Để “viêm màng túi” không còn là nỗi lo cho sinh viên

Với chi phí sinh hoạt khiêm tốn hàng tháng, làm thế nào sinh viên có thể vun vén cuộc sống cá nhân một cách vẹn toàn? Cùng OISP học nhanh hiểu lẹ 11 bí quyết quản lý tài chính dưới đây. Tết Âm lịch đang tới rất gần. Hãy áp dụng ngay và luôn. Đừng để bản thân rơi vào tình trạng “cháy túi” nhé!

1. Lập kế hoạch chi tiêu hàng tuần/ tháng

Một kế hoạch chi tiêu cụ thể giúp chúng ta xác định số tiền định mức ứng với từng đầu mục học tập, ăn uống, đi lại, gia đình… Phương pháp đơn giản này sẽ giữ bạn luôn sáng suốt khi mua sắm, nhất là vào dịp lễ hội cuối năm hoặc những đợt xả hàng giảm giá.

2. Mua sách giảm giá hoặc tải sách trực tuyến miễn phí

Khi ghé qua những hiệu sách cũ, sách giảm giá biết đâu bạn sẽ tìm thấy nhiều tựa sách ưng ý với giá cả phải chăng. Bên cạnh đó, bạn có thể mượn sách từ thư viện hay anh chị khóa trên hoặc tải xuống một số đầu sách trực tuyến miễn phí trên internet.

This image has an empty alt attribute; its file name is Sinh-vien-quan-ly-tai-chinh-Thu-vien-1-1024x576.jpg
Học tại thư viện cũng là cách hữu ích giúp tiết kiệm chi phí mua tài liệu – Hình: OISP

3. Săn học bổng

Sinh viên có thể tiết kiệm kha khá học phí nếu giành được các suất học bổng khuyến khích học tập của nhà trường. Ngược lại, việc học lại, thi lại hoặc học cải thiện chắc chắn sẽ khiến ngân sách của bạn thâm hụt đáng kể.

4. Tránh vung tay quá trán khi hẹn hò với bạn bè, người thương

Để “bảo vệ” túi tiền của bản thân, thay vì hẹn hò, gặp gỡ bạn bè ở những quán cà phê, nhà hàng đắt tiền, thay vào đó nhóm bạn có thể thoải mái tám chuyện, học nhóm, ôn bài ở công viên, thư viện, quán nước “dân dã” hơn. Hoặc tụ tập nấu ăn tại nhà của một người bạn vừa tiết kiệm, vừa thắt chặt tình cảm cũng là ý tưởng đáng để cân nhắc đó nha!

5. Tự nấu ăn

Tập nấu vài món ăn yêu thích, lên thực đơn ăn uống lành mạnh hàng tuần, tập thể dục điều độ sẽ vừa giúp bạn cải thiện sức khỏe, hạn chế bệnh vặt vừa tiết kiệm tối đa chi phí ăn uống.

6. Tận dụng ưu đãi dành riêng cho sinh viên

Có nhiều cửa hàng quần áo, hiệu sách, nhà hàng, rạp phim… thường xuyên giảm giá, khuyến mãi cho sinh viên. Vậy nên mỗi khi cần mua sắm, hãy thử lên mạng tra cứu xem đang có những thương hiệu nào đang ưu đãi đặc biệt cho sinh viên nhé!

7. Làm thêm

Túi tiền của bạn sẽ rủng rỉnh hơn nếu bạn kiếm được công việc bán thời gian phù hợp. Hãy làm việc chăm chỉ nhưng vẫn duy trì kết quả học tập tốt ở trường. Lưu ý lựa chọn khung giờ làm thêm hợp lý, hạn chế nhận ca khuya vì có thể ảnh hưởng tới đồng hồ sinh học và khả năng tiếp thu bài vở của bạn.

8. Thực tập có nhận lương

Nhiều sinh viên chờ đến năm Ba, năm Tư mới đi thực tập. Tuy nhiên, trên thực tế, một số công ty ban hành chính sách tuyển dụng thực tập sinh năm Hai. Nhờ đó, bạn có thể học hỏi kinh nghiệm từ sớm và nhận được khoản thù lao nho nhỏ.

9. Ở ghép phòng trọ, ký túc xá

Rủ rê mấy đứa bạn hợp cạ mướn chung phòng trọ hoặc ở ghép trong ký túc xá là giải pháp tiết kiệm thông minh mà các bạn sinh viên không thể bỏ qua.

10. Tham gia hoạt động cộng đồng thay vì đi mua sắm vào cuối tuần

Việc tham gia công tác xã hội, câu lạc bộ/ đội nhóm sẽ giúp bạn kiểm soát chi tiêu tốt hơn vì sự tập trung và thời gian rảnh rỗi đã được phân bổ cho những hoạt động cộng đồng. Không chỉ dừng lại ở đó, khi trở thành sinh viên nhiệt huyết trong các chiến dịch thiện nguyện, bạn chắc chắn tích lũy thêm nhiều điểm rèn luyện và ngày công tác xã hội. Đúng là một công đôi chuyện, phải không nào?

11. Di chuyển bằng phương tiện công cộng

Nếu ở gần trường, bạn có thể đi bộ hoặc chạy xe đạp. Nếu sống xa trường, thử cân nhắc đi xe buýt hoặc đi học chung bạn thân/ bạn cùng phòng nhé!

Đi học bằng xe đạp giúp bạn vừa tiết kiệm chi phí vừa tăng cường sức khỏe – Hình: OISP

Bài: LINH LÊ

Bài trước

Bài tiếp