Quản lý thời gian là một vấn đề không nhỏ đối với các bạn sinh viên. Thường hay nghe các bạn “than thở” là không bao giờ có đủ thời gian để làm bài tập về nhà, làm sao vừa làm xong đề tài báo cáo mà vẫn không bị “hụt” kèo đá banh, xong hẹn hò các kiểu, ngủ không đủ giấc… Thật ra thì không có gì khó cả nếu các bạn biết cách sắp xếp và quản lý thời gian của mình cho hợp lý.
Vậy, quản lý thời gian chính xác là gì? Quản lý thời gian là sự nhận thấy được các hạn chế về thời gian và sắp xếp các công việc/ nhiệm vụ cần hoàn thành trong mốc thời gian đó.
Tại sao sinh viên cần có kỹ năng quản lý thời gian? Vì đây là một kỹ năng quan trọng đối với các bạn, nó giúp bạn sắp xếp công việc một cách logic và khoa học hơn, tránh những lo lắng, căng thẳng và từ đó là mắc nhiều sai lầm khi bị ‘dí’ vào những phút cuối cùng vì không còn đủ thời gian đề nộp bài tập về nhà, bài luận, báo cáo hay trước các kỳ thi.
Bắt đầu lên kế hoạch quản lý thời gian như thế nào cho hiệu quả?
1. LẬP KẾ HOẠCH VÀ MỤC TIÊU RÕ RÀNG
Bạn cần có kế hoạch ngắn hạn (trong ngày), trung hạn (trong tuần/ tháng) và dài hạn (trong học kỳ/ năm). Đặt luôn mục tiêu cần đạt được trong thời gian đó sẽ giúp bạn thấy được lộ trình rõ ràng, có mục tiêu phấn đấu và xác suất thực hiện thành công là rất lớn.
2. THỜI KHÓA BIỂU
Bạn đã quá quen với thời khóa biểu ở trường, hãy làm một cái tương tự cho các việc cụ thể bạn sẽ làm trong một ngày/ tuần. Ví dụ như mẫu sau:
Thời gian | Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Cuối tuần |
7 giờ | Thức dậy, tập thể dục, ăn sáng | … | … | … | … | … |
7 giờ 30 | Chuẩn bị lên trường | … | … | … | … | … |
8 giờ | Bắt đầu tiết học đầu tiên | … | … | … | … | … |
… | … | … | … | … | … | … |
Đặt các mốc thời gian cách nhau 30 phút hay 45 phút tùy vào cách bạn sắp xếp công việc. Thời khóa biểu chú trọng vào mốc giờ cụ thể, từ đó, bạn sẽ thấy thời điểm cần hoàn thành công việc một cách rõ ràng hơn. Thậm chí, bạn cũng nên đưa vào thời khóa biểu cá nhân này thời gian bạn cần để giải trí, thư giản như xem TV, chơi với thú cưng hay tám chuyện với bạn bè…
3. TUÂN THỦ TUYỆT ĐỐI THỜI GIAN BIỂU
Dù bạn có lập kế hoạch và mục tiêu rõ ràng, chi tiết tốt như thế nào mà không có quyết tâm và kỷ luật thực hiện trong thời gian biểu thì mọi thứ cũng không đi đến kết quả như mong muốn. Cố gắng tuân thủ thời gian, nếu bạn trễ hạn của một mục nào đó thì hãy bỏ qua và tiếp tục ngay vào công việc kế tiếp để tránh bị đùng việc.
4. VIẾT NHẬT KÝ LỊCH TRÌNH CÔNG VIỆC
Bạn có khá nhiều việc để làm trong ngày, có quá nhiều thứ cần nhớ, nhiều nơi cần đi…và mọi thứ có vẻ hơi lộn xộn. Vậy thì bạn hãy viết ra quyển nhật ký cá nhân thứ tự các việc cần làm trong một ngày như: lên kế hoạch trước các việc sẽ làm, thứ tự ưu tiên, chuẩn bị các tài liệu, sách vở, quần áo…mọi thứ sẵn sàng và ngăn nắp, để tránh lãng phí thời gian tìm kiếm lúc bạn cần.
5. TRÁNH LÀM NHIỀU VIỆC CÙNG MỘT LÚC
Cần tránh sắp xếp công việc chồng chéo lên nhau, hoặc làm nhiều việc cùng một lúc. Điều này không hề giúp bạn hoàn thành nhanh công việc mà còn làm vỡ kế hoạch. Thử tưởng tượng, bạn vừa kiểm tra email vừa làm bài tập trong khi ngồi trước TV xem phim?
6. PHÂN BIỆT RÕ GIỮA CÔNG VIỆC KHẨN CẤP VÀ QUAN TRỌNG
Việc xác định rõ mục tiêu của công việc sẽ giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều thời gian, ví dụ nhiều công việc khẩn cấp làm bạn chú ý ngay lập tức, nhưng không có nghĩa là nó quan trọng. Hãy viết ra bảng so sánh công việc khẩn cấp và quan trọng, bạn sẽ biết rõ vấn đề cấp bách cần ưu tiên giải quyết trước tránh mất thời gian.
7. SỬ DỤNG CÁC ỨNG DỤNG, PHẦN MỀM NHẮC NHỞ
Bạn sử dụng điện thoại, máy tính bảng hay laptop đều có thể cài đặt các phần mền nhắc nhở công việc, lịch trình mà bạn đã đặt ra. Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng hữu ích như Trello, Calendar, Polite, Todoit…bạn hãy tham khảo cách sử dụng, cài đặt ứng dụng phù hợp tùy vào mục tiêu sử dụng của mình nhé.
Giống như bất kỳ kỹ năng mềm khác, kỹ năng quản lý thời gian cũng cực kỳ quan trọng. Một chút thay đổi trong thói quen học tập cũng như trong công việc sẽ giúp việc quản lý thời gian của bạn từ một khái niệm mơ hồ thành thói quen tốt và giúp cải thiện việc tổ chức học tập, làm việc hiệu quả hơn sau này.
Bài: LINH LÊ – Hình: Internet.