Bạn không nên làm gì khi phỏng vấn? Dưới đây là những lỗi phỏng vấn xin việc phổ biến nhất mà các ứng viên, đặc biệt là sinh viên vừa mới ra trường còn thiếu nhiều kinh nghiệm xin việc có thể mắc phải. Vậy, hãy dành thời gian để chuẩn bị trước cho buổi phỏng vấn của bạn để không phải căng thẳng về những sai lầm đó.
1. Trang phục không phù hợp
Khi đến buổi phỏng vấn xin việc, trước hết bạn cần chuẩn bị tác phong chuyên nghiệp và lịch sự. Trang phục, đúng hơn là ngoại hình chỉn chu sẽ tạo ấn tượng tốt ban đầu trong mắt nhà tuyển dụng. Ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ và phù hợp hoàn cảnh là điều cần thiết, việc này cũng thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với người đối diện.
2. Đến muộn
Đến muộn không chỉ cho thấy kỹ năng quản lý thời gian kém, mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với công ty, vị trí ứng tuyển và thậm chí là người phỏng vấn của bạn.
Nên đặt báo thức sớm hơn ít nhất mười lăm phút trước khi bắt đầu phỏng vấn để đảm bảo rằng bạn đến đúng giờ hoặc thậm chí sớm hơn. Việc này cho thấy bạn là một người nghiêm túc và chuyên nghiệp, đó chính là yếu tố cần có thể hiện bạn là ứng cử viên sáng giá. Trong khoảng thời gian này, bạn có thể chỉnh lại trang phục, ôn lại một số kiến thức, quan sát sơ lược qui mô công ty và thư giãn tinh thần trước khi gặp nhà tuyển dụng.
3. Mang đồ ăn, nước uống vào phòng phỏng vấn
Bạn thử tưởng tượng hình ảnh thiếu chuyên nghiệp của một ứng viên vừa trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng vừa nhai kẹo? Đó là một sai lầm tai hại cho bạn đấy.
Không chỉ không chuyên nghiệp khi ăn hay uống trong lúc giao tiếp, mà bạn sẽ bị mất tập trung vào các chủ đề quan trọng như trả lời câu hỏi, duy trì giao tiếp bằng mắt với nhà tuyển dụng…
Rất có thể tình huống xấu hơn xảy ra như bạn làm đổ đồ uống trên bàn, trên người bạn, hoặc thậm chí là người phỏng vấn bạn!
4. Sử dụng điện thoại trong buổi phỏng vấn
Trước khi bạn bắt đầu vào phỏng vấn, hãy nhớ điều chỉnh điện thoại sang chế độ im lặng. Sử dụng điện thoại trong trường hợp này không chỉ thô lỗ và gây mất tập trung mà còn là một thông điệp khá rõ ràng với nhà tuyển dụng rằng nhận được công việc không phải là ưu tiên hàng đầu của bạn lúc này. Hãy cất điện thoại vào túi trước khi phỏng vấn. Nếu bạn vô tình quên tắt nó, hãy khéo léo xin phép người phỏng vấn để tắt điện thoại nhé.
5. Bỏ qua việc tìm hiểu về công ty ứng tuyển
Đừng để nhà tuyển dụng tiềm năng của bạn làm bạn bối rối với câu hỏi “Bạn biết gì về công ty này?” Đó là một trong những câu hỏi thường gặp nhất.
Thông tin cơ bản như lịch sử hình thành của công ty, địa điểm, quy mô, bộ phận, nhân sự… thường có sẵn trong phần “Giới thiệu” trên hầu hết các trang web của công ty. Việc nắm rõ các thông tin cơ bản về công ty tuyển dụng thể hiện sự chủ động tìm hiểu thông tin và sẵn sàng làm việc của bạn. Đồng thời kiểm tra trang LinkedIn, Facebook và Twitter của công ty nếu có để có thêm nhiều thông tin hữu ích khác như chế độ lương thưởng, các phúc lợi dành cho nhân viên và môi trường làm việc của công ty…
6. Thiếu thông tin trên sơ yếu lý lịch
Ngay cả khi bạn đã nộp một bản lý lịch trong hồ sơ xin việc trước đó, thì bạn cũng có thể được yêu cầu điền thêm vài thông tin vào bảng đăng ký trước buổi phỏng vấn. Hãy chuẩn bị các thông tin như ngày làm việc trước, ngày tốt nghiệp và thông tin liên hệ của công ty trước (nếu có)…
Bạn nên ghi đầy đủ những công việc và công ty đã từng làm hay đã thực tập qua hoặc những công việc bán thời gian. Bạn có thể ghi chú trên lý lịch của bạn về những dự án, bài khóa luận hay thành tích mà bạn đạt được trước khi tốt nghiệp, điều này sẽ làm cho hồ sơ của bạn đầy đủ và có tính thuyết phục hơn.
7. Không chú ý, mất tập trung
Hãy chắc chắn rằng bạn nghỉ ngơi đầy đủ, tỉnh táo và chuẩn bị tốt trước ngày tham gia phỏng vấn. Bạn sẽ mất điểm nếu bỏ lỡ một câu hỏi từ nhà tuyển dụng hoặc yêu cầu họ lặp lại câu hỏi nhiều lần, vì điều này khiến nhà tuyển dụng sẽ đặt ra câu hỏi làm thế nào bạn có thể tập trung trong một ngày làm việc, nếu bạn thậm chí không thể tập trung trong một cuộc phỏng vấn ngắn? Nếu bạn cảm thấy giảm sự chú ý, thì cố gắng duy trì giao tiếp bằng mắt, hơi nghiêng về phía trước khi nói chuyện với người phỏng vấn và tích cực để lắng nghe hiệu quả hơn.
8. Nói quá nhiều
Dù người phỏng vấn của bạn có thân thiện và nhiệt tình như thế nào thì bạn cũng nên nhớ bạn đang trong một tình huống tuyển dụng chuyên nghiệp chứ không phải là một buổi trò chuyện cá nhân. Đừng để đi quá xa chủ đề của buổi phòng vấn vào các việc như cuộc sống cá nhân, về gia đình bạn, về định hướng cá nhân…
Hãy trả lời trôi chảy, ngắn gọn và xúc tích, giọng nói rõ ràng, dứt khoát nhưng vẫn giữ được sự từ tốn, tự tin.
Nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi bạn nhiều hơn về nơi bạn làm việc, khi nào bạn có thể bắt đầu cho công việc mới, bạn có những yêu cầu đặc biệt nào khi làm việc, … Vậy, bạn nên chuẩn bị sẵn một danh sách các câu hỏi mà nhà tuyển dụng có thể hỏi bạn, và tập trả lời cho các câu hỏi đó một cách tự tin, rõ ràng. Đây là cơ hội để bạn tìm hiểu rõ các chính sách của công ty, các phúc lợi cho nhân viên… Nhưng bạn cũng cần tham khảo thêm các câu hỏi bạn không nên hỏi hoặc các câu trả lời phỏng vấn không hay mà bạn nên tránh nhằm tăng thành công sau buổi
9. Nói những điều không hay về công ty/ đồng nghiệp cũ
Đừng phạm sai lầm khi nói không tốt về các chính sách, sếp hoặc đồng nghiệp cũ của bạn. Vì nhà tuyển dụng hiện tại có thể nghĩ bạn cũng có thể nói những điều bất lợi về công ty khi bạn nghỉ việc sau này.
Nhà tuyển dụng có thể hỏi bạn các câu hỏi như “Hãy kể về thời gian bạn làm việc với người quản lý trước đó? Có xảy ra mâu thuẫn gì không? Kết quả là gì và bạn sẽ thay đổi kết quả như thế nào?” hoặc “Bạn đã từng làm việc với người mà bạn không thích chưa? Nếu vậy, bạn đã xử lý nó như thế nào?” đừng trở lại với việc nói xấu người khác. Thay vào đó, hãy cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn xử lý xung đột một cách chín chắn và hiệu quả, thay vì nói xấu đồng nghiệp hoặc nói về sự bất tài của người khác.
10. Quên gửi lời cảm ơn đến công ty tuyển dụng và người phỏng vấn
Nhiều bạn sinh viên mới ra trường còn khá bỡ ngỡ với cách viết thư cảm ơn vì chưa biết viết thư cảm ơn để làm gì. Sau khi tham gia phỏng vấn, dù kết quả như thế nào thì việc gửi đi một bức thư/ e-mail cảm ơn đến công ty, người phỏng vấn. Điề này thể hiện bạn là một người chín chắn, chuyên nghiệp. Bạn sẽ cho công ty đó thấy bạn là một ứng viên lịch sự, nhiều thiện chí, thành ý mong muốn làm việc cho họ.
Biên dịch: LINH LÊ – Nguồn: Thebalancecareers