nhưng sinh viên chúng tôi vẫn luôn cảm thấy rất vui vì những hoạt động do nhà trường và các hội đoàn tôn giáo tổ chức. Đó có thể là một bữa ăn miễn phí, nơi mà sinh viên có thể giao lưu và tìm kiếm những mối quan hệ mới. Đó có thể là buổi gặp gỡ với những chú chó đã qua huấn luyện (ở trường chúng được gọi là “Therapy dogs”, tạm dịch là “chó liệu pháp”) giúp sinh viên xả stress sau những giờ học căng thẳng. Là một sinh viên Công Giáo, ngày Chúa Nhật tôi vẫn tham dự Thánh Lễ, tham gia vào các buổi nấu ăn phục vụ cộng đồng, và còn có cơ hội trau dồi tiếng Anh ở những buổi thảo luận sau đó cùng với các bạn sinh viên Mỹ.
Tác giả tại Ngày hội Homecoming, Viện Đại học Bang Oklahoma.
Các chú “chó liệu pháp” giúp sinh viên xả stress tại Viện Đại học Bang Oklahoma.
Tác giả tại một trận đấu vật tự do của trường nhà.
Tồn tại trong một môi trường khắc nghiệt đã khó. Khắc phục khuyết điểm và phát huy ưu điểm của bản thân trong một môi trường như thế chắc chắn là càng khó hơn. Tuy nhiên, quá trình theo học tại đại học Bách Khoa, được học về các kỹ năng mềm, giúp tôi phần nào thích nghi và bắt nhịp với cuộc sống ở Mỹ, ở “vùng đất của cơ hội” một cách nhanh chóng hơn. Đơn cử như: bạn sẽ quản lý thời gian ra sao nếu chỉ phải lên lớp 300 phút mỗi tuần? Ngày dài tháng rộng còn lại bạn sẽ làm gì để vừa phát huy bản thân mà vẫn đảm bảo nộp bài tập đúng hạn, nộp kết quả nghiên cứu đúng tiến độ? Rõ ràng kỹ năng quản lý thời gian của bạn là cực kỳ quan trọng. Hoặc như: để tìm kiếm suất thực tập (internship) tại một công ty Mỹ, ta cần kỹ năng gì? Liệu rằng có cách nào để mở rộng mối quan hệ nhằm phục vụ cho công việc hay không? Rõ ràng kỹ năng đàm phán, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng truyền đạt thông tin và ý tưởng,…chính là chìa khóa để thực hiện công việc này. Thật may mắn khi ngay từ những ngày đầu “chân ướt chân ráo” vào đại học, một OISPer như tôi đã được học kỹ năng mềm, để rồi 4 năm học kế tiếp, có đôi khi, ngỡ như ta rất ít dùng đến kỹ năng mềm, nhưng thực tế, cuộc sống đòi hỏi những kỹ năng đó rất nhiều, và đó là bằng chứng về sự cần thiết của những kỹ năng này cũng như sự đáp ứng rất kịp thời với thị trường lao động mà OISP đã đem đến.
Trên đây mà một số chia sẻ về cuộc sống của một nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Hoa Kỳ để độc giả có thêm một góc nhìn mới, làm phong phú thêm bức tranh về du học sinh Việt Nam tại hải ngoại. Trước thềm năm mới Âm Lịch, kính chúc quý độc giả, quý thầy cô cán bộ giảng viên, quý phụ huynh, các bạn sinh viên một mùa xuân vui tươi, an lành và hạnh phúc. Kính chúc mọi người gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.
Không gian Tết đậm phong vị truyền thống quê nhà của cộng đồng du học sinh Việt tại University of Arkansas, nơi Khương đã theo học chương trình thạc sỹ.
ĐỌC THÊM
▶ Chương trình Tiên tiến: tuổi lên 10 và cam kết về chất lượng
▶ Lảm sao để viết một bài bào nghiên cứu khoa học?