Biết cách làm việc nhóm, xử lý vấn đề, quản lý thời gian, sống kỷ luật và có trách nhiệm hơn… đó là những gì mà sinh viên Bách Khoa Quốc Tế nhận được từ việc “cho đi” với Dự án Cộng đồng.
Biết cách làm việc nhóm, xử lý vấn đề, quản lý thời gian, sống kỷ luật và có trách nhiệm hơn… đó là những gì mà sinh viên Bách Khoa Quốc Tế nhận được từ việc “cho đi” với Dự án Cộng đồng.
Đây là một phần trong nội dung môn Kỹ năng mềm (Soft Skills) thuộc học kỳ Pre-University dành cho sinh viên các chương trình Chất lượng cao, Tiên tiến, Liên kết Quốc tế, Tăng cường Tiếng Nhật.
Học tới đâu, thực hành tới đó. Suốt ba tháng học kỳ Pre-University, sinh viên có cơ hội ứng dụng những kỹ năng mềm đã học cuộc sống thông qua quá trình thiết kế và triển khai các dự án có ích cho cộng đồng.
Đàm Quang Phước, SV K17 Kỹ thuật Hóa học chương trình Chất lượng cao, đã cùng các bạn trong lớp SK4 của mình thực hiện dự án STEM Q&A – BKU: phổ cập kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học đến cộng đồng.
Nghĩ thì dễ, đến lúc bắt tay vào thực hiện, nhóm của Phước mới thấy nhiều vấn đề phát sinh. Một trong số đó là sự trì hoãn, “em phải học cách tự thúc đẩy bản thân để không ảnh hưởng người khác” – Phước kể. Kế nữa là tâm huyết và sự đồng lòng, “thiếu cái này, dự án vỡ hết”.
Đàm Quang Phước, nhóm STEM Q&A – BKU.
Chọn đề tài khá thời sự – nạn lạm dụng tình dục trẻ em, nhóm Teddy Bear (với chủ đề cùng tên) gồm các thành viên lớp SK3 muốn dạy những kỹ năng tự vệ cần thiết cho trẻ em mồ côi và khuyết tật ở một số mái ấm. “Ở nơi này, các bé chưa được trang bị kiến thức tối thiểu về ấu dâm. Đây là vấn nạn vô cùng nóng hổi và nhức nhối ở nước ta” – Dương Bảo Duy, SV K17 Kỹ thuật Hóa học chương trình Chất lượng cao, đại diện nhóm, cho biết.
Sau ba tháng làm việc cùng nhau, Duy và các bạn rút ra được ba bài học chính: sự sẻ chia, làm việc nhóm (teamwork) và tính kiên nhẫn. “Từ những con người hoàn toàn xa lạ, cả về tính cách lẫn vị trí địa lý, tụi em đã cùng nhau làm việc hết mình cho dự án với mục đích chung là sự an toàn cho trẻ nhỏ. Sau mỗi chuyến đi dạy học, tụi em nghiệm ra ý nghĩa thiệt sự của hai từ từ thiện. Đó không phải vấn đề vật chất, từ thiện là sự đồng cảm! Càng cho đi nhiều, bạn càng nhận lại nhiều.”
“Teddy Bear đã giúp tụi em trưởng thành hơn, sáng suốt hơn, kỷ luật và có trách nhiệm hơn” – Duy trải lòng.
Dương Bảo Duy (thứ hai từ hải qua), nhóm Teddy Bear.
Còn với Phạm Thanh Bảo Trâm, SV K17 Quản lý Công nghiệp chương trình Chất lượng cao, Dự án Cộng đồng giúp em học cách tổ chức nhóm, quản lý thời gian, trình bày và thuyết phục hiệu quả hơn.
Thông qua đề tài Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Trâm cùng các thành viên lớp SK19 dạy trẻ nhỏ các trò chơi dân gian bổ ích thay cho các game điện tử.
“Ngày đầu tới trường tiểu học để xin làm dự án, tụi em bối rối lắm, không biết làm thế nào để tổ chức cho 50 học sinh cùng chơi các trò chơi dân gian vốn quá xa lạ với các bé. Tụi em phải học cách thuyết phục và làm việc có kế hoạch cụ thể thì mới được Ban Giám hiệu trường (tiểu học) đồng ý” – Trâm nhớ lại.
“Sau những khó khăn ban đầu, nhóm rất vui vì dự án dần dà được ủng hộ. Cô hiệu trưởng và các bé học sinh mong tụi em có thể trở lại thường xuyên hơn để tổ chức trò chơi dân gian cho nhiều lớp khác. Ngay cả cô bán hủ tiếu gần trường tiểu học còn góp ý giúp tụi em chơi sao cho “đúng chuẩn” hồi đó :))). Nhờ dự án này, không chỉ các bé học sinh mà ngay chính tụi em cũng được trao một tấm vé để trở về tuổi thơ.” – Bảo Trâm hạnh phúc.
Phạm Thanh Bảo Trâm, nhóm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ.
25 (trên tổng số 119) đội có dự án xuất sắc nhất sẽ tranh tài hùng biện tại COMMUNITY DAY & PRESENTATION CONTEST để trình bày và thuyết phục Ban Giám khảo về những tác động tích cực mà dự án của đội mình đã đem đến cho cộng đồng.
5 đội “chất” nhất sẽ “ẵm” suất qua Malaysia tranh tài thuyết trình với các trường đại học quốc tế. |
Bài: PHƯỚC TÍNH – Ảnh: Nhân vật cung cấp