Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Trường ĐH Bách khoa công bố phương án tuyển sinh 2020

PGS.TS. Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho hay có sự điều chỉnh ở phương thức xét tuyển bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT (trước đây là kỳ thi THPT Quốc gia).

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã công bố 5 phương thức tuyển sinh ĐH 2020, cụ thể bao gồm:

  1. Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 kết hợp với điểm học bạ THPT: 50-72% chỉ tiêu
  2. Xét tuyển theo kết quả thi Đánh giá Năng lực 2020 của ĐH Quốc gia TP.HCM: 10-50% chỉ tiêu
  3. Ưu tiên Xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM: Thí sinh là học sinh Giỏi thuộc 132 trường THPT chuyên/ năng khiếu và các trường THPT có điểm trung bình thi THPT Quốc gia cao nhất các năm 2017-2018-2019 trên toàn quốc: 15-25% chỉ tiêu
  4. Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục & Đào tạo: Thí sinh đạt giải Học sinh Giỏi Quốc gia, giải Khoa học Kỹ thuật Quốc gia…: 3% chỉ tiêu
  5. Xét tuyển thí sinh Việt Nam và nước ngoài tốt nghiệp các chương trình THPT quốc tế (Úc, Mỹ, Canada…): 1% chỉ tiêu

Như vậy, sự thay đổi nằm ở phương thức 1: Sử dụng kết quả thi THPT kết hợp với điểm học bạ THPT. Trước đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã quyết định đổi tên kỳ thi “THPT Quốc gia” thành kỳ thi “tốt nghiệp THPT” và thu gọn mục tiêu “2 trong 1” (xét tốt nghiệp + xét tuyển ĐH) thành một mục tiêu duy nhất như tên gọi kỳ thi.

Do đó, với phương thức đầu tiên, Trường ĐH Bách khoa dự kiến điều chỉnh thành “sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia kết hợp với điểm học bạ THPT”.

Các phương thức còn lại vẫn giữ nguyên.

“Kỳ thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp nhưng rõ ràng vẫn có sự đánh giá kết quả học tập của học sinh và vẫn là một cơ sở tốt để tuyển sinh vào ĐH. Một số trường có nhu cầu tuyển học sinh xuất sắc có thể gặp chút khó khăn, bởi khi mục tiêu thi THPT thay đổi thì mức độ phân loại học sinh cũng ảnh hưởng theo. Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) vẫn đang tính toán để sẵn sàng các phương án tốt nhất” – PGS.TS. Hoài Thắng nhận định.

Học sinh THPT của TP.HCM. – Hình: THANH TÙNG

Cũng theo ông Thắng, trường hợp thi THPT nhưng giảm số môn thì các tổ hợp môn tuyển sinh sẽ bị ảnh hưởng. Mức độ ảnh hưởng như thế nào còn tùy vào việc môn nào bị giảm. Trường có tổ hợp bị ảnh hưởng sẽ dùng tổ hợp khác, hoặc có thể dùng thêm các điều kiện phụ như điểm học bạ THPT, hoặc tổ chức đánh giá đầu vào (thi tuyển), hay dùng kết quả đánh giá từ các trường/ tổ chức khác.

“Tuy nhiên, chỉ một số ít ngành đào tạo cần đúng các môn học THPT (Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh…) thì điểm học tập các môn này ở bậc THPT mới là quan trọng. Song vẫn có nhiều ngành cần hơn ở thí sinh về các khoản kiến thức tổng hợp, khả năng tự học, tư duy logic, nhận thức xã hội… do đó không nên quá nặng nề chuyện tổ hợp môn thi” – thầy Thắng khuyên.

PGS.TS. Hoài Thắng cũng cho rằng dù là phương án nào thì nhà trường cũng không bị ảnh hưởng, bởi kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM đang dần khẳng định hiệu quả trong công tác tuyển sinh. Chưa kể, ĐH Quốc gia TP.HCM còn dùng thêm phương án Ưu tiên xét tuyển học sinh Giỏi từ các trường THPT chuyên/ năng khiếu và các trường THPT có điểm trung bình thi THPT Quốc gia cao nhất toàn quốc.

“Qua theo dõi kết quả học tập của sinh viên, nhà trường nhận thấy những em trúng tuyển bằng các phương thức Đánh giá năng lực và Ưu tiên xét tuyển có kết quả học tập phần nào nhỉnh hơn các em được tuyển bằng điểm thi THPT Quốc gia. Như vậy, việc tăng chỉ tiêu cho các phương thức nêu trên cũng là một phương án tốt trong tình hình hiện nay” – thầy Thắng cho biết.

Kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức từ 2015 đến 2019 với mục tiêu “2 trong 1”, vừa dùng để xét tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ trên toàn quốc.

THI CA tổng hợp từ Vietnamnet

Bài trước

Bài tiếp