Từ bỏ Đại học Y để theo đuổi ngành học có vẻ không mấy nữ tính của Bách Khoa – Dầu khí, lại có phần khó khăn khi phải học hoàn toàn bằng tiếng Anh, rõ ràng là một quyết định không mấy dễ dàng.
Từ bỏ Đại học Y để theo đuổi ngành học có vẻ không mấy nữ tính của Bách Khoa – Dầu khí, lại có phần khó khăn khi phải học hoàn toàn bằng tiếng Anh, rõ ràng là một quyết định không mấy dễ dàng.
Từ bỏ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch để theo đuổi ngành học có vẻ không mấy nữ tính của Bách Khoa – Dầu khí, lại có phần khó khăn khi phải học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nhưng, cô bạn sinh viên K2014 ngành Kỹ thuật Dầu khí – chương trình Chất lượng cao vẫn đảm bảo thành tích học tập ngon lành tại Bách Khoa, tham gia nghiên cứu khoa học đều đều, “chiến” LOL không thua kém nam thanh niên nào, và ngôn tình thì vẫn luyện ngày đêm.
Ắt hẳn, quỹ thời gian của Bảo Trâm này phải hơn 24 tiếng/ngày mới có thể làm tốt mọi việc cùng lúc như vậy! Hãy cùng gặp gỡ cô bạn khả ái và cá tính này nhé!
* Trâm là ai? Cô gái hay thần tiên?
– Ha ha, Trâm là người trần thôi, không có gì đặc biệt đâu, thỉnh thoảng vẫn cúp học khi thấy lười :))), có khi còn cúp nhiều hơn các bạn nam khác trong lớp. Thời gian rảnh Trâm thường đánh LOL, đọc sách, nhất là các thể loại ngôn tình.
* Nghe nói hồi xưa Trâm đậu Y Phạm Ngọc Thạch, xém nữa là thành bác sĩ tương lai, nhưng dòng đời đẩy đưa Trâm học Dầu khí – Chất lượng cao của Bách Khoa. Tại sao vậy?
– Đó là một ngày đẹp trời, Trâm đi dự ngày hội tuyển sinh tại Đại học Bách Khoa. Lúc đó đã có điểm chuẩn rồi, Trâm cũng đã đậu trường mình thích (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch – NV), nên mục đích đi chỉ là để tham khảo thêm. Lúc đó, mẹ Trâm có ý định cho Trâm đi du học nên khi thấy Bách Khoa có chương trình Liên kết Quốc tế và Chất lượng cao học bằng tiếng Anh, hai mẹ con kéo nhau vào nghe tư vấn luôn.
Trâm còn nhớ, lúc đó có một chị xinh đẹp nào đó tư vấn rất nhiệt tình :))), nên khi về, hai mẹ con suy nghĩ kỹ rồi quyết định học Dầu khí – Chất lượng cao của Bách Khoa luôn!
* Ngành Dầu khí toàn cánh đàn ông sức dài vai rộng, phận nữ nhi như Trâm có cảm thấy thiệt thòi?
– Ha ha, câu này Trâm “bị” hỏi nhiều rồi, lúc thi IELTS cũng “bị” hỏi :))). Và Trâm luôn trả lời là mình không thấy thiệt thòi gì cả, chỉ là ở nước mình không cho con gái ra dàn – trong khi kỹ sư ra dàn được trả lương cao nhất. Bù lại, con gái được ưu tiên nhiều hơn và có nhiều cơ hội khác bù lại.
LÝ LỊCH TRÍCH XÉO
|
* Học ngành khá “khoai”, lại hoàn toàn bằng tiếng Anh, có khi nào Trâm “lạc lối”?
– Có chứ, nhưng những lúc như vậy Trâm đều nhớ đến câu nói của bạn Trâm để tự nhóm lửa lại tinh thần: “Hãy tìm trong cái đám kinh dị đó những thứ mà mày thấy hay, thấy hứng thú, ít thôi cũng được, chính tụi nó sẽ giúp mày vực dậy”. Trâm rất cảm ơn người bạn ấy đã cho Trâm câu nói này và tới giờ Trâm vẫn áp dụng khi cảm thấy mệt mỏi. Còn một nguyên nhân nữa là Trâm có tham vọng hơi cao, nên để đạt được thì phải cố gắng “cày” từ bây giờ.
* Đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, đâu là động lực thúc đẩy Trâm theo đuổi con đường gai góc này?
– Thiệt ra, hồi năm I năm II, Trâm rất lười, vì lúc đó chẳng có mục tiêu cụ thể và chưa nhận ra “chân lý” nên học hành cứ tà tà, thả rơi tự do :))). Rơi thì rơi nhưng Trâm chưa từng rớt môn, đó là “luật” Trâm tự đặt ra cho mình. Khi bạn học hành đàng hoàng, có trách nhiệm, thì qua môn là việc trong tầm tay.
Sang năm III, Trâm may mắn được gặp các anh chị khóa trước rất giỏi và truyền cảm hứng, nên dần dà mục tiêu học tập của mình trở nên rõ ràng hơn và có nhiều bước tiến.
Thầy Mai Cao Lân – Chủ nhiệm Bộ môn Khoan – Khai thác, người hướng dẫn Trâm, từng nói: nghiên cứu như bỏ ống heo vậy, mỗi lần nghiệm ra là một đồng xu, cứ từ từ rồi thế nào cũng đầy ắp. Lúc xin thầy hướng dẫn đề tài, thầy bảo Trâm hãy suy nghĩ kỹ về hướng phát triển của bản thân trong tương lai. Đã mang tiếng nghiên cứu khoa học thì phải làm tới, phải chất lượng, phải là của chính bản thân mình chớ không phải copy – paste, làm cho có theo phong trào.
Mới đầu, Trâm nghe cũng nao núng lắm vì thấy thầy khó quá. Về nhà, tĩnh tâm suy nghĩ lại, Trâm thấy nếu cứ tiếp tục học lơi như vậy thì sẽ chẳng làm gì ra hồn chớ đừng nói đạt được tham vọng. Chính vì vậy, Trâm quyết định rèn mình bằng việc tham gia nghiên cứu khoa học.
Trong lúc nghiên cứu, có những lúc Trâm bị “nhũn não”, làm không ra kết quả gì hết :))), nhưng thầy đã nhóm lửa kịp lúc và động viên Trâm rất nhiều. Phải nói là Trâm rất rất cảm ơn thầy Lân vì nhờ thầy mà mới có một “Bảo Trâm” như hiện nay.
Có một điều Trâm muốn chia sẻ nữa là, khi đã “dấn thân” vào nghiên cứu khoa học, bạn phải chứng tỏ mình xứng đáng với công sức bỏ ra của người thầy hướng dẫn. Không ai nhiệt tình, tận tâm truyền dạy tất cả cho một đứa thiếu cố gắng đâu.
Bảo Trâm (giữa) – cô gái của những nghiên cứu khoa học.
* Trâm tâm đắc nhất đề tài nào?
– “Ứng dụng kỹ thuật Self-Organizing Map trong việc xác định tướng đá” – đề tài Trâm được vinh dự trình bày cùng các thầy cô trong khoa và nước ngoài tại Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XV hồi tháng 10/2017 ở trường mình. Hàm lượng khoa học và thời gian Trâm dành cho nó rất nhiều. Đề tài này còn áp dụng một kỹ thuật rất hot hiện nay là Artificial Intelligent. Trâm mong muốn tiếp tục phát triển đề tài này sâu hơn.
* Được biết Trâm đã tham gia Diễn đàn Sinh viên dầu khí quốc tế Trung Quốc 2016 (CISPF), Trâm kể thêm về chuyến đi đó đi!
– Chuyến đi này là bàn đạp thúc đẩy Trâm bền chí hơn với nghiên cứu khoa học. Forum này do Đại học Dầu khí Trung Quốc (China University of Petroleum) ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông tổ chức vào tháng Tám hàng năm, quy tụ nhiều trường đại học quốc tế tham gia như Nga, Úc, Nhật, Việt Nam… Đội Bách Khoa có một thầy cố vấn, hai anh chị sinh viên khóa trên và Trâm.
Trong khuôn khổ diễn đàn có cuộc thi Frac-Fluid Challenge yêu cầu các trường phải thiết kế dung dịch nứt vỉa phù hợp với điều kiện vỉa đã cho. Các thông số vỉa sẽ được gửi trước trước một tuần để mình chuẩn bị trước (các loại hóa chất, dụng cụ…). Bách Khoa “ẵm” giải Ba, cũng an ủi được phần nào, hi hi :))).
Trâm còn nhớ lúc đó nước mình đang rầm rộ phản đối Trung Quốc đặt dàn khoan Hải Dương 981 ở hải phận Việt Nam, nên Trâm lo khi qua đó sẽ bị đối xử này nọ. Ấy vậy mà, các bạn chủ nhà tiếp đón mình rất nồng hậu, đặt tinh thần học thuật lên trên hết. Tụi Trâm được dẫn đi ăn đủ thứ, đi chợ, vòng vòng Thanh Đảo. Thành phố ở đây mát mẻ, sạch sẽ, đường sá bao rộng và toàn xe hơi. Người lái xe luôn ưu tiên nhường đường cho người đi bộ, không cần đèn giao thông. Đồ ăn thì hơi dầu mỡ nhưng ăn được, có mấy món y chang ở Việt Nam :))). Con trai ở đây rất đẹp và cao :”>.
Bảo Trâm (áo dài đỏ) và đoàn Bách Khoa chụp hình lưu niệm cùng bà Wu Kehua (giữa) – Trưởng Ban Quan hệ đối ngoại CISPF 2017.
* Với quỹ thời gian ít như vậy mà Trâm cân bằng được việc học và nghiên cứu khoa học, có bí quyết nào hông?
– Trâm ưu tiên nhất là việc học, phải hoàn thành xong bài vở mới chuyển qua nghiên cứu. Khi đã “dấn thân” vào nghiên cứu, việc thức khuya “chạy deadline” là chuyện bình thường :))). Bản thân Trâm không thích nơi ồn ào – trừ phi bạn thân rủ đi chơi – nên xác định cứ “cắm” ở nhà :))). Có điều Trâm hơi ghiền game, từng có lúc phải cai game vì sức khỏe vì nó mà bị xuống cấp. Nhưng giờ thì đỡ rồi, khi nào rảnh Trâm mới chơi, không thì nhàn hạ đọc sách, sưu tầm mấy câu hay hay để có dịp áp dụng :))).
* Câu nói tâm đắc nhất của Trâm là gì?
– “Bạn có thể không giỏi nhất nhưng phải là người đặc biệt nhất”. Hãy tận dụng điểm mạnh của bản thân để làm mình tỏa sáng chớ đừng chăm chăm nhìn vào cái hơn của người ta mà thấy mình kém cỏi.
* Là lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp chương trình Chất lượng cao Bách Khoa vào đầu năm 2019 sắp tới, Trâm có điều gì muốn nhắn nhủ cho những bạn học sinh đang có ý định theo đuổi ngành Dầu khí không?
– Trâm chỉ muốn nói rằng: Làm điều gì cũng phải có tâm và trách nhiệm. Lấy ví dụ trường hợp của Trâm, ban đầu ngành này không phải là lựa chọn mà Trâm thích nhất, nhưng Trâm vẫn theo đuổi nó tới cùng và gặt hái không ít “quả ngọt” từ nó.
Học ngành nào cũng vậy, có lúc thú vị, có khi khó nuốt, nhưng không phải vì vậy mà bạn đổi ngành, chuyển trường với lý do là không đúng đam mê của bản thân. Nếu bạn tự tin sau khi chuyển đổi sẽ phát triển tốt hơn thì OK go ahead. Nếu không, hãy chiến đấu tiếp, đừng phí thời gian, tiền bạc của ba mẹ vì những cái gọi là “sở thích, đam mê” – chẳng qua đó là do bản thân mình chưa cố gắng hết sức thôi.
Thứ nữa, các bạn phải có mục tiêu học tập rõ ràng. Không có mục tiêu thì không có động lực để làm thứ gì ra hồn, mọi thứ cứ dở dang hoặc dậm chân tại chỗ.
Trâm cũng muốn nói thêm rằng, Kỹ thuật Dầu khí là ngành đặc thù, phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Chắc chắn sẽ có rất nhiều bạn phân vân là khi dầu khí cạn thì mình “tạch” luôn sao :))). Cái này bạn đừng quá lo, dầu khí không dễ cạn thế đâu, 75% Trái Đất là biển mà. Với nền khoa học kỹ thuật phát triển, con người ngày càng có thêm nhiều công nghệ khai thác dầu khí hiện đại, vươn mũi khoan thăm dò tới những ngóc ngách sâu thẳm chưa được biết tới của đại dương.
Bên cạnh đó, đừng quên trang bị cho mình kỹ năng học tập suốt đời (lifelong learning) để thích ứng với nhiều môi trường, lĩnh vực công việc khác nhau.
Bài: QUÝ MINH – Ảnh: BẢO TRÂM