Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Chuyện học và chuyện làm của sinh viên

CHUYỆN HỌC VÀ CHUYỆN LÀM CỦA SINH VIÊN

TS. Vũ Thế Dũng

Gần đây Tuổi Trẻ có đăng bài viết khá lý thú của một bạn sinh viên (“Trường học chậm hơn trường đời” – Hoa Niên) về vấn đề làm việc trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường của giới sinh viên. Đây không chỉ là vấn đề của giới sinh viên mà nó cũng là những câu hỏi của các nhà giáo và những nhà quản lý giáo dục hiện nay.

Thực ra nhu cầu có việc làm trong thời gian đi học là một nhu cầu rất chính đáng của sinh viên. Nó đầu tiên cải thiện thu nhập cho sinh viên, giúp các em có một nguồn tài chính phụ giúp cho việc đi học và sinh hoạt hàng ngày. Kế đến đi làm giúp các em tự tin, trưởng thành, tích lũy được một số các kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức mà nhà trường không có điều kiện trang bị cho các em. Hơn nữa nếu kiếm được một công việc tốt phù hợp với chuyên môn đang theo học, thì công việc còn là một nhà trường thứ hai giúp các em trang bị và hoàn chỉnh kiến thức, chuẩn bị cho những cuộc thử sức lớn hơn sau khi ra trường.

Bên cạnh những ưu điểm kể trên, vẫn còn nhiều băn khoăn về vấn đề này mà cơ bản nhất là nỗi lo không đảm bảo chất lượng học tập và không thể hoàn thành chương trình đào tạo khi một số em quá xa đà vào công việc. Lúc này, câu hỏi đặt ra chính là làm thế nào để cân đối nguồn lực cá nhân (thời gian, sức khoẻ, năng lực) để đảm bảo chất lượng của việc học và việc làm?

Câu hỏi trên trước hết là câu hỏi cho từng sinh viên, mỗi em với nhận thức chín chắn về năng lực, nhu cầu, và các ràng buộc của mình sẽ phải tự tìm cách để giải bài toán phân bổ nguồn lực này. Điểm mấu chốt để giải bài toán này là đặt mục tiêu, thứ tự ưu tiên của mỗi mục tiêu một cách chính xác và không xa đà vào các thái cực. Dù khá tán đồng với quan sát của Hoa Niên về việc sinh viên phải tốn thời gian vô ích khi lên lớp chỉ để tiếp thu các kiến thức cũ kỹ hoặc đã có sẵn trong sách giáo khoa và khá nhiều buổi học còn rất khô cứng, đứng ở góc độ giảng viên tôi có điều kiện nhìn nhận ở một góc độ khác. Khá nhiều sinh viên do quá xa đà vào việc làm không có điều kiện đến lớp nghe giảng, thỉnh thoảng mới ghé qua “thăm thầy, thăm bạn”, mà những buổi ghé thăm này cũng không toàn tâm toàn ý, không đọc sách, chuẩn bị bài học, tâm trạng vẫn để ngoài lớp học. Với những điều kiện như vậy, thì gần như không thể nào nhận thấy cái hay, cái đẹp của tri thức đang được trình bày trong lớp. Lúc này, thầy dạy dở, hay môn học “quá lý thuyết” chỉ là cái cớ được viện ra. 

Nhân bàn về “lý thuyết”, lại thấy cần làm rõ hai phạm trù: lý thuyết và thực tiễn. Hai phạm trù này hiện nay đang được sử dụng một cách tùy tiện, mang ý nghĩa đối lập nhau, trong đó thực tiễn là thứ được tôn vinh, còn “lý thuyết” thì “quá lý thuyết!”, “quá xa rời thực tiễn!”. Kỳ thực hai phạm trù này không đối lập, nói một cách đơn giản lý thuyết là sự tổng kết và mô hình hoá thực tiễn, nhằm giúp chúng ta hiểu, giải thích, và dự báo các hiện tượng trong thực tiễn. Một lý thuyết tốt chính là sự phản ánh chính xác thực tiễn. Do vậy, ở mức độ cao, người nắm thật vững các lý thuyết để vận dụng chính xác trong các tình huống khác nhau của thực tiễn chính là người nắm vững thực tiễn. Để đảm bảo tính khái quát hóa, lý thuyết thường được thể hiện ở mức độ trừu tượng cao, đòi hỏi tư duy phân tích nhạy bén, do vậy nếu không đầu tư nhiều sẽ rất khó hiểu. Hiện nay việc áp dụng máy móc các lý thuyết nước ngoài vào giảng dạy, lại thiếu cập nhật và đôi khi không hiểu lý thuyết một cách chính xác dẫn đến việc coi thường lý thuyết trong một bộ phận khá đông sinh viên, doanh nghiệp và một bộ phận các giảng viên và nhà nghiên cứu. Rất nhiều sinh viên quá háo hức với những kinh nghiệm thực tiễn từ công việc mà quên rằng, nếu được trang bị lý thuyết tốt thì các kinh nghiệm thực tiễn sẽ trở thành lý luận mang tính khái quát cao hơn hẳn, tạo ra một bức tranh toàn diện, hệ thống về tri thức lao động, chứ không dừng ở mức độ những kinh nghiệm cụ thể và rải rác hàng ngày. Tất nhiên không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của hoạt động thực tiễn, nhưng cái đó chúng ta có cả một quãng thời gian dài sau tốt nghiệp để làm, còn kiến thức lý thuyết nền tảng đôi khi chỉ được tích lũy khi còn ngồi trên giảng đường. Cần nhận thức rất rõ về vấn đề này để có sự đầu tư đúng mức cho việc tiếp nhận lý thuyết và vận dụng chúng vào thực tiễn, và để giải bài toán Học và Làm.

Giải bài toán Học và Làm có lẽ không chỉ là vấn đề của từng sinh viên, nó còn là trách nhiệm của cả hệ thống giáo dục và xã hội. Tại sao vậy? Chúng ta đang hướng đến đào tạo những con người toàn diện, nhà trường hiện đang quá tải, trách nhiệm cần san sẻ cho cả cộng đồng. Nếu đi làm trong thời gian đi học là nguyện vọng chính đáng, và mang lại các lợi ích thiết thực cho sinh viên thì nhà trường và xã hội cần quan tâm giải quyết. Ở các nước, không chỉ sinh viên, mà học sinh từ phổ thông đã đi làm thêm để kiếm thu nhập và để hoàn thiện các kỹ năng xã hội. Ở Mỹ hầu như sinh viên nào cũng có việc làm thêm, họ tự trang trải các chi phí sinh hoạt và học tập của mình (tất nhiên một số vẫn phải có sự phụ giúp của cha mẹ). Chuyện đi làm thêm là việc đương nhiên. Tất nhiên, để vừa làm vừa học các sinh viên đều phải hết sức nỗ lực. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là bản thân hệ thống giáo dục và hệ thống xã hội của Mỹ cũng được thiết kế linh hoạt để hỗ trợ nhu cầu vừa học vừa làm này. 

Về phía hệ thống giáo dục, tất cả các trường đều thiết kế chương trình theo hệ thống tín chỉ chứ không theo niên chế như phổ biến ở nước ta. Bên cạnh các ưu điểm nổi bật của hệ thống tín chỉ là cho phép người học được lựa chọn học những gì phù hợp với sở thích của mình và từ đó tạo ra các “sản phẩm” đa dạng sau khi tốt nghiệp, thì hệ thống này còn cho phép người học tự thiết kế chương trình học của mình theo nhu cầu và năng lực. Chẳng hạn trung bình một học kỳ sinh viên đại học học khoảng 12-15 tín chỉ (4-5 môn) thì sẽ tốt nghiệp trong khoảng 4 năm. Những sinh viên này thường đi làm thêm 20 tiếng/ tuần. Những sinh viên khác, nếu muốn học nhanh hơn có thể đăng ký nhiều tín chỉ hơn, số khác nếu không có nhiều thời gian có thể đăng ký ít tín chỉ hơn và tốt nghiệp muộn hơn. Việc thiết kế chương trình như vậy cho tạo ra các cơ hội làm việc cho sinh viên, giúp giải quyết một phần các vấn đề tài chính cho việc học, giảm gánh nặng cho sinh viên và gia đình. Tất nhiên các trường vẫn qui định thời gian tối đa sinh viên phải hoàn tất chương trình học để tránh tình trạnh sinh viên quá xa đà và kiến thức học quá lâu sẽ bị lạc hậu. Mặt khác, trong các trường, hệ thống các cố vấn học tập và trung tâm việc làm hoạt động rất hiệu quả. Họ thường xuyên tiếp xúc, tư vấn, và cung cấp các chương trình hỗ trợ cho sinh viên. Thêm vào đó, bản thân nhà trường cũng là nơi cung cấp việc làm thêm cho sinh viên như trực thư viện, phòng máy tính, trung tâm thể thao, bãi đậu xe, cắt cỏ, trợ lý giảng dạy, nghiên cứu…Các công việc này đều được trả lương, một số được coi như các hình thức hỗ trợ tài chính hay học bổng cho sinh viên.

Về phía xã hội, rất nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động làm việc bán thời gian. Họ cho phép người lao động thời gian làm việc khá linh hoạt. Họ cũng rất chuyên nghiệp trong việc tuyển dụng các sinh viên vào thực tập (có lương hay không lương). Họ có chương trình đào tạo giúp sinh viên làm quen với công việc và có việc làm cụ thể cho sinh viên đến thực tập. Do vậy chất lượng thực tập tại doanh nghiệp khá cao. Đây chính là tiền đề quan trọng để cho sinh viên có cơ hội cọ xát trước khi ra trường. Hiện nay doanh nghiệp của chúng ta chưa mấy quen với các hình thức làm việc bán thời gian và việc tiếp nhận sinh viên thực tập một các chuyên nghiệp. Tất nhiên cũng có nhiều lý do. Nhưng có lẽ lý do chính là do người lao động của chúng ta chưa có tính chuyên nghiệp và kỷ luật, đặc biệt với lao động bán thời gian. Chính vì vậy doanh nghiệp còn nhiều e ngại. Sinh viên của Mỹ cực kỳ chuyên nghiệp, tác phong kỷ luật và tính tự giác rất cao. Một phòng máy cả trăm máy tính hiện đại chỉ do sinh viên quản lý, tự mở và đóng cửa mà hầu như chẳng bao giờ thất thoát gì và luôn hoạt động tốt. Cái này người lao động và sinh viên ta còn thua rất xa. Đây cũng là một bài toán cho hệ thống giáo dục và xã hội trong quá trình đào tạo và rèn luyện người lao động.

Bài toán học và làm cho sinh viên nếu được giải tốt ở cả ba khâu: cá nhân từng sinh viên, hệ thống giáo dục, và cộng đồng sẽ mang lại nhiều giá trị tích cực không chỉ đối với từng cá nhân sinh viên mà còn có ý nghĩa lớn đối với chất lượng giáo dục của chúng ta. 

Bài tiếp