Cải thiện kỹ năng mềm cho sinh viên

CẢI THIỆN KỸ NĂNG MỀM CHO SINH VIÊN: HÃY TRAO CHO CÁC EM CƠ HỘI

TS. Vũ Thế Dũng

(Đại Học Bách Khoa Tp.HCM)
Nhu cầu bức thiết cần được bổ xung các kỹ năng mềm (soft skills) là kết quả thống nhất được chỉ ra từ ba nghiên cứu độc lập được thực hiện gần đây của Khoa Quản Lý Công Nghiệp (Đại Học Bách Khoa Tp.HCM) về yêu cầu của doanh nghiệp đối với sinh viên mới tốt nghiệp (nghiên cứu các giám đốc/ trưởng phòng nhân sự của các doanh nghiệp), nhu cầu được đào tạo của sinh viên sắp hoặc mới tốt nghiệp (nghiên cứu các sinh viên) và nghiên cứu khách quan về các yêu cầu tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp đăng tải trên các báo (nghiên cứu nội dung – content analysis thực hiện trên 300 mẫu quảng cáo tuyển dụng trên các báo/ tạp chí lớn). Trong đó nổi bật yêu cầu về các kỹ năng như: truyền thông (nói, viết, trình bày, thuyết phục), làm việc nhóm, giao tiếp, tìm kiếm thông tin, giải quyết vấn đề, phân tích và tổ chức công việc bên cạnh các kỹ năng đã trở thành đương nhiên phải có như ngoại ngữ và tin học.
Cải thiện các kỹ năng mềm cho sinh viên không phải là câu chuyện mới. Cái mới là giải quyết câu chuyện này như thế nào một cách hiệu quả trong bối cảnh của các trường đại học ở Việt Nam khi chương trình đào tạo đã quá tải? Có lẽ sẽ không khả thi nếu tiếp cận câu chuyện từ góc độ của chương trình đào tạo (tất nhiên vẫn phải giảm tải và mềm hóa) mà có lẽ phải tiếp cận từ góc độ các hoạt động ngoại khóa. Ngoại khóa thì cũng có gì mới? Không mới ở khái niệm mà mới ở phương pháp tổ chức và hiệu quả hoạt động.
Quan sát ở nước ngoài
Sinh viên đại học của các trường đại học ở Mỹ luôn rất tích cực và chủ động trong các hoạt động ngoại khóa hay hoạt động xã hội của nhà trường dù là bắt buộc hay nhiệm ý, dù có được trả tiền hay không được trả tiền. Các hình thức hoạt động cũng phong phú, nhiều khi chỉ đơn giản như đến giúp sắp xếp giấy tờ trong một văn phòng nào đó của nhà trường vào một giờ rảnh, hay tham gia tổ chức các sự kiện nào đó của nhà trường. Đến một số trường (kể cả các trường ở Châu Á) ta còn thấy, khách thăm trường được sinh viên tổ chức đón tiếp, đưa đi thăm quan trường, thăm quan thành phố, tổ chức biểu diễn văn nghệ, và nấu ăn đãi khách. Các hoạt động này được sinh viên các nước tổ chức rất chuyên nghiệp và sáng tạo. Có lẽ đây chính là mô hình mà chúng ta chưa học hỏi được.
Thực tiễn tại Đại Học Bách Khoa Tp.HCM
Trong các năm gần đây, rất nhiều các hoạt động của trường Bách Khoa được giao hoàn toàn cho sinh viên chịu trách nhiệm thực hiện. Một số hoạt động do sinh viên tự đề nghị, lập kế hoạch, và thực hiện. Các bộ phận chức năng của nhà trường chỉ tham gia duyệt và tư vấn kế hoạch cho các em. Cụ thể một vài hoạt động do sinh viên chủ động tổ chức và rất thành công là: Ngày Hội Việc Làm Bách Khoa 2008, Đêm Hội Quản Lý, Japan Day, Hội Thao Cầu Lông…
“Ngày hội Việc Làm Bách Khoa 2008” là một hoạt động thường niên của trường đã được tổ chức đến lần thứ 7, tất cả đều do các nhóm sinh viên chịu trách nhiệm thực hiện. Năm nay, ngày hội do nhóm ESIM gồm 18 sinh viên khóa 2005 Khoa Quản Lý Công Nghiệp tổ chức. Để có được một ngày hội việc làm vào tháng 3 thì từ tháng 12 các em đã phải lập kế hoạch chi tiết, phân công công việc, tổ chức thành nhiều nhóm như hậu cần, biểu diễn, tài trợ, truyền thông, nhân sự…Sau khi lên kế hoạch chi tiết, các em tham khảo ý kiến của các Thầy/ Cô trong khoa, các phòng ban trong trường như Phòng Công Tác Chính Trị, Trung Tâm Hỗ Trợ Sinh Viên để được góp ý. Quá trình tổ chức đòi hỏi các em phải rèn luyện/ học tập rất nhiều các kiến thức và kỹ năng tổng hợp khác nhau. Đầu tiên là kỹ năng tìm kiếm khách hàng và bán hàng. Các em phải xây dựng được danh sách các doanh nghiệp quan tâm tham dự ngày hội việc làm, sau đó lên kế hoạch tiếp cận các doanh nghiệp này để trình bày kế hoạch với họ nhằm mời các doanh nghiệp tham gia tài trợ hay tham gia gian hàng trong ngày hội việc làm. Quá trình này các em gặp rất nhiều khó khăn và thách thức vì muốn “bán được ý tưởng” thì phải biết doanh nghiệp cần gì, rồi thiết kế dịch vụ- sản phẩm cho phù hợp, rồi thuyết phục, rồi ký kết hợp đồng. Hàng loại các vấn đề nảy sinh, có lúc nản chí, rồi lại tự động viên, động viên lẫn nhau, rồi vượt qua khó khăn. Rồi các doanh nghiệp cũng đồng ý tham dự ngày hội. Thế nhưng vẫn chưa hết khó khăn, phải tổ chức ngày hội thật thành công với nhiều sinh viên tham gia mới hoàn thành trách nhiệm. Lại phải nghiên cứu nhu cầu tìm việc của các bạn sinh viên, rồi sơ tuyển tìm các ứng viên cho từng doanh nghiệp, rồi thiết kế các buổi hội thảo việc làm của doanh nghiệp với các sinh viên, rồi thuê các nhà thầu dịch vụ như dựng lều, sân khấu, âm thanh – ánh sáng, rồi chuẩn bị các tiết mục biểu diễn cho buổi lễ khai mạc, rồi công tác báo chí, truyền thông,…. Hàng núi công việc phải làm để một sự kiện thành công. Mà việc học vẫn phải bảo đảm chất lượng cao.
Cuối cùng giờ G cũng điểm trong sự phấp phỏng lo lắng của những nhà tổ chức sinh viên. Thành công rực rỡ với sự tham dự của 25 doanh nghiệp và một đơn vị báo chí với các tên tuổi lớn như Intel, Lạc Việt, Xi Măng Holcim, Trường Thành… với sự tham dự của hơn 8000 sinh viên Bách Khoa. Các doanh nghiệp tham dự đều tỏ ý rất hài lòng về kết quả đạt được sau hội chợ vì đã nhận được rất nhiều hồ sơ của các ứng viên có chất lượng.
Thông qua ngày hội, một điểm sáng rất đáng chú ý chính là sự trưởng thành của các sinh viên tham gia tổ chức. Các em đã thực sự lớn lên trong công việc thực tế, ứng dụng được những gì đã học và trong công việc, rèn luyện được rất nhiều các kỹ năng mà chỉ môi trường thực tế mới cung cấp được.
Mô hình tổ chức này không chỉ thể hiện trong ngày hội việc làm Bách Khoa, mà còn thể hiện trong rất nhiều hoạt động khác. Đáng chú ý là Đêm Hội Quản Lý (tổ chức lần thứ 6) với sự tham gia tổ chức của gần 100 sinh viên các khóa, với các chương trình văn nghệ – giao lưu hấp dẫn, các em phải lên chương trình, huy động lực lượng, tập luyện 3-4 tháng trời. Đêm hội thu hút sự tham gia của hàng ngàn sinh viên và cựu sinh viên Bách Khoa. Rồi còn nhiều hoạt động khác như ngày hội văn hóa Japan Day, Hội Thao Cầu Lông .v.v đều do sinh viên tổ chức và rất thành công.
Các kinh nghiệm
Kinh nghiệm của Bách Khoa cho thấy các em sinh viên trưởng thành lên rất nhiều từ các hoạt động như trên. Các em tự rèn luyện được công tác tổ chức, thực hiện, kết hợp lý thuyết và thực tiễn, hoàn thiện các kỹ năng mềm, và hiểu được sự phức tạp trong đời sống thực để từ đó tích lũy cho mình những kinh nghiệm sống quí báu. Về phía nhà trường, việc trao quyền chủ động cho sinh viên là một quyết định nhiều rủi ro nhưng rất đáng giá. Các em đã chứng tỏ niềm tin của nhà trường đặt vào các em là chính xác và thực tế đã cho thấy tính sáng tạo của sinh viên là rất lớn nó sẽ được phát huy tối nếu chúng ta biết cách trao cho các em các cơ hội và niềm tin.

Bài trước

Bài tiếp