Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Trò chuyện cùng “osin cấp cao” Huỳnh Nhật Hoàng

Matthew-Huynh Hoa-Duoc-Adelaide OISP 01Sinh viên OISP từ khóa 2011 trở đi hầu như không ai là không biết cái tên này, ma xó của mái nhà chung OISP, người vẫn hay tự trào mình là “osin cấp cao” cho hoạt động đoàn hội của OISP, góp phần vào sự thành công của hàng loạt sự kiện đình đám như OISP NightOISP CampOISP Prom…

Sinh viên OISP từ khóa 2011 trở đi hầu như không ai là không biết cái tên này, ma xó của mái nhà chung OISP, người vẫn hay tự trào mình là “osin cấp cao” cho hoạt động đoàn hội của OISP, góp phần vào sự thành công của hàng loạt sự kiện đình đám như OISP NightOISP CampOISP Prom…

Điều đầu tiên mà anh chàng này “mắng vốn” với tôi khi nhắc về thành công của các mùa sự kiện OISP là trót mang phận… leader, đầu tắt mặt tối đằng sau hậu trường nên hổng được chụp tấm hình nào cool như bao trai xinh gái đẹp khác đi trẩy hội OISP hết trọi. Nói tới đây, cả hai chị em cùng phá lên cười vì đồng cảnh ngộ (người viết có nghề tay trái là “phó nháy” cho các sự kiện OISP).

Quả là một anh chàng có khiếu hài hước. Nhờ vậy mà cuộc chuyện trò của chúng tôi dần trở nên thoải mái và gần gũi.

Matthew-Huynh Hoa-Duoc-Adelaide OISP 03

Tấm hình hiếm hoi của Huỳnh Nhật Hoàng (giữa) tại sự kiện OISP Prom Night 2013.

Thực ra, Huỳnh Nhật Hoàng (Matthew Huynh) – sinh viên K11 chương trình Liên kết Quốc tế ngành Hóa Dược của Đại học Bách Khoa TP.HCM, hiện đang học chuyển tiếp năm thứ ba tại Đại học Adelaide (Úc) – khá khiêm tốn. “Cạy” mãi, anh chàng mới chịu hé lộ bảng thành tích học tập và hoạt động đoàn hội đáng ngưỡng mộ trong hai năm học tại Việt Nam: đạt học bổng cho điểm trung bình tích lũy (GPA) trên 8.0, Trưởng Ban Hậu cần OISP Night 2012, Trưởng Ban Truyền thông OISP Night 2013, Trưởng Ban Tổ chức OISP Prom 2013

Cùng với Minh Phước, Việt Thắng, Hải Trị, Thảo Nguyên, Đăng Khoa, Huỳnh Nhật Hoàng là một trong những hạt nhân đóng góp vào sự phát triển của hoạt động đoàn hội – nơi “vắt kiệt sức lao động” nhưng đồng thời cũng rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, khơi gợi tinh thần đoàn kết, vì cộng đồng.

Hỏi vì sao thích Hóa Dược, anh chàng trả lời nửa thiệt nửa giỡn, “hồi đó em học cấp ba trường Phú Nhuận, một hôm nọ có mấy người đẹp OISP xuống quảng cáo, thế là em ‘bén duyên’ với OISP…” Wink

Cũng bằng phong cách tỉnh rụi ấy, Hoàng kể tiếp: “Nói chớ tại hồi đó em thích môn Sinh với Hóa nên nộp đơn vào chương trình Kỹ sư Hóa Dược. Việt Nam mình chưa chế thuốc được, chủ yếu là trộn thuốc, nên em nghĩ đây là ngành học tiềm năng.

Việc chuyển tiếp sang Úc học, với em, cũng giống như em ở miền Nam ra miền Bắc học thôi, một phần nhờ mấy anh Dầu khí K9, K10 giúp đỡ nên em hòa nhập nhanh và không bị sốc văn hóa nhiều. Em thuộc lứa sinh viên Hóa Dược đầu tiên chuyển tiếp sang Úc nên cũng gặp bỡ ngỡ về khoản tài liệu học hành, phải tự tìm tòi. Đợt em sang có bốn sinh viên Việt Nam chuyển tiếp…

Học ở Úc chủ yếu là tự học. Mọi công cụ cần thiết cho việc học như slide bài giảng, lecture note, recording… được tập hợp đầy đủ trong MyUni. Ban ngày học ở trường, tối về đọc lại bài, tìm thêm tài liệu tham khảo, làm assignment.

Nhà trường có phương pháp đánh giá năng lực sinh viên một cách toàn diện dựa trên cả quá trình học, điểm số assignment, presentation, thi midterm, thi final, thành tích hoạt động ngoại khóa… trong khi Việt Nam chỉ dựa trên kết quả bài thi giữa kỳ và cuối kỳ.”

>> 10 lý do chọn học tại Adelaide

Matthew-Huynh Hoa-Duoc-Adelaide OISP 04

 Với thầy cô và bạn bè ở khoa Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách Khoa TP.HCM (Hoàng đứng thứ tư từ phải qua).

* Chi phí ăn ở, sinh hoạt và đi lại ở Úc thế nào?

– Em share phòng với hai anh K10, 120 AUD/tuần (*), đã bao gồm điện, nước, internet. Giá này là hơi cao vì em sống gần trường, nếu xa trường thì khoảng 80-90 AUD/phòng. Ăn uống đầy đủ thì 50-60 AUD/tuần, đạm bạc thì chừng 30-40 AUD/tuần thôi. Nếu kiềm chế được máu shopping thì như vậy là đủ Yell.

Mấy ngày cuối tuần em ăn ở chỗ làm, em đang làm “tiểu nhị” cho một nhà hàng Việt, công việc part-time nho nhỏ đó mà. Lương 10 AUD/tiếng, làm năm tiếng vào thứ Sáu và thứ Bảy, mỗi tuần em kiếm được cỡ 100 AUD, cũng ok, đắp vô được một phần tiền nhà. Đó mới là lương thử việc thôi.

Nhưng làm gì thì làm, phải biết cân đối chuyện làm thêm với học hành và vui chơi, không nên sa đà vào việc kiếm tiền. Ở Việt Nam, làm thêm cao lắm là hai triệu đồng; ở đây, làm một buổi đã kiếm được 50 AUD, nên xu hướng là thích đi làm hơn đi học.

Nhờ ở trong thành phố nên em đi bộ tới trường là chính, tiết kiệm được khoản tiền đi lại. Khoản này bù qua xớt lại với chi phí thuê nhà, ai ở xa thì bớt được tiền nhà, nhưng phải tốn thêm khoản phí đi xe buýt, khoảng 10-15 AUD/tháng.

>> On/off campus, chọn cái nào?

Matthew-Huynh Hoa-Duoc-Adelaide OISP 06

Theo Hoàng, không nên sa đà vào chuyện kiếm tiền mà chểnh mảng việc học và… chơi (Hoàng đứng thứ ba từ trái qua).

* Em có hài lòng với kiến thức nền tảng mà OISP trang bị trong hai năm đầu tại Đại học Bách Khoa TP.HCM?

–  Giảng viên và trợ giảng của OISP làm việc rất tận tình. Nhờ được cô Bích Ngọc hướng dẫn nên vốn liếng tiếng Anh của em ngày càng hoàn thiện, thêm vào đó là các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tự nghiên cứu, giao tiếp, truyền thông, viết luận, thuyết phục, tư duy phản biện, thuyết trình, nói trước đám đông…

Khóa sau còn được học các kỹ năng về báo chí, nhiếp ảnh, sân khấu, thanh nhạc… Theo em, OISP nên bổ sung các môn Giáo dục Giới tính và Sức khỏe Sinh sản vào chương trình Pre-University.

Bộ phận chuyển tiếp của OISP hỗ trợ em hoàn tất hồ sơ du học nhanh chóng và chu đáo.

Từ phía khoa Kỹ thuật Hóa học, cách các thầy cô hướng dẫn em càng làm em thấy quyết định học chương trình Liên kết Quốc tế ở Đại học Bách Khoa TP.HCM là đúng đắn. Thầy Sơn Nam, Khánh Duy, Hữu Hiếu, cô Kim Phụng, Minh Tâm, Mỹ Phương, Kiều Anh, Lan Phi và nhiều thầy cô khác nữa đã cho em nền tảng kiến thức quý báu, tạo điều kiện cho việc học của em bên Úc cũng như giúp em hoàn thiện mình. Em học được rất nhiều từ các thầy cô.

* Được xem là một trong những “osin cấp cao” của OISP, sang Úc, em có phát huy khả năng ấy trong các hội nhóm mới không?

– Với em, giao tiếp là một hình thức giải trí. Qua đây, đất xa người lạ, phải có mối quan hệ mới dễ thở. Em gia nhập các hội như Chems dành cho kỹ sư hóa để có bạn giao tiếp và học hành, ISPE (International Society of Pharmaceutical Engineering) – một cộng đồng lớn dành cho kỹ sư hóa dược.

* Ngoài giờ học, em làm gì để giải trí?

– Lẽ ra chị nên hỏi “Ngoài giờ giải trí, em làm gì để học?”, he he Laughing. Chủ yếu là em đi dạo. Lời khuyên của em dành cho các bạn sắp chuyển tiếp du học là đừng ru rú trong nhà, cứ ra đường đi, đừng sợ tiếc tiền, đi vòng vòng xem người, ngắm cảnh, hóng thị phi, cũng vui, không thì ra ngồi dưới Rundle Mall, gặp các “đối tượng” lớn tuổi ngồi nói chuyện, ít ra cũng biết được cách dân người ta giao tiếp ra sao.

* Điều gì khiến em chưa hài lòng khi học ở Úc?

– Thật lòng mà nói, du học sinh sang đây, chơi với nhau rất thật tình, luôn giúp đỡ nhau… Dẫu vậy, cuộc sống ở đây không được hồng lắm đâu, người Việt Nam mình đi tới đâu là mang tiếng xấu tới đó, cầm cái passport màu xanh lá ra nước ngoài cực lắm. Tuy nhiên, nói qua thì cũng nói lại, trong môi trường đại học, các giảng viên luôn đánh giá cao sinh viên Việt Nam hơn vì những giá trị tốt của người Việt như sự cần cù, thân thiện, ham tìm tòi… Em vẫn thấy tự hào khi giới thiệu mình là người Việt Nam

* Điểm nào em cảm thấy chưa hài lòng về bản thân mình?

– Em thấy mình còn e dè quá, chưa bộc lộ hết khả năng, em cần phải năng động hơn và mạnh dạn hơn, đồng thời chơi game ít lại.

>> Chi phí sinh hoạt và học tập tại Úc

Matthew-Huynh Hoa-Duoc-Adelaide OISP 05

Cùng bạn bè ở Đại học Adelaide, Úc (Hoàng đứng hàng trước, thứ hai từ phải qua).

* Sang đó, thoát khỏi vòng “kềm cặp” trực tiếp của cha mẹ, sinh viên như “chim sổ lồng”, dễ sinh tâm lý chủ quan mà lơ là việc học. Đâu là động lực giữ đà học tập chuyên cần cho em?

– Cũng có lúc em lười biếng đó chị. Tuy nhiên, có một câu chuyện từ một người bạn đã khiến em giựt mình nhìn lại thái độ học tập của bản thân: Hồi xưa, ở nhà, má kêu “ăn cơm thì ráng mà ăn cho hết, bên Trung Quốc và Ấn Độ đang chết đói kìa”. Còn giờ thì, “ráng mà làm bài tập với tốt nghiệp đi, người Trung Quốc và Ấn Độ đang thiếu việc kìa”. Đồng ý đó chỉ là một câu chuyện cười về kinh tế, nhưng lại khá đúng trong tình cảnh này, nên đành chăm học thôi.

* Cảm ơn em về cuộc trò chuyện đầy cởi mở và thú vị. Chúc em nhiều sức khỏe và học tập thật tốt!

(*) 1 AUD ≈ 20.000 VNĐ (tỉ giá này có thể thay đổi) 

Hiện nay, ở bậc đại học, Văn phòng Đào tạo Quốc tếĐại học Bách Khoa TP.HCM (OISP) đang có chương trình Liên kết Quốc tế hợp tác với Đại học Adelaide về đào tạo Kỹ sư Hóa Dược.

Mô hình đào tạo của chương trình là 2+2, sinh viên hoàn tất 2 năm tại Đại học Bách Khoa TP.HCM và 2 năm tại đại học đối tác ở Úc. Nội dung chương trình học tại Việt Nam hoàn toàn bằng tiếng Anh. Bằng cấp do ĐH đối tác cấp được công nhận trên toàn thế giới.

OISP cam kết hỗ trợ sinh viên hoàn tất thủ tục chuyển tiếp sang các trường đối tác, bao gồm: làm các thủ tục nhập học và chuyển tiếp sang trường đối tác; tư vấn thủ tục chứng minh tài chính và xin visa; hỗ trợ đăng ký ký túc xá, tìm nhà ở cho sinh viên.

Hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển khóa 2014: trước ngày 16/8.

Để biết thông tin về điều kiện xét tuyển đầu vào và các bước nộp hồ sơ, học sinh và phụ huynh vui lòng truy cập vào đây.

THI CA – Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp