Để bạn cùng phòng trở thành “chiến hữu”

Nhiều sinh viên ở xa, nhất là các bạn tân sinh viên, rất băn khoăn và lo lắng về việc sẽ ở cùng ai khi vào đại học. Liệu bạn cùng phòng sẽ là “đồng minh” kề vai sát cánh suốt 4 năm đại học và lâu hơn thế nữa, hay sẽ trở thành “cơn ác mộng” đối với bạn?

Các bạn cùng hỗ trợ nhau trong học tập. – Hình: ĐH New Hampshire

Hầu hết các bạn sinh viên đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, và không phải bạn nào cũng có điều kiện được ở nhà riêng. Có nhiều bạn lựa chọn ở ký túc xá, phòng trọ, ở chung với chủ nhà… Dù là hình thức nào thì bạn cũng phải chia sẻ không gian riêng tư với một hoặc nhiều bạn khác. 

Với các bạn lớn lên trong gia đình có nhiều anh chị em thì sẽ ít lo lắng hơn vì phần nào đã trải qua những bất đồng quan điểm khi sống chung dưới một mái nhà.

Nhưng với bạn chung phòng, những tranh cãi có thể xảy ra chỉ từ những việc rất đơn giản như hôm nay ai sẽ làm vệ sinh phòng, ai đã ăn cái bánh mà bạn mới mua, kẻ nào đó đã ẵm cái áo mới của bạn để dành mặc đi hẹn hò mất rồi… Vậy làm sao để thiết lập mối quan hệ tốt với các bạn cùng phòng? Hãy tham khảo vài lời khuyên sau đây nhé!

1. LẬP BẢNG QUY TẮC CHUNG

Điều này rất quan trọng khi các bạn ngồi cùng nhau, đưa ra các quy định cơ bản trước khi chia sẻ không gian chung trong phòng trọ. Thảo luận về những điều mà bạn không thích, lịch sinh hoạt cá nhân của bạn thế nào, ví dụ như thức khuya dậy trễ chẳng hạn, phân chia “lãnh địa” để đồ dùng cá nhân, phải hỏi ý kiến trước khi sử dụng hoặc mượn đồ của người khác, phân công lịch làm vệ sinh phòng…

Khi bảng quy tắc này càng chi tiết, càng rõ ràng thì các bạn sẽ hạn chế được khá nhiều các xung đột sau này.

Bảng quy tắc chung là điều cần thiết khi sinh hoạt chung nhà. – Hình: lifespan

2. TÔN TRỌNG KHÔNG GIAN RIÊNG

Khi sống chung một phòng, dĩ nhiên, các bạn không thể đòi hỏi quyền riêng tư như khi ở cùng ba mẹ được. Nhưng chắc chắn bạn cũng sẽ có những không gian riêng tối thiểu như tủ quần áo riêng, kệ sách hay góc học tập riêng… Đừng bao giờ tự ý dùng đồ của các bạn khác khi chưa có sự cho phép của chủ nhân nhé.

Đặc biệt, các bạn cần hội ý trước khi muốn mời khách vào phòng để tránh ảnh hưởng đến không gian riêng tư của “chiến hữu” nhé. Bởi sẽ thật khó chịu khi “chiến hữu” đang ngủ hay đang trong kỳ ôn bài thi mà bạn lại mời nhiều người về phòng ngồi “tám” chuyện thâu đêm hay mở nhạc ầm ĩ…

3. MINH BẠCH CÁC KHOẢN CHI TẬP THỂ

Khi sống chung chắc sẽ có những khoản phí chia chung như sửa chữa thiết bị hư hỏng trong phòng, tiền điện, tiền nước, tiền ăn nếu nấu ăn chung… Tốt nhất các bạn nên công khai và ghi chép rõ ràng các khoản phí chung này. Việc ghi chi tiết các khoản chi phí này cũng sẽ giúp bạn cân đối, điều chỉnh chi tiêu hợp lý hơn cho tháng sau đấy. Đừng để chuyện tiền nông gây sứt mẻ tình “đồng chí” nhé.

4. CHIA SẺ CÔNG VIỆC CHUNG

Khi ở nhà với mẹ thì bạn có thể lười biếng, quần áo, đồ đạc quăng lung tung… Nhưng hãy nhớ là bạn đang sống chung cùng những bạn khác trong một không gian nhỏ, mọi thứ cần gọn gàng và ngăn nắp hơn, vì vậy bạn cần phải thay đổi bản thân đề hòa hợp với mọi người.

Nếu không biết nấu ăn thì bạn có thể rửa chén, nếu không biết sắp xếp đồ đạc thì bạn có thể lau nhà… Cùng nhau chia sẻ việc nhà sẽ giúp mọi người cảm thấy thoải mái và công bằng. Lời khuyên là các bạn nên lập thời khóa biểu dọn dẹp trong tuần, lên danh sách các việc cần làm và phân công rõ ràng trách nhiệm cho từng người.

Cần chia sẻ công việc chung khi ở cùng nhau. – Hình: ohmyapt

5. LẮNG NGHE VÀ THẤU HIỂU

Chìa khóa để tránh xung đột là đừng để một vấn đề nhỏ trở thành một cuộc cãi vã lớn trong khi bạn có thể chia sẻ ý kiến, thảo luận ngay với các bạn cùng phòng. Việc nói ra không có nghĩa là bạn cố buộc tội hay đổ lỗi cho người khác, mà hãy giãy bày một cách thân thiện, cởi mở và chân thành để cùng nhau tìm ra cách giải quyết thỏa đáng cho đôi bên. Chẳng thế mà ông bà có câu “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Đặc biệt, không nên mang ấm ức trong lòng rồi kể xấu với “người thứ ba”, điều này chẳng giúp giải quyết được vấn đề mà chỉ khiến mọi việc trở nên rắc rối hơn thôi. Lắng nghe và thấu hiểu luôn là phương châm để xây dựng mối quan hệ bạn bè lâu dài và bền vững.

Lắng nghe là điều quan trọng giữ mối quan hệ bạn bè tốt – Hình: Life Among Woman.

Ngay cả khi không quá thân thiết với bạn cùng phòng thì các bạn cũng nhiều lần chia sẻ những giây phút vui vẻ bên nhau, san sớt cho nhau tô mì tôm lúc một giờ sáng khi ôn bài mùa thi, hay giúp đỡ nhau khi một trong hai bạn bị bệnh… Bạn sẽ học hỏi được khá nhiều điều bổ ích từ các bạn cùng phòng, vậy nên hãy trân quý tình bạn này và nó cũng đánh dấu một giai đoạn đáng nhớ trong thời sinh viên của bạn đấy.

LINH LÊ

Bài trước

Bài tiếp